Quyền được sống không bạo lực, ngay cả trên môi trường mạng
Theo nghiên cứu của tổ chức Plan International, có đến 68% các thiếu nữ ở Philippines từng bị quấy rối trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, có nghĩa là trung bình 10 thiếu nữ thì có đến 7 người bị quấy rối. Đa số các thiếu nữ cho biết tình trạng quấy rối diễn ra “thường xuyên” (50%) hoặc “rất thường xuyên” (33%). Đáng chú ý là 8 trong số 10 người được khảo sát cho biết họ hoặc bạn bè nữ từng bị đe dọa bạo lực tình dục trên mạng xã hội. Càng tồi tệ hơn là trong 67% các trường hợp, thủ phạm quấy rối lại là những người họ quen biết.
“Tỷ lệ bạo lực trên mạng đối với các thiếu nữ và phụ nữ trẻ là đáng báo động. Trong đại dịch toàn cầu và thế giới ngày càng số hóa, các thiếu nữ đang đối diện với nguy cơ cao nhất từ trước đến nay”, theo chuyên gia Mona Mariano tại Plan International. Bà cho biết các nạn nhân còn bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Kết quả nghiên cứu dựa trên khảo sát quy mô lớn và phỏng vấn chuyên sâu đối với hơn 14.000 phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi tại 31 quốc gia, trong đó có Philippines.
Hàng năm, vào Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), và thông qua Chiến dịch UNiTE chấm dứt bạo lực với phụ nữ vào năm 2030 của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đều nêu cao lập trường chống lại mọi hình thức bạo lực. Năm nay, UNFPA kêu gọi mọi người ở khắp nơi trên thế giới cùng tham gia ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, dù xảy ra ở đâu đi nữa, đều là hành vi xâm phạm quyền con người. Hàng ngày, càng có thêm nhiều người, dịch vụ và hoạt động chuyển sang môi trường mạng. Điều đó có nghĩa số lượng phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực đang ngày càng gia tăng.
Do đó, UNFPA đang thúc đẩy các chính phủ và các công ty công nghệ cùng đi đầu trong việc ngăn chặn bạo lực trên môi trường mạng. Trong tuyên bố, Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sỹ Natalia Kanem kêu gọi các nhà lập pháp, các nhà báo, các tổ chức xã hội dân sự và những người có ảnh hưởng hãy lên tiếng, đứng lên và hành động.
Có một sự thật gây nhức nhối, đó là trên thế giới hiện nay, phụ nữ có rất ít biện pháp để tự bảo vệ bản thân trên mạng, thậm chí con số này còn ít hơn số lượng các biện pháp hiện có bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ. Việc vi phạm bản quyền có thể dẫn đến việc nội dung vi phạm bị xóa bỏ ngay lập tức, đi kèm cùng các hình phạt dân sự và hình sự. Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của việc phát tán hình ảnh mà không có sự cho phép xứng đáng nhận được sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn thế rất nhiều.
Tiến sỹ Natalia Kanem chỉ ra rằng bạo lực trên môi trường mạng có tác động xuyên biên giới và vượt ra khỏi các hệ thống kiểm soát. Việc ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi những cách suy nghĩ và những hình thức hợp tác mới giữa các cơ quan quản lý, các công ty công nghệ, các nhà hoạt động kỹ thuật số và những người ủng hộ quyền phụ nữ. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng tới những người trẻ - nhóm đối tượng có nguy cơ cao khi thường xuyên tiếp xúc với công nghệ. Những người trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, cần có những thông tin và cách thức để tự bảo vệ bản thân một cách toàn diện.
“Chúng ta cần nhìn nhận rõ quy mô của vấn đề này và không thể chần chừ thêm được nữa dù chỉ một ngày. Bất kỳ ai, dù ở bất cứ đâu, cũng có quyền được sống một cuộc sống không bạo lực, ngay cả trên môi trường mạng. Thế giới ảo cũng là thực, và sự an toàn của nó cần phải được đảm bảo” - Giám đốc điều hành UNFPA nhấn mạnh.
“Lên đầu nguồn” để tìm cách loại bỏ bạo lực với phụ nữ
Đó là kinh nghiệm được Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi chia sẻ với truyền thông trong bài viết về kinh nghiệm của Israel trong giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ, nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Theo Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi, chỉ cứu giúp nạn nhân của bạo lực là không đủ. Nhà báo về nữ quyền đồng thời là nhà hoạt động chính trị xã hội Gloria Steinem từng nói: “Chúng ta không chỉ cần đứng ở bờ sông giải cứu người đang chết đuối… Phải lên đầu nguồn để xem vì sao người ta rơi xuống nước”.
Cùng cam kết hành động vì bình đẳng giới. |
“Ở Israel, chúng tôi tin rằng mọi điều bắt đầu bằng giáo dục. Chúng ta cần dạy cho con trẻ, từ tuổi mẫu giáo, cách thảo luận, đối thoại, học cách kiểm soát stress và sự cảm thông. Khi trẻ em đến tuổi học sinh chúng ta dạy chúng về quan hệ lành mạnh, cách đối phó với sự thất vọng, xử trí nỗi giận dữ và nhận ra dấu hiệu cảnh báo. Chúng ta cần gạt bỏ những điều đã học. Chúng ta cần quên đi những khuôn mẫu và vai trò về giới khi nuôi dạy trẻ. Chúng ta đặc biệt cần nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh về việc nhận diện căng thẳng, đồng thời cải thiện quy trình báo cáo.
Trong 25 năm qua, bạo lực với phụ nữ không giảm ở Israel, nhưng đã có sự thay đổi trong cách chúng tôi xử lí vấn đề này. Phụ nữ tiếp cận nhiều hơn sự giúp đỡ và nhiều cơ sở bảo trợ được thành lập. Bộ Lao động và Phúc lợi Israel đã bắt đầu đào tạo nhân viên xã hội xử lí các vụ bạo hành gia đình và đưa nạn nhân tới các cơ quan phù hợp để chăm sóc. Ngoài ra, các trung tâm điều trị cho trẻ em và phụ nữ, cũng như liệu pháp nhóm cho nam giới bạo lực, đang phát triển ở Israel. Trường cảnh sát Israel đang huấn luyện các tân cảnh sát về bạo lực về giới ngay từ đầu, và đã thiết lập các đơn vị đặc biệt gồm cả phụ nữ và đàn ông để xử trí các vụ việc về bạo lực giới. Nhân viên công tác xã hội và bệnh viện đang được Bộ Y tế Israel huấn luyện đặc thù để học cách nhận diện nạn nhân của bạo lực giới, và các nạn nhân được miễn chi phí chăm sóc cấp cứu.
Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này và quan trọng là chính phủ cũng phải có một vai trò tích cực về luật pháp. Nhờ cách tiếp cận tích cực của nhiều ủy ban quốc hội Israel và các nữ nghị sĩ, ngân sách dành cho các nhà bảo trợ, đường dây nóng và tổ chức phi chính phủ về bạo lực giới đã tăng lên. Những chủ đề trước đây không được thảo luận như quấy rối tình dục ở công sở giờ đã được thảo luận rộng rãi, và phụ nữ ngày càng nhận thức được quyền lên tiếng của mình.
Chúng ta cần nhận ra cái giá kinh tế phải trả cho bạo lực gia đình. Cần có chi phí cho cảnh sát, tòa án, nhà tù, hỗ trợ phúc lợi và đương nhiên là điều trị tâm lí và thể xác cho các nạn nhân và con cái họ. Hơn nữa, cần tính tới những ngày phụ nữ đã mất vì không thể làm việc cũng như năng lực bị bỏ phí của họ. Tại Việt Nam, phụ nữ chịu bạo lực phải dành 1/4 thu nhập hằng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và thay thế đồ đạc bị phá hủy. Thiệt hại năng suất quốc gia tương đương với 1,8% GDP. Nếu chữa trị phần gốc rễ của vấn đề ngay từ đầu, chúng ta có thể cứu giúp phụ nữ và có thể giúp đỡ đất nước mình. Tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng. Chúng ta cần nói về bạo lực giới, cần tố cáo nó và tạo ra một môi trường an toàn cho tất cả. Việc đó nằm trong tay chúng ta” – Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi viết.
“Tô cam thế giới” để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em
Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới với rất nhiều hoạt động diễn ra trên khắp thế giới từ ngày 25/11 đến ngày 10/12 (Ngày Quốc tế về quyền con người) hằng năm, từ đêm 25/11, nhiều tòa nhà và địa danh nổi tiếng tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ được thắp sáng với màu cam, màu tượng trưng cho tương lai tươi sáng, không bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Việt Nam, Tòa nhà Xanh Một Liên hợp quốc ở Hà Nội và bốn cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng gồm cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý và cầu Tình yêu tham gia sáng kiến này. Những tòa nhà và địa danh này sẽ được thắp sáng cam trong suốt Chiến dịch 16 Ngày hành động nhằm thể hiện cam kết chấm dứt bạo lực với phụ nữ của các cơ quan chủ quản.
“Tô cam thế giới” trong suốt Chiến dịch 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới là một sáng kiến toàn cầu của Liên hợp quốc. Trong những năm qua, hàng trăm địa danh nổi tiếng tại nhiều quốc gia bao gồm Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cầu Rồng, cầu Sông Hàn (Việt Nam), Kim tự tháp Giza tại Ai Cập, Tòa nhà Empire State ở New York, Mỹ, Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Nhà ga Chatrapati Shivaji Terminus tại Mumbai, Trụ sở Liên minh châu Âu… đã được thắp sáng màu cam để truyền tải thông điệp chấm dứt bạo lực với phụ nữ.
Cũng trong ngày 25/11, hơn 100 đại biểu là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức xã hội, đã tham gia sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng” với chủ đề: “Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, tổ chức tại TANDTC. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thực hành nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em.