Cho vay cầm cố đăng ký, cà vẹt xe có hợp pháp?

0:00 / 0:00
0:00
“Vay trả góp bằng cà vẹt xe”, “Có cà vẹt là có tiền”, “Chỉ cần đăng ký, 15 phút có tiền”… Liệu các gói vay hấp dẫn như thế có hợp pháp hay tồn tại rủi ro gì cho bên vay hay bên cho vay không?

Hiện nay, các chuỗi cửa hàng cho vay cầm cố tài sản lớn thường giới thiệu các khoản vay mà bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, thường là đăng ký/cà vẹt xe máy, ô tô. Với hình thức này, nếu khách hàng muốn giữ lại xe để đi lại thì doanh nghiệp cung cấp gói sản phẩm cho vay bằng đăng ký ô tô, xe máy sẽ cho khách hàng mượn lại tài sản và việc này được ghi rõ trong hợp đồng cầm cố. Sau khi thẩm định phương tiện và làm các thủ tục liên quan, doanh nghiệp sẽ bàn giao xe cho khách hàng sử dụng nhưng giữ lại bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện.

Như vậy, về khía cạnh pháp lý, tài sản cầm cố vẫn sẽ được doanh nghiệp cho vay lưu giữ và bảo quản tại địa chỉ của khách hàng. Khách hàng có trách nhiệm bảo quản tài sản theo đúng cam kết trong hợp đồng, giữ tài sản không bị hư hỏng, suy giảm giá trị và sử dụng theo quy định của pháp luật,. Ngoài ra, doanh nghiệp cho vay có quyền thu giữ lại tài sản vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn hợp đồng.

Căn cứ pháp lý

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Luật sư Cao cấp Công ty Luật ANT, việc cho mượn lại tài sản cầm cố này là phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể:

Tại khoản 3, điều 314 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Bên nhận cầm cố “được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận”. Tại Khoản 2, Điều 3 nên rõ: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Điểm k, Khoản 3, Điều 12, có quy định xử phạt đối với hành vi: “k) Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố hoặc không lưu giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản đối với tài sản theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó”. Tại Điểm e, Khoản 4, Điều 12, Nghị định 144 cũng đã quy định xử phạt đối với hành vi: “e) Không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, việc doanh nghiệp cầm đồ cho mượn lại tài sản cầm cố nhưng vẫn lưu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố là có căn cứ pháp lý.

Cho vay cầm cố đăng ký sở hữu phương tiện tại Thái Lan

Tại các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là Thái Lan, hình thức cho vay bằng đăng ký ô tô, xe máy khá thịnh hành. Top 3 chuỗi cửa hàng cầm đồ tại xứ sở chùa tháp là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital sở hữu tổng cộng gần 10.000 phòng giao dịch trên toàn quốc. Hoạt động cho vay cầm cố chứng nhận sở hữu tài sản (title loan) ở quốc gia này cũng đã có một số quy định rõ ràng.

Cụ thể, ngày 31/01/2019, Bộ Tài chính Thái Lan ra thông báo quy định về Lĩnh vực kinh doanh được phê duyệt theo Mục 5 của Tuyên bố của Nghị định số 58 của Hội đồng Cách mạng (Khoản vay Cá nhân có Giám sát) Vol. 3 để điều chỉnh hoạt động cầm cố đăng ký ô tô. Theo đó, cầm cố đăng ký ô tô được định nghĩa là "cho người có quyền sở hữu ô tô vay mà bên cho vay sẽ nhận được sổ đăng ký ô tô... để đảm bảo khoản vay...”. Bên cho vay phải được Bộ Tài chính cấp giấy phép thông qua Ngân hàng Thái Lan và phải tuân thủ một số quy định như:

(i) Giá trị khoản vay không được vượt quá năm (5) lần thu nhập của bên vay;

(ii) Tổng tiền lãi, tiền phạt chậm trả, phí dịch vụ thu của bên vay không quá 28% năm;

(iii) Bên cho vay có thể thu thêm các chi phí thực tế và hợp lý ngoài lãi và phí tại mục (ii) nêu trên nhưng các khoản này phải nằm trong danh sách các khoản chi phí mà Ngân hàng Thái Lan cho phép thu;

(iv) Bên vay có quyền trả nợ đầy đủ trước khi kết thúc thời hạn cho vay mà không bị phạt hoặc bị tính phí trả nợ trước hạn;

(v) Bên cho vay phải cung cấp đầy đủ thông tin về khoản vay để bên vay quyết định có nên vay hay không, chẳng hạn như lãi suất và lãi suất phạt, bao gồm cả lịch trình trả nợ chi tiết cho từng đợt;

(vi) Trong trường hợp bên vay vi phạm thì trước khi thực hiện biện pháp bảo đảm (bán xe), bên cho vay phải thông báo cho bên vay để bên vay có thể kiểm tra thông tin hoặc khiếu nại về việc mua bán đó;

(vii) Trường hợp giá bán ô tô vượt quá số tiền cho vay thì bên cho vay phải trả lại cho bên vay số tiền chênh lệch đó

(viii) Bên cho vay phải lập báo cáo hoạt động định kỳ sáu tháng một lần và nộp báo cáo tài chính trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi năm tài chính cho Ngân hàng Thái Lan.

Việc các doanh nghiệp cho vay ở Việt Nam cho khách hàng mượn lại tài sản cầm cố cũng tương tự với hoạt động cầm cố đăng ký ô tô tại Thái Lan. Do đó, trước những tiện ích và giá trị nhân văn mà hình thức cho vay tiền nhanh bằng đăng ký ô tô, xe máy mang lại, pháp luật Việt Nam cũng cần bổ sung thêm một số quy định nhằm thúc đẩy hơn nữa hình thức cho vay này.

Đọc thêm