Có thể phạm luật
Mới đây, cơ quan công an ghi nhận có trường hợp những người mặc đồ đen, hóa trang bôi đen mặt trông hết sức quái dị, tay cầm chân gà cùng một số vật dụng khác, vừa đi xin tiền vừa trấn lột, đồng thời thực hiện những hành vi không bình thường, gây hoang mang dư luận.
Trong khi cơ quan chức năng tìm kiếm nhóm người này thì không hiểu sao mạng xã hội lại xuất hiện xu hướng cải trang thành người mặc đồ đen, ngậm bóng hoặc táo nhỏ hai bên má cho giống nhằm hù dọa mọi người, tạo trò vui. Từ đó, hàng loạt hình ảnh “người bôi đen mặt cầm chân gà” lan truyền trên mạng xã hội, khiến người dân không biết đâu thật, đâu giả để đề phòng.
Một thanh niên ở Gia Lai, sau khi hóa trang thành "người mặt đen" nói trên, đi khắp nơi hù dọa mọi người rồi tung ảnh lên mạng đã bị công an địa phương mời lên làm việc.
Tương tự, một nhóm thanh niên khác ở Kon Tum cũng đã bị cơ quan công an tạm giữ vì cải trang thành người mặt đen, đứng trước trường tiểu học ở địa phương để hù dọa các em nhỏ, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng để lan truyền thông tin “người bôi mặt đen đã về đến Kon Tum”. Không chỉ thế, một số cửa hàng kinh doanh online đã bày trò, hóa trang thành người bôi đen mặt, chụp ảnh đăng lên trang bán hàng để “câu view”.
Một người kinh doanh online đã bị cư dân mạng phát hiện thuê người giả làm người mặt đen đến quán mình “diễn”, khiến khách hàng hoảng sợ rồi tung lên mạng nhằm “câu view” hút khách. Cửa hàng này sau đó đã bị kêu gọi tẩy chay.
Thậm chí, tại TP HCM, một nam sinh sau khi hóa trang mặt đen để dọa các bạn mình, đã suýt bị hành hung vì mọi người tưởng thật. Đồng thời, để phản ứng trước trò đùa vô bổ và tai quái này, nhiều người đã tuyên bố trên mạng sẽ “gặp đâu đánh đấy”, bất chấp đó là những kẻ bôi đen mặt quái dị thật sự hay trò giả trang, “chơi khăm” của những người thích đùa dai.
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy
“Frank - chơi khăm” là một trò chơi xuất phát từ các nước phương Tây đã nhiều năm nay. Ngay tại những nơi xuất phát của nó, nhiều “trò chơi khăm” đã trở nên quá lố, gây ra những hậu quả không hay. Một ví dụ, trò chơi “giả ma” đứng bên đoạn đường tối rồi nhảy ra hù dọa người đi đường, có trường hợp người bị hù dọa bỏ chạy, làm đổ vỡ các đồ vật giá trị, hoặc ngã bị thương, thậm chí có người ngất xỉu.
Trong một vài “trò chơi khăm” khác, người bị hù dọa vì sợ hãi còn tấn công ngược, làm bị thương người hóa trang. Một “trò đùa chơi khăm” khác là báo cảnh sát giả mạo có vụ giết người tại Mỹ đã khiến cơ quan cảnh sát huy động lực lượng bao vây một ngôi nhà và bắn chết oan một người vô tội.
Sự phản cảm của một số “trò chơi khăm” còn ở chỗ nó đem số phận, hoàn cảnh của người khác ra làm trò đùa. Một thanh niên Tây Ban Nha đã đối mặt với án phạt tù vì hành vi vô cảm: Tặng người vô gia cư bánh quy kẹp, nhưng bên trong thay vì nhân kem lại là nhân... kem đánh răng, sau đó quay clip vui thú vì phản ứng nôn ọe của người nhận bánh.
Không chỉ tại các nước phương Tây, “Frank” du nhập vào các nước chây Á cũng gây ra những trò “tai họa” không kém. Mới đây nhất, một nhóm thanh niên gồm 5 người tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã bị bắt giữ vì giả làm khủng bố, hù dọa gây náo loạn trên tàu điện ngầm chỉ để quay một clip “chơi khăm”.
Về đến Việt Nam, “trò chơi khăm” cũng được giới trẻ hào hứng tham gia không kém. Nhiều trò hóa trang được “sao y bản chính”, và cũng có nhiều trò được sáng tạo thêm, nhưng trong số đó cũng không ít trò gây nguy hiểm, hậu quả.
Như thời gian trước đây, chủ nhân một kênh Youtube đã chế bom hẹn giờ giả, thuê người hóa trang thành người Hồi giáo, đem bom giả đặt tại một số địa điểm công cộng, gây hoảng sợ cho người dân rồi quay clip tung lên mạng. Nhóm này đã được cơ quan công an mời về làm việc.
Tương tự, một số trò khác như đổ trứng sống, đổ nước mắm lên đầu người khác, làm giả các loài bò sát nguy hiểm vứt vào người đi đường để hù dọa, hoặc giả làm xác chết gây sợ hãi... cũng được nhiều thanh niên học theo gây hoảng sợ, nguy hiểm cho người qua đường.
Rõ ràng, những trò đùa nghịch nói trên hầu hết không tạo ra niềm vui dựa trên tiếng cười sảng khoái. Nó chỉ đánh vào tâm lý sợ hãi của mọi người chung quanh, góp phần gây thêm nỗi hoang mang, gia tăng bất an, thậm chí đem lại rủi ro, nguy hiểm cho mọi người.
Cạnh đó, nó còn “gây khó” cho công tác trị an, đem lại cho những người tạo ra trò vui phản cảm sự ghét bỏ của những người chung quanh và nghiêm trọng hơn là đối mặt với những án phạt từ hành vi thiếu hiểu biết, vi phạm pháp luật.
TS Nguyễn Đức Minh - Trung tâm Nghiên cứu Đạo đức, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:
Hành động của thanh niên hóa trang mặc đồ đen, bôi đen mặt, cầm đĩa xúc xích giả người ăn xin của thanh niên ở nhiều địa phương cho thấy một tâm lý bất chấp, không kiểm soát trong giới trẻ hiện nay.
Lợi dụng hiện tượng đang “nóng” trong xã hội để thu hút sự chú ý của mọi người mà không nghĩ tới hậu quả cho thấy cái tôi cá nhân đang lên cao. Người thực hiện bỏ qua mọi lo lắng của những người xung quanh mà phục vụ mục đích cho cá nhân mình cho thấy đây là một trò đùa thái quá, không kiểm soát hành vi.
Không chỉ có vụ việc nhóm người mặt đen nói trên lợi dụng tâm lý hoang mang của dư luận để thu hút sự chú ý, mà thời gian qua, nhiều trường hợp sẵn sàng làm mọi cách để được người khác quan tâm, bất chấp là sẽ chà đạp lên nỗi đau của người khác.
Nhiều vụ việc phản cảm, sẵn sàng lấy nỗi đau của người khác làm sự giải trí cho riêng mình, thậm chí người thực hiện cảm thấy thích thú, cho đó là hành động mua vui cho bản thân mình.
Đây là điều cần phải lên án, lối sống ích kỷ cá nhân len lỏi ở bất cứ đâu và là thực trạng đáng buồn khi một bộ phần giới trẻ ngày nay không ý thức được hành động của mình tác động tới bản thân và những người xung quanh như thế nào, chỉ nhăm nhăm chạy đua theo một hiện tượng bất thường nào đó mà quên đi mất giá trị của bản thân.
Để giải quyết vấn đề này, quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục của gia đình và ý thức của mỗi con người. Việc “câu like” có thể vi phạm pháp luật, bị xử lý nhưng cũng có khi chưa được quy định trong luật pháp nhưng lại ảnh hưởng tới rất nhiều người. Vì vậy, bản thân mỗi người trước khi hành động cần phải hiểu được “trò đùa” đó có đem lại lợi ích gì cho cộng đồng không?.