Cho con tiếp cận Youtube quá sớm là sự ích kỷ của người lớn

(PLO) - Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định như vậy tại talkshow “Youtube an toàn cho trẻ” do nhóm sinh viên Chương trình Cử nhân Quốc tế về Quảng cáo, PR và Truyền thông của đại học Middlesex tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dự án Youtube Safety for Children (YSFC) tổ chức sáng 24/3. 
Các diễn giả tại talkshow
Các diễn giả tại talkshow

Chia sẻ tại buổi thảo luận, nhà báo Hoàng Thu Hường - Phó Giám đốc iSee – nói rằng, gia đình chị cho con tiếp cận máy tính từ khá sớm, khoảng 4 tuổi. Điều kiện để các con chị có thể sử dụng máy tính là trẻ phải sử dụng 10 ngón tay. Bên cạnh đó, tất cả các nội dung mà trẻ tiếp cận đều phải bằng tiếng Anh. Theo chị Hường, nhờ đó mà các con chị có vốn tiếng Anh khá tốt.

Một số người trong khi đó cho biết họ cho con tiếp cận Youtube để học bài, học đàn… 

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Thành Nam cho rằng, tất cả mọi lý do được đưa ra để nói về việc cho con tiếp cận Youtube sớm, dù là để học tiếng Anh hay gì đó đều chỉ là lý do, sâu xa hơn là lời xin lỗi của các bậc cha mẹ về hành vi của mình.

Theo Tiến sỹ Nam, nguyên nhân cơ bản của việc cho con tiếp cận Youtube quá sớm là do các bậc cha mẹ quá bận, không có thời gian cho trẻ. 

“Đến tầm 3, 4 tuổi, trẻ bắt đầu bị hấp dẫn bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh, tiếng động, màu sắc. Khi đó, cách dễ dàng nhất để con ngoan, khỏi mè nheo, đeo bám để mình có thể làm việc là “vứt” cho con chiếc điện thoại hay ipad. Khi có điện thoại hay ipad, trẻ có nhiều thứ để chơi, trong đó có Youtube. Có nhiều lý do được đưa ra nhưng ít thời gian và cả sự ích kỷ của chúng ta mới là lý do đại đa số các bố mẹ cho con sử dụng youtube”, ông Nam lý giải.

Tại buổi thảo luận, bên cạnh một số lợi ích của Youtube như là nơi học tiếng Anh, chia sẻ các kinh nghiệm… các chuyên gia cũng đã chỉ ra những nguy cơ của việc cho trẻ tiếp cận Youtube sớm, bao gồm có những nguy cơ đối với tâm lý, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Đó không chỉ là nguy cơ khiến trẻ bị cận thị sớm, thu mình lại và chỉ sống trong một không gian hẹp trên mạng, không chơi với bạn bè, trò chuyện với những người thân trong gia đình mà còn tiềm ẩn những mối nguy nghiêm trọng hơn.

Ví dụ, Tiến sỹ Nam chỉ ra một số trào lưu không lành mạnh mà trẻ có thể học theo như hút thuốc lá điện tử để “nhả khói cho đẹp”, hít bột quế, tự tẩm xăng đốt mình và ghi lại clip…

Trong bối cảnh như vậy, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ để trẻ ít phải chơi với các thiết bị điện tử, dạy con về ý thức sử dụng Youtube và tự đánh giá những nội dung mà trẻ tiếp cận… 

Youtube Safety for Children là dự án do nhóm sinh viên Chương trình Cử nhân Quốc tế về Quảng cáo, PR và Truyền thông của đại học Middlesex tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện với hi vọng có thể truyền tải đến các vị phụ huynh những thông tin bổ ích về việc giúp con sử dụng Youtube đúng đắn hơn, tránh những tác hại có thể xảy đến hành trình trưởng thành của con, đồng thời gợi mở các giải pháp phù hợp để cha mẹ cải thiện sự kết nối với con trẻ với thế giới số.

Đọc thêm