Từ vùng tuyết trắng về đất gió Lào học mệ "dạ - thưa"

(PLO) - Cô gái tên là Lê Na (SN 1969) từ đất nước Ukraina xa xôi về làm dâu trên đất gió Lào cát trắng đã 16 năm nay. Cùng chồng là anh Nguyễn Ngọc Toàn (SN 1969) có hai con một gái một trai, cô gái người Nga có cuộc sống hạnh phúc nhưng thật gian nan trong cuộc mưu sinh tại thôn 16 xã Lộc Ninh (TP Đồng Hới).
 Vợ chồng chị Lê Na và hai con
Vợ chồng chị Lê Na và hai con
Tình yêu Việt - Nga
Năm 1990, theo trào lưu xuất khẩu lao động, anh Toàn sang làm việc tại một nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng ở đất nước Ukraina thuộc Liên bang Nga trước đây. Nhanh nhẹn, tháo vát, khỏe mạnh, chàng trai quê Đồng Hới, Quảng Bình gió Lào cát trắng đã làm rung động trái tim cô gái Ukraina xinh đẹp cũng là công nhân trong nhà máy. Rồi tình yêu đến. Hai năm sau họ đi đến hôn nhân. 
Năm 1994, cô con gái Nguyễn Maria bụ bẫm kháu khỉnh ra đời càng gắn bó bền chặt tình yêu của họ. Hết hạn xuất khẩu lao động, không ít người đã tìm cách ở lại xứ người để mưu cầu giàu sang, nhưng với trách nhiệm là người con trai đầu độc nhất trong gia đình, anh Toàn quyết định đưa vợ con về với quê hương. 
Làm dâu Việt Nam từ năm 1999, những năm tháng mà quê hương đất nước còn oằn mình trong những khó khăn về kinh tế, cô gái Ukraina gặp biết bao ngỡ ngàng, khó khăn trong mọi mặt cuộc sống. 
Nhà chồng thuộc vùng đồi ngoại ô phía Bắc thành phố. Những ngày ấy điện, nước vẫn là mặt hàng xa xỉ của người dân ở đây. Từ một nơi hiện đại về đây sinh sống, Lê Na thực sự rơi vào một thế giới khác lạ. 
Từ việc múc nước bằng gàu đến đun bếp bằng lò mạt cưa. Từ cái nhà vệ sinh biệt lập ngoài vườn đến nhà cửa luôn luôn đầy bụi và đêm ngày tràn ngập tiếng ồn vì ô tô xuôi ngược trên quốc lộ 1A… 
Ý nghĩ bỏ tất cả để “cao chạy xa bay” trở về với đất nước Ukraina từng thường trực trong cô gái “Tây” này suốt mấy năm trời. Thế nhưng tình yêu chân vẫn là “vị thuốc” níu kéo, kết dính con người bao đời này. 
Ngoài tình yêu của chồng; còn là Nguyễn Maria, cô con gái thân yêu đầu lòng, sự hòa hợp giữa hai dòng máu Việt -  Ukraina bụ bẫm; là sự săn sóc ân cần của bố mẹ chồng; sự quan tâm của những người từng học tập, làm việc, sinh sống tại nước Nga trước đây trong hội “Người Quảng Bình trên đất Nga”. Ý nghĩ “trốn chạy” dần nguôi ngoai, phai nhạt và chấm dứt trong tâm trí.
Sau khoảng hai năm, Lê Na mới thành thạo tiếng Việt.
“Chừ mà ra chợ, mấy mụ bán hàng đừng hòng lừa được con tôi. Con tôi biết trả giá, biết bình luận hàng tươi, hàng ươn, hàng đắt hàng rẻ. Chứ trước đây, ra chợ, nghĩ là “Bà Tây không biết gì” nên họ nói thách thật cao, con tôi không biết cứ trả đại tiền. Về nhà, biết chuyện, con tôi khóc, phải an ủi mãi. Cứ như thế mà “khôn” dần”, bà Lý nhớ lại. 
Để hòa đồng trong cuộc sống, chị Lê Na sau đó quyết định đổi tên thành Liên, bé Nguyễn Maria Nguyễn Thị Trà Mi. Cậu bé da trắng, mũi cao, mắt quả bàng non, đẹp như một tiên đồng thì mang tên Nguyễn Hồng Quân. 
Thấy cả nhà họ hàng và hàng xóm đều gọi nhau bằng những cái tên ấy, cô gái Maria tâm sự vui mừng vì thấy mình đã “Việt hóa”.  
Nhọc nhằn cuộc mưu sinh 
Không bằng cấp, không vốn liếng, không thông thạo tiếng Việt, những sóng gió ấy tưởng chừng có lúc làm đắm con thuyền cuộc sống của Lê Na nơi quê chồng. Ít tháng sau khi về Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Lê Na xin được vào làm hợp đồng tại khách sạn Đồng Hới, mức lương 1 triệu/tháng. 
Nhưng khách sạn Đồng Hới sau đó dừng hoạt động để xây dựng. Lê Na lại chuyển làm hợp đồng cho khách sạn Hữu Nghị. Đây là khách sạn thuộc UBND tỉnh quản lý nên khách đến, đi nườm nượp. Tuy mức lương có nhích lên chút ít nhưng công việc thì vất vả bội phần. Đó là chưa kể những khi có hội nghị kéo dài, ríu rít khách đến  khách đi mãi 9 - 10h tối mới được về. 
Đáng ngại nhất đối với Lê Na là đã bị một lần tai nạn giao thông suýt chết cả mẹ lẫn con nên từ đó chị sợ không bao giờ đi xe máy. Anh Toàn chồng chị (làm việc ở dự án nước sạch nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Bình) phải chở vợ đi về, với quãng đường một chiều gần 5 km. 
Chưa bao giờ vợ chồng Lê Na được về nhà sớm theo đúng nghĩa giờ giấc hành chính vì đặc trưng công việc của chị. Thương chồng, chị quyết định cắt hợp đồng, ở nhà “chịu cực chịu khổ” để giúp đỡ bố mẹ chồng đang nghỉ hưu và chăm sóc bé Nguyễn Maria đang học tiểu học. 
Năm 2006, sinh thêm con con trai, vui mừng vì gia đình đã có người “nối dõi tông đường” nên chị quyết định ở nhà hẳn để chăm con, chăm sóc bố mẹ chồng buổi xế chiều. 
Mọi chi tiêu sinh hoạt, nuôi nấng con cái đều dựa vào đồng lương  hưu của bố mẹ chồng và lương tháng của anh Toàn. Hai năm sau, khi con trai cứng cáp, trước nhu cầu học tập ngày một tốn kém của con cái mà lương chồng chỉ vẻn vẹn 3,5 triệu đồng/tháng, chị quyết định “xông pha” kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 
Có một người từng sống trên đất Nga nhiều năm, mở quán cà phê mang tên “Việt - Nga” trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần trước bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, mời chị đến “giúp một tay”. 
Tại đây, những người từng sống làm việc trên đất nước Nga trước đây đến vừa uống cà phê vừa nói tiếng Nga, vừa hát những bài hát Nga. Nhưng những khách lạ vì sự tò mò và hiếu kỳ cũng vẫn tìm đến. 
Và chính những vị khách này đã “làm phiền” cho chị. Chị không chịu được những câu đùa khiếm nhã của những vị khách giàu tiền nhưng nghèo văn hóa này. Vì thế, chỉ sau vài tháng chị đành phải “tạm biệt”. 
Không khuất phục sự đói nghèo, chị quyết định đi lấy hàng bánh kẹo ở đại lý lớn bỏ cho những quán nhỏ bằng xe đạp. 
Hình ảnh “cô gái Tây” đi bỏ hàng bằng xe đạp ở các quán lẻ phía Bắc TP.Đồng Hới bây giờ không còn xa lạ với cư dân ở đây. 
“Thấy cô gái ấy lầm lũi đi bỏ hàng bằng xe đạp, ai thấy cũng thương, đều lấy hàng cho cô ấy cả”, chủ một quầy tạp hóa bên đường tâm sự 
Mẹ chồng như mẹ đẻ 
Khi anh Toàn còn làm việc tại Ukraina, điện về cho mẹ, báo tin mình sẽ lấy vợ, bà mừng lắm. Nhưng khi nghe nói lấy cô gái Ukraina, bà Lý liền sa sầm mặt mày bực tức. Nghĩ là nó lấy vợ “Tây” rồi ở hẳn bên Tây, lấy ai nối dõi tông đường. 
Bà Lý, người mẹ chồng thương cô con dâu Nga hết mực
 Bà Lý, người mẹ chồng thương cô con dâu Nga hết mực
May cho vợ chồng bà là “chúng nó” dắt díu về đây cả, chấp nhận cuộc sống ở Quảng Bình. “Nó về Việt Nam, làm dâu nhà tôi, tôi không yêu thương nó, nó bỏ chồng bỏ con mà đi, mình không những mang tiếng là “mụ gia ác bá”, mà hơn thế nữa, ảnh hưởng danh dự quốc thể, rằng phụ nữ Việt Nam không quý dâu con người nước ngoài”, bà Lý tâm sự. 
Bà Lý dạy con dâu từ cách băm bèo thái khoai để nuôi lợn, nuôi gà. Bà Lý còn dạy con dâu cách cầm đũa, cách thức chế biến ẩm thực Việt Nam từ các loại kho, nấu, chiên, xào thủy hải sản. 
Lê Na cũng được tập vái lạy trước bàn thờ tổ tiên… Tất cả nhờ mẹ chồng mà chị thành thục. “Nhập gia tùy tục; trước lạ sau quen; đi một đàng, học một sàng khôn”, chị cười. 
Thương con dâu, năm 2009 vợ chồng bà Lý và anh Toàn dành dụm được 50 triệu, quyết định cho Lê Na một lần hồi hương thăm mẹ, thăm anh. Về đến Ukraina được hơn tuần, Lê Na điện về cho bà Lý: 
“Con nhớ bố mẹ, nhớ hai con lắm, con muốn trở lại Việt Nam chừ đây”. Nhớ thương gia đình ở Việt Nam thì nói vậy chứ mẹ và anh trai của Lê Na đâu có dễ để con và em gái của mình thực hiện cái điều đã nói. 
Hai tháng trở lại quê hương, cũng là lần chị gặp lại mẹ lần cuối, vì hai năm sau bà mất vì chứng bệnh ung thư. 
Lê Na tự hào kể lại trong hai tháng trở về thăm nhà, mấy lần “khao” bạn bè ẩm thực Việt Nam do chính mình làm đầu bếp, được bạn bè khen hết lời./.

Đọc thêm