Đơn cử như tại Hà Nội, theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, riêng trong tháng 2/2020, có hơn 4.000 trường hợp đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, hoặc cắt giảm sản xuất, kinh doanh ở 80 doanh nghiệp. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 6.900 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Luật Việc làm năm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật, trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc gồm: Hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc, Sổ bảo hiểm xã hội.
Sau khi hoàn thiện và nộp đủ hồ sơ theo quy định, người lao động cần quay lại trung tâm dịch vụ việc làm theo ngày hẹn để nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền trợ cấp tháng đầu tiên. Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Cơ quan BHXH chỉ giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Với trường hợp quá 3 tháng, người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH, thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.