“Tiếp tay”cho hành vi vi phạm pháp luật?
Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao về việc UBND tỉnh Nghệ An có quyết định cấp phép cho Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm (xã Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An) được phép nuôi nhốt chăm sóc 15 cá thể hổ trong Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn trong khi người chồng là ông Phạm Văn Tuấn có hai tiền án, tiền sự về tội liên quan đến mua bán động vật hoang dã.
Sự việc khiến dư luận hoang mang liệu số phận những cá thể hổ có được an toàn khi chăm sóc tại đây, liệu quy trình và quyết định cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm của UBND tỉnh Nghệ An có đúng hay không? Báo PLVN đã vào cuộc tìm hiểu vấn đề.
Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thì ngày 5/4/2016, Cơ quan quản lý CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất, chuồng trại của Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn (Nghệ An).
Nếu đạt đủ điều kiện nuôi nhốt, Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn sẽ được phép nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ để phục vụ mục đích nuôi dưỡng, nhân giống trưng bày và phục vụ giáo dục bảo tồn.
Theo Trung tâm ENV, người đứng đầu khu sinh thái Hòn Nhạn là vợ của Phạm Văn Tuấn, một đối tượng “khét tiếng” đã có 2 tiền án về tội liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp khác.
Công ty Bạch Ngọc Lâm được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV bày tỏ sự bức xúc rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án về tội liên quan đến mua bán ĐVHD là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.
Cấp phép cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD trong tương lai.
“ENV rất quan ngại về sự phát triển các trang trại hổ tại Việt Nam. Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp. Với quyết định của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, chúng ta đang đặt số phận của những cá thể hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn trong tay một tên trùm buôn bán, tàng trữ hổ” - bà Hà chia sẻ.
Cần xem xét lại
Trước thông tin trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính - Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, ông Chính cho biết, việc cấp phép và tham mưu được đơn vị này thực hiện theo đúng quy trình và quy định. Nói về việc chồng từng có tiền án giết hổ nhưng vợ được cấp phép nuôi hổ, ông Chính cho biết không hề có quy định này trong luật.
“Đại diện công ty là vợ, công ty chứ không phải hộ gia đình, nếu trường hợp là hộ gia đình thì phải quan tâm chuyện đó. Hiện công ty đang thực hiện tốt và dự kiến sẽ cho nhập tiếp các cá thể hổ về. Dự án này tôi thấy là rất tốt, thu hút du lịch tỉnh nhà”, ông Chính thông tin thêm.
Sáng ngày 8/4, PLVN có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Minh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, ông Minh cho biết ngày 29/3 nhận được công văn của tổ chức ENV về việc cấp phép cho khu sinh thái Hòn Nhạn.
Theo ông Minh, trước đó việc cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã là của kiểm lâm, nhưng từ khi có Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 thì thẩm quyền cấp phép đối với các loại động quý hiếm là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
UBND tỉnh cấp phép dựa theo hai đơn đề nghị của ngành nông nghiệp mà cụ thể là Kiểm lâm tỉnh và đề nghị chuyển 15 cá thể hổ của Khu sinh thái Mường Thanh về Khu sinh thái Bạch Ngọc Lâm.
Sau khi nhận được đề nghị, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, sau đó nhận được văn bản đề nghị của cấp phép cho chuyển cá thể hổ theo quy định. Sau đó, phía Công ty Bạch Ngọc Lâm lại có văn bản đề nghị được nuôi 15 cá thể hổ, tỉnh lại yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu và Sở đã tham mưu UBND tỉnh cho phép nhận nuôi 15 cá thể hổ.
Trước thông tin chồng của bà Liên đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm từng có tiền án, tiền sự thì ông Minh cho hay, trong hồ sơ cấp phép nuôi hổ và chuyển hổ không có tên ông Tuấn.
“Trên tinh thần cầu thị, UBND tỉnh rất muốn tiếp thu nhiều phản ánh của xã hội về cơ quan quản lý nhà nước để công tác quản lý nhà nước ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, một số câu chữ trong công văn này nặng nề và không phù hợp lắm. Khi xem xét hồ sơ thì chúng tôi không thấy tên ông Phạm Văn Tuấn trong hồ sơ trong tờ trình xin cấp phép. Quan điểm của tôi nếu có việc ông Tuấn từng có tiền án, tiền sự mua bán động vật hoang dã thì cũng cần xem xét lại” – ông Minh cho biết.
Ngày 8/4, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An có Công văn khẩn số 2161 về việc xem xét kiến nghị của ENV giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của ENV để có văn bản trả lời trực tiếp trước ngày 15/4/2016.
Dự án Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn (có trụ sở tại xã Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An) được phê duyệt diện tích đất hơn 62.000m2 từ năm 2014. Cty đã bắt đầu xây dựng các hạng mục, trong đó có khu vực nuôi nhốt hổ rộng 21.750m2 .
Ngày 31/1/2016, Công ty Bạch Ngọc Lâm đã hoàn thành việc tiếp nhận 15 cá thể hổ do Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh cho tặng. Trước việc khiến dư luận xôn xao khi ông Phạm Văn Tuấn từng có tiền án về giết hổ nhưng vợ lại được cấp phép nuôi hổ, phía đại diện công ty tỏ rõ sự bất bình về thông tin này.
Đại diện công ty khẳng định, ông Tuấn không hề có liên quan đến Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm, không là cổ đông của công ty, không có cổ phần và sự đóng góp hay ảnh hưởng đến công ty cũng như dự án Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn.
“Chồng vi phạm không thể đưa vợ ra để chịu trách nhiệm được. Vì trước pháp luật, người đại diện và chịu trách nhiệm là giám đốc chứ không phải ông Tuấn. Mục đích của dự án là nuôi dưỡng, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của các loại động vật hoang dã, phục vụ nghiên cứu, giáo dục cho quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn này. Ngoài việc bảo tồn, công ty không hề có mục đích nào khác...” - vị đại diện công ty cho biết thêm.
Được biết, dự kiến trong năm 2017, khu sinh thái sẽ hoàn thành và xin cấp phép để bán vé tham quan./.