Trong cuộc sống con người luôn có nhu cầu được bình an, hạnh phúc và may mắn, vì vậy từ xa xưa trên thì vua chúa, dưới tới dân thường mỗi khi có công việc quan trọng đều phải lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện.
Việc chọn ngày đó là nỗ lực của con người nhằm lợi dụng những nhân tố có lợi, tránh né hoặc khắc phục những nhân tố bất lợi tác động tới bản thân. Đó chính là cách con người vận dụng trí tuệ và kinh nghiệm để quyết định thời gian, không gian thích hợp thực hiện các hoạt động của mình, tăng thêm sự tự tin và quyết tâm thực hiện công việc đó.
Kết hôn là việc trọng đại của mỗi người trong cuộc đời, vậy cổ nhân làm thế nào để chọn được ngày phù hợp, dưới đây báo Pháp luật 4 phương xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Cần tránh năm kỵ
Trước hết là khi xem tuổi để chọn ngày cưới hỏi thường phải dùng tuổi của cô dâu là chính và tham khảo tuổi của chú rể cùng cha mẹ hai bên. Đó là do cổ nhân quan niệm rằng, nữ giới khi đi lấy chồng giống như được đầu thai lần thứ hai, khi làm dâu bước về nhà chồng coi như tái sinh vào nhà khác nên thời điểm kết hôn là vô cùng quan trọng.
Vì vậy mới có câu “nam kháo xuất sinh thời, nữ kháo hành gia nhật”, tức là nam giới có cuộc sống tốt hay không là nhờ giờ sinh, nữ giới có cuộc sống tốt hay không là dựa vào ngày xuất giá. Do đó người ta cho rằng việc chọn ngày có tác dụng quyết định tới cuộc sống sau hôn nhân có hạnh phúc, vui vẻ, hòa thuận hay không. Mỗi người con gái trước khi đi lấy chồng đều được cha mẹ cẩn thận chọn ngày cho con vui vẻ sang nhà chồng, sống cuộc sống bình an hạnh phúc
Khi chọn ngày phải vận dụng ngũ hành sinh khắc chế hòa, hình xung hợp hại và mệnh cục của người được chọn để tìm ra thời điểm thích hợp nhất. Kết hôn là việc trọng đại trong đời người nên trước hết cần tránh những năm kỵ, cụ thể là nữ giới tuổi Mão kỵ năm Tý, tuổi Dần kỵ năm Sửu, tuổi Sửu kỵ năm Dần, tuổi Tý kỵ năm Mão, tuổi Hợi kỵ năm Thìn, tuổi Tuất kỵ năm Tỵ, tuổi Dậu kỵ năm Ngọ, tuổi Thân kỵ năm Mùi, tuổi Mùi kỵ năm Thân, tuổi Ngọ kỵ năm Dậu, tuổi Tỵ kỵ năm Tuất, tuổi Thìn kỵ năm Hợi.
Nam giới tuổi Tỵ kỵ năm Tý, tuổi Ngọ kỵ năm Sửu, tuổi Mùi kỵ năm Dần, tuổi Thân kỵ năm Mão, tuổi Dậu kỵ năm Thìn, tuổi Tuất kỵ năm Tỵ, tuổi Hợi kỵ năm Ngọ, tuổi Tý kỵ năm Mùi, tuổi Ngọ kỵ năm Thân, tuổi Dần kỵ năm Dậu, tuổi Mão kỵ năm Tuất, tuổi Dần kỵ năm Hợi.
Lựa tháng cát lợi
Sau khi đã chọn để tránh được các năm kỵ, xấu, người ta bắt đầu chọn các tháng cát lợi, mỗi người khác nhau sẽ có các tháng xấu tốt khác nhau. Trong đó mỗi người sẽ có hai tháng đại cát đại lợi trong năm, kết hôn trong hai tháng đó là tốt nhất gọi là Đại cát nguyệt. Tiếp đó là hai tháng được coi là tốt để kết hôn gọi là Tiểu lợi nguyệt.
Hai tháng gọi là Ông cô nguyệt, ông cô tức tháng sinh của cha mẹ chú rể. Nếu dùng tháng này sẽ có hại cho cha mẹ của chú rể, nhưng nếu ngày cưới có sao thiên đức, nguyệt đức, đức hợp, tuế đức, tuế đức hợp thì có thể hóa giải. Hoặc khi đón dâu về đến nhà thì cha mẹ chú rể phải tránh mặt, cả ngày hôm đó không được vào phòng của cô dâu.
Tiếp đó là hai tháng gọi là Phụ mẫu nguyệt, nếu dùng hai tháng này sẽ có hại cho cha mẹ cô dâu, nếu cha mẹ không còn thì không kiêng kỵ. Nếu hôm cưới có sao thiên đức, nguyệt đức, đức hợp, tuế đức, tuế đức hợp thì có thể hóa giải, hoặc lúc đưa dâu ra xe cha mẹ cô dâu không được đưa tiễn để tránh xung sát.
Tiếp đó là hai tháng gọi là Phương phu nguyệt, tức khắc chồng và hai tháng gọi là Phương phụ nguyệt đều là hung. Vì vậy mỗi người con gái trong một năm đều có 8 tháng có lợi để kết hôn, 4 tháng bất lợi khi kết hôn.
Tìm ngày hỉ thần
Sau khi đã chọn được tháng, nguyên tắc tiếp theo là người chọn ngày phải dựa vào bát tự của cô dâu và chú rể để chọn ra ngày tốt có hỉ thần, tránh các ngày kỵ thần. Ví dụ trong bát tự của một người có hỉ thần là ngũ hành kim, thủy thì nên chọn ngày có thiên can địa chi là kim thủy như canh, tân, thân, dậu, nhâm, quý, hợi, tý.
Nếu bát tự có hỉ thần là ngũ hành mộc, hỏa thì nên chọn ngày kết hôn có thiên can địa chỉ có mộc hỏa là giáp, ất, bính, đinh, dần, mão, tỵ, ngọ. Nếu hỉ thần trong bát tự của nam giới và nữ giới tương phản nhau thì lấy hỉ thần của nữ giới làm chủ và chỉ cần không phải là kỵ thần của nam giới là được.
Nên dùng ngày có sao quý nhân là đại cát đại lợi, nên tránh các ngày nguyệt tận, tức ngày cuối cùng của tháng. Tránh ngày 13 tháng 1, 11/2, 9/3, 7/4, 5/5, 3/6, 1/7, 29/7, 27/8, 25/9, 23/10, 21/11, 19/12. Tránh ngày sóc, ngày nguyệt phá, nhật phá là những ngày xấu.
Nguyên tắc tiếp theo là nên chọn những ngày tam hợp, lục hợp với tuổi, tránh những ngày hình xung phá hại với tuổi cô dâu chú rể. Ngày tam hợp là thân-tý-thìn, tỵ-dậu-sửu, dần-ngọ-tuất, hợi-mão-mùi. Ví dụ, nữ giới tuổi Thân thì khi kết hôn tốt nhất nên dùng ngày hoặc giờ Thìn, các tuổi khác cùng theo nguyên tắc trên.
Lục hợp là tý sửu, dần hợi, mão tuất, thìn dậu, tỵ thân, ngọ mùi. Nếu nữ giới tuổi sửu thì nên chọn ngày tý do tý và sửu hợp, các tuổi khác cũng theo nguyên tắc trên. Tam hình là tý mão, dần tỵ thân, sửu tuất mùi, thìn dậu ngọ. Nếu nữ giới tuổi Thân thì khi kết hôn không nên chọn ngày dần, tỵ, sau khi kết hôn xong dễ gặp hình thương tù tội, kiện tụng.
Lục xung là tý ngọ, dần thân, sửu mùi, mão dậu, thìn tuất, tỵ hợi. Nếu nữ giới tuổi Hợi thì không nên chọn ngày giờ tháng năm tỵ do tỵ hợi tương xung. Lục hại là ngọ sửu, mùi tý, dần tỵ, hợi thân, thìn mão, dậu tuất. Nếu nữ giới tuổi Mão thì không nên dùng ngày thìn do thìn mão tương hại, vợ chồng không thể sống tới đầu bạc răng long.
Nguyên tắc thứ tư là khi chọn ngày nên lựa chọn con số may mắn với bát tự của nam nữ, không nên dùng số kỵ. Ví dụ bát tự có hỉ thần là thủy thì ngày kết hôn nên dùng là vào mùng 6, 11, 16, 21, 26. Bát tự có hỉ thần là thủy thì kỵ thổ do thổ khắc thủy nên ngày kết hôn tránh chọn các con số mang hành thổ là 5, 10, 15, 20. Vì vậy, không phải những số mà mọi người bảo đẹp là 6, 8, 9 là mọi người đều có thể dùng được, phải tùy thuộc vào ngày giờ tháng năm sinh của người đó mới có thể biết được con số phù hợp.
Nguyên tắc thứ 5 là dùng ngày thường, tránh những ngày đặc biệt như ngày sóc là 30, mùng 1, ngày vọng là 15. Tránh các ngày tứ lập, lưỡng phân tức lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí..../.
(Còn nữa)