Chính sách bị "bẻ ghi" bằng... công văn?

Báo PLVN ra ngày 29/4/2011 có bài Áp thuế kiểu nào cho đúng?, phản ánh quan điểm khác nhau giữa các cơ quan liên quan đến việc áp dụng thuế suất đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Sau bài báo, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng chỉ đạo bằng công văn của một số Bộ đã dẫn đến những khe hở pháp luật để cho tình trạng lợi dụng chính sách thuế xảy ra rất nghiêm trọng…

[links()]Báo PLVN ra ngày 29/4/2011 có bài “Áp thuế kiểu nào cho đúng?”, phản ánh quan điểm khác nhau giữa các cơ quan liên quan đến việc áp dụng thuế suất đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Sau bài báo, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng chỉ đạo bằng công văn của một số Bộ đã dẫn đến những khe hở pháp luật để cho tình trạng lợi dụng chính sách thuế xảy ra rất nghiêm trọng…

Lắp ráp ôtô. Hình minh họa
Lắp ráp ôtô. Hình minh họa
Các Bộ cùng… tạo khe hở pháp luật

Liên quan đến việc áp thuế suất linh kiện hay thuế suất nguyên chiếc cho các lô hàng linh kiện ô tô nhập khẩu không đảm bảo độ rời rạc của linh kiện mà PLVN đã phản ánh trong bài Áp thuế kiểu nào cho đúng?, các Bộ, ngành quản lý đã có những hướng dẫn áp dụng luật một cách tùy tiện, sử dụng loại văn bản là công văn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định pháp luật nhưng…có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Điển hình là vụ việc Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam bị áp thuế nguyên chiếc cho lô hàng linh kiện kiện ô tô Hyundai Mighty và Hyundai County . Năm 2010, Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam mở tờ khai nhập khẩu một số lô hàng linh kiện ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc do Công ty K.A.M International cung cấp. Trong quá trình kiểm tra, Chi cục Hải quan quản lý Khu Công nghiệp Bắc Giang và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số linh kiện không “rời rạc” theo quy định tại Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN), quy định tiêu chuẩn độ rời rạc của linh kiện ô tô, dạng CKĐ, như: Đệm ghế lái, ghế phụ đã được lắp vào xương ghế; kính đã được lắp vào khung, gioăng kính và khóa.  

Vì vậy, Chi cục Hải quan quản lý KCN Bắc Giang đã có quyết định ấn định thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc đối với lô hàng “linh kiện” này. Số thuế mà Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam phải nộp cho một lô hàng là gần 50 tỷ đồng, thay vì số thuế “linh kiện” mà đơn vị này kê khai chỉ hơn 13 tỷ đồng. Số tiền thuế chênh lệch giữa thuế suất linh kiện và thuế suất xe nguyên chiếc là hơn 36 tỷ đồng.

Vụ ấn định thuế này đã khiến cả doanh nghiệp và các cơ quan xử lý đều phải hỏi Bộ KHCN (cơ quan ban hành Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN) đề nghị cho biết các linh kiện này có đáp ứng độ rời rạc theo quy định của pháp luật hay không. Song, Bộ KHCN đã có ý kiến trái ngược nhau. Trong văn bản trả lời Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Bộ này cho rằng, các linh kiện trên chưa đảm bảo độ rời rạc. Nhưng tại Công văn 3031/BKHCN-ĐTG, ngày 13/1/2011, Bộ KHCN lại cho rằng, mức độ rời rạc của các linh kiện trên là “chấp nhận được”.

Các ý kiến trái chiều nhau của Bộ KHCN đã tạo khe hở pháp luật, khiến các cơ quan xử lý vi phạm trở nên... khó xử. Doanh nghiệp nhập khẩu vin vào “hướng dẫn” của Bộ KHCN để khiếu nại quyết định ấn định thuế nguyên chiếc của cơ quan Hải quan.

Không những thế, mới đây, Bộ Tài chính có công văn “đồng tình” với cách tạo ra khe hở pháp luật của Bộ KHCN. Với cách chỉ đạo bằng công văn để doanh nghiệp nhập khẩu “lách” Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN, thì các Bộ đã đẩy Nhà nước vào nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, vì không chỉ Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam bị ấn định thuế mà gần đây, Cty Hyundai Vinamotor cũng bị Chi cục Hải quan Tây Đô (Cần Thơ) ấn định thuế tương tự.

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), thì không thể lấy công văn thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng đúng nội dung văn bản quy phạm pháp luật, kể cả khi có công văn “hướng dẫn” áp dụng không đúng nội dung văn bản quy phạm đó.

Lách luật để trốn thuế

Việc áp dụng thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc đối với linh kiện nhập khẩu không đủ độ rời rạc là một trong các giải pháp để ngăn chặn gian lận thuế và thương mại của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đang tìm mọi cách để lách qua “hàng rào thuế” và lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang “chơi” một con bài cũ nhưng có hiệu quả tại Việt Nam để “nhập khẩu xe nguyên chiếc” nhưng chỉ phải nộp thuế nhập khẩu… linh kiện. Cách “hướng dẫn luật” của các Bộ như trên đang tạo thuận lợi để cho doanh nghiệp nước ngoài thành công với kiểu lách luật rất cũ này.

Cách lách luật của doanh nghiệp nước ngoài rất đơn giản. Doanh nghiệp nước ngoài thuê một doanh nghiệp trong nước có chức năng, nhà máy lắp ráp ô tô lắp ráp thuê. Để có linh kiện lắp ráp, doanh nghiệp nước ngoài đã dựng lên một pháp nhân Việt Nam, đứng ra nhập khẩu linh kiện (có thể trực tiếp nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo ủy thác của doanh nghiệp lắp ráp thuê) và mua lại lô hàng ô tô nguyên chiếc mà doanh nghiệp lắp ráp thuê vừa cho “ra lò”. 

Nghi án Công ty K.A.M.

Trong việc nhập khẩu linh kiện ô tô Hyundai Mighty và Hyundai County vào Việt Nam, Cty K.A.M International, doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên cung cấp linh kiện xe của hãng Hyundai cũng sử dụng phương pháp trên để tránh thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc. Cty K.A.M International đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam lắp ráp ô tô tải Hyundai Mighty và ô tô khách Hyundai County với số lượng dự kiến khoảng 2000 xe/năm.

Thông qua một doanh nghiệp “thân tín” là Cty CP Hyundai Dong Vang, K.A.M International đã nhập khẩu linh kiện ô tô Hyundai Mighty và Hyundai County vào Việt Nam. Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thì linh kiện nhập khẩu đủ cả một chiếc xe, trừ lốp và ắc quy. Như vậy, một chiếc xe lắp ráp tại Việt Nam cũng không khác gì một chiếc xe lắp ráp tại Hàn Quốc.

Liên quan đến lô hàng mà Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam bị ấn định thuế nguyên chiếc khi làm thủ tục nhập khẩu, Cty K.A.M International cũng chuyển đến cảng Hải Phòng bằng hợp đồng ngoại thương với Cty Hyundai Dong Vang, doanh nghiệp đang bị nghi ngờ là do chính K.A.M International dựng lên. Cty Hyundai Dong Vang cũng là “khách hàng” mua lại... những chiếc xe mà Tổng Cty công nghiệp ô tô Việt Nam cho ra lò.

Như vậy, hiện nay, chính sách nhập khẩu linh kiện đang bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để trục lợi. Với việc nhập khẩu gần 100% linh kiện, lắp ráp xe với tỷ lệ nội địa hóa bằng 0%, doanh nghiệp nước ngoài không chỉ được bán được xe nguyên chiếc tại Việt Nam với mức phí lắp ráp cạnh tranh mà còn tránh được thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc. Một việc làm có lợi kép.

Với thủ thuật trên, Nhà nước và doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhà nước đã mất hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế do không áp được thuế suất nguyên chiếc, còn doanh nghiệp sản xuất xe trong nước có tỷ lệ nội địa hóa cao thì khó mà cạnh tranh với xe “nguyên chiếc Hàn Quốc lắp ráp tại Việt Nam ”.

Cơ quan hải quan đã áp dụng thuế suất nguyên chiếc đối với những linh kiện nhập khẩu trên là quyết định đúng nhằm ngăn chặn gian lận thương mại và thuế của doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng các công văn của Bộ KHCN, Bộ Tài chính đã hướng dẫn luật theo hướng… tạo cơ hội cho doanh nghiệp lách luật, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước và nguy khốn cho doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Việc thiếu thống nhất trong áp dụng và thực thi pháp luật đang gây những ngờ vực và bất bình trong dư luận cần được các cơ quan hữu quan xem xét một cách nghiêm túc, khách quan để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Bình Minh

Đọc thêm