Chính sách hỗ trợ thu hồi đất cần phù hợp với sự thay đổi giá cả thị trường

(PLVN) - Một trong những chính sách dự kiến được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai năm 2013 là chính sách về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đang thu hút sự quan tâm của người dân.
(Hình minh họa).

Và mong mỏi chính đáng của đa phần người dân khi có đất trong diện thu hồi là họ sẽ được hỗ trợ phù hợp với sự thay đổi giá cả thị trường.

Nhiều chuyển biến tích cực trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Có thể nói, kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, những chính sách về kinh tế đất đai; giá đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực thi Luật Đất đai năm 2013 nói chung và các vấn đề kể trên nói riêng đã luôn được quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện công khai, dân chủ nhằm đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Sau khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp. Việc tổ chức lấy ý kiến được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi được thực hiện một cách thuận tiên.

Bên cạnh đó, công tác này được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được người dân đồng thuận nên việc thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thuận lợi. Do vậy, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân đã giảm đáng kể.

Nhìn chung, những chính sách kinh tế đất đai; giá đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất rõ ràng, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục. Việc thực hiện các dự án với sự tập trung, thống nhất cao về chủ trương và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả; các cấp, các ngành đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc. Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu một số bất cập như việc định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 là được xác định trên cơ sở “giá đất phổ biến trên thị trường”.

Vì vậy, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn khi thị trường bất động sản chưa thực sự hoạt động công khai minh bạch; các cơ quan quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong thực hiện việc theo dõi, giám sát và tổng hợp được đầy đủ chính xác và kịp thời các thông tin giao dịch về quyền sử dụng đất trên từng địa bàn, nhất là đối với đất ở.

Bên cạnh đó, Luật sư Hùng nêu phản ánh của nhiều địa phương liên quan đến trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho người dân có đất bị thu hồi còn phát sinh vướng mắc như về chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất là rất khó.

Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp, không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao. Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động…

Giá đất bồi thường cần sát với giá chuyển nhượng trên thị trường

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình và đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Trong đó, chính sách về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là 1 trong 11 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách…

Luật sư Hùng hy vọng, những dự kiến sửa đổi về chính sách kinh tế đất đai; giá đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ giúp giải quyết các tồn đọng của pháp luật nhằm giúp quy trình thu hồi đất được nhanh chóng, hiệu quả, đúng tiến độ để phát triển các dự án theo kế hoạch phát triển đất nước.

Đề xuất hướng hoàn thiện chính sách này khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật sư Hùng phân tích, các vấn đề chính trị, pháp lý và thực tiễn đắt ra liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai là những vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, xử lý thỏa đáng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp và xã hội. Thực tế thấy, chính sách về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hiện nay đang có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Chẳng hạn, công tác thẩm định giá là một khâu quan trọng và chiếm nhiều thời gian trong việc thực hiện quy trình công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Hiện nay, các đơn vị tư vấn thẩm định giá còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong tìm kiếm thông tin giao dịch tài sản và xác định hệ số điều chỉnh giá đất.

Các quy định về thẩm định giá còn mang nặng tính nguyên tắc nên khi áp dụng còn nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn phải bổ sung nhiều lần, thiếu tính nhất quán, dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện. Ngoài ra, công tác tái định cư cũng gặp phải các vướng mắc, khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân khi bị thu hồi đất.

Từ những tồn tại, hạn chế của chính sách cũ, Luật sư Hùng đưa r một số giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện chính sách về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Ví dụ như: Việc xây dựng giá đất bồi thường sát với giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường, thường xuyên có sự cập nhật bảng giá đất để việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất và đơn giá bồi thường được thực hiện chính xác nhất; hoàn thiện chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với sự thay đổi giá cả thị trường; đẩy mạnh bố trí tái định cư, tăng cường các chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất; công nghệ hóa hệ thống quản lý đất đai để công tác bồi thường, hỗ trợ được thực hiện nhanh chóng, giảm bớt các trình tự, thủ tục pháp lý khác và hoàn thiện các quy định về thẩm định giá, tránh tình trạng khó khăn, bất cập trong việc áp dụng vào thực tiễn.

Đọc thêm