Cho thuê tài sản công, chi phí tính ra sao?

(PLO) - Tại Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa diễn ra tuần qua do Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn trước hai vấn đề lớn: Giữa các cơ quan nhà nước, khi sử dụng tài sản công có phải thuê hay không? Nếu cho thuê thì chi phí tính như thế nào, có theo nguyên tắc thị trường?
Ảnh minh họa.

Một trong những điểm mới căn bản của Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này so với Luật năm 2008, đó là: “Cho phép sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng chưa hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan dự trữ nhà nước”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng phân chia rõ các đối tượng trong việc khai thác, sử dụng tài sản công theo từng đối tượng quản lý, sử dụng, bao gồm cơ quan nhà nước (đơn vị hành chính công), đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Không ít ý kiến cho rằng, đối với cơ quan nhà nước (đơn vị hành chính công), nên quy định việc hình thành, quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tuân theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, bảo đảm đúng công năng; không được phép sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước vào khai thác, liên doanh, liên kết, cho thuê, huy động vốn. Chỉ cho phép cơ quan nhà nước sử dụng trong những trường hợp như: được sử dụng tài sản công là hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích, đồng thời được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí theo quy định của Chính phủ. Việc cho phép sử dụng chung phải được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm bảo đảm an toàn, tôn nghiêm, sử dụng đúng mục đích. (Quy định này kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành). 

Liên quan đến quy định “được sử dụng chung tài sản công” nhưng phải trả một khoản “kinh phí” để bù đắp chi phí, một số thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách đặt vấn đề: thực tế có hay không việc tính giá thuê giữa cơ quan nhà nước này với cơ quan nhà nước khác? Mặt khác, đã là tài sản công (được hình thành từ ngân sách nhà nước, phục vụ cơ quan nhà nước), tại sao giữa các cơ quan nhà nước sử dụng chung tài sản lại phải trả chi phí? Trước thắc mắc này, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính lý giải: chi phí bù đắp chính là chi phí thanh toán trực tiếp cho việc phục vụ chung, điện, nước, nhân công, không bao gồm chi phí khấu hao.

Chưa bằng lòng với giải thích này, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, gắn liền với tài sản công là bộ máy phục vụ và bộ máy này được trả lương để làm nhiệm vụ phục vụ cho các cơ quan nhà nước. “Vì sao chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản, còn cơ quan nhà nước khác lại đòi hỏi chi phí thực hiện?” - ông Vân đặt câu hỏi và đề nghị chỉ bù đắp các khoản chi phí phát sinh như điện, nước; không tính chi phí nhân công.

Lấy dẫn chứng về việc Quốc hội từng phải dùng trụ sở hội trường Bộ Quốc phòng trước khi có Nhà Quốc hội để phục vụ đại biểu Quốc hội trong thời gian họp Quốc hội, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định, không có chuyện tính giá thuê tài sản công giữa các cơ quan nhà nước. Thời gian Quốc hội sử dụng trụ sở hội trường Bộ Quốc phòng thì Bộ Quốc phòng phải sử dụng kinh phí tăng thêm. Kinh phí đó, ngân sách nhà nước không cung cấp cho Bộ Quốc phòng, không có trong dự toán của Bộ Quốc phòng, nên Văn phòng Quốc hội phải trả khoản chi phí bù đắp trong thời gian họp Quốc hội như điện, nước, hoa, nhân công. Nếu Văn phòng Quốc hội không bù đắp chi phí, Bộ Quốc phòng buộc phải dự toán chi phí này trong ngân sách nhà nước. Nghĩa là dù cơ quan nào chi trả cũng đều là ngân sách nhà nước.

Để chống lạm dụng tài sản công, cho thuê trội lên, hoặc tính trội kinh phí nhằm lấy chênh lệch, một số ý kiến đề nghị Dự thảo Luật phải quy định rõ hơn về thu và quản lý nguồn thu giữa cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước; giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân không thuộc cơ quan nhà nước. Đồng thời, việc quy định cho thuê, mượn, liên doanh, liên kết, huy động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải làm rõ vấn đề: giữa các cơ quan nhà nước, khi sử dụng tài sản công có phải thuê hay không? Và khi cho thuê tài sản công thì có tuân theo nguyên tắc thị trường?

Ở một khía cạnh khác, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần bổ sung trong Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra các vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cũng nên có quy định về các biện pháp, chế tài đối với những cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở không đúng mục đích, đầu tư lãng phí, không phù hợp với công năng, công suất sử dụng. “Quản lý, sử dụng tài sản công có nội dung rất rộng và phức tạp, khó có thể xây dựng một cách triệt để, toàn diện và đầy đủ những nội dung quản lý, sử dụng tất cả các loại tài sản trong nền kinh tế. Hy vọng, việc ban hành và thực hiện Luật này nếu được thông qua sẽ giúp sử dụng hiệu quả tài sản công, hạn chế thấp nhất lãng phí, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước” - ông Long nhận xét.