Chồng ích kỷ "dè bỉu" khi vợ thăng chức

“Cô chức gì tôi không cần biết. Mà đời tôi, ghét nhất loại phụ nữ chức tước đấy. Hư người chứ báu gì!”. Bó hoa ly vừa được cơ quan tặng bỗng tuột khỏi tay chị. Chồng chị đứng trước cửa, chẳng những không đỡ chị dựng xe mà còn “hắt” những câu nói hằn học. Niềm hân hoan khi lên chức của chị bị dập tắt. Thay vào đó nỗi buồn pha lẫn tủi thân dâng đầy trong mắt.

“Cô chức gì tôi không cần biết. Mà đời tôi, ghét nhất loại phụ nữ chức tước đấy. Hư người chứ báu gì!”. Bó hoa ly vừa được cơ quan tặng bỗng tuột khỏi tay chị. Chồng chị đứng trước cửa, chẳng những không đỡ chị dựng xe mà còn “hắt” những câu nói hằn học. Niềm hân hoan khi lên chức của chị bị dập tắt. Thay vào đó nỗi buồn pha lẫn tủi thân dâng đầy trong mắt.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Lặng lẽ nhặt bó hoa, chị vội lấy lọ thủy tinh đong đầy nước để những bông hoa kia không bị héo buồn bởi nhân tình thế thái. Chồng chị nhìn thấy vội gắt: “Hoa với cả hoét, vẽ chuyện! Hoa có no bụng không. Nhanh tay lên mà nấu cơm cho chồng con ăn đi. Đấy mới là việc cần làm đấy!”

Không một lời chúc mừng, không một lời động viên, chồng chị “ném” cho chị những lời nói cục cằn, sai khiến. Nước mắt chị từ đâu bỗng ùa về trên má. Sợ chồng biết, chị bước vội vào căn bếp.Vừa nấu bữa cơm chiều, chị miên man suy nghĩ…

Chị và anh lấy nhau qua sự mối lái. Tìm hiểu được 5 tháng, anh chị tính đến chuyện cưới. Trong thời gian tìm hiểu, chị lờ mờ nhận ra anh là người ích kỷ và ít chí tiến thủ. Lờ mờ vậy thôi nhưng chưa đủ để tình yêu dừng bước. Chị vẫn đồng ý làm vợ anh. Sống với nhau được một mặt con, chồng chị bắt đầu thể hiện rõ con người mình. Anh có cửa hàng kinh doanh điện tử ở nhà. Không muốn chị đi làm bởi “khó quản lý”, anh một bắt chị ở nhà cùng chồng kinh doanh.

Với tấm bằng ưu kế toán, chị không muốn mình bỏ lỡ những kiến thức mình học được. Sau một thời gian dài, phải khó khăn lắm mới thuyết phục được chồng để chị đi làm. Nhưng với điều kiện chị chỉ được làm buổi sáng. Còn buổi chiều chị phải ở nhà lo việc gia đình. Với điều kiện ấy, chị không thể xin ở cơ quan nhà nước với giờ giấc chỉn chu. Buộc lòng, chị phải xin làm một công ty tư nhân một việc bán thời gian.

Chị là người phụ nữ được nhiều người đánh giá là thông minh, năng nổ, có năng lực. Dù công việc khó với thời gian ở cơ quan rất ngắn nhưng chị giải quyết đâu ra đấy. Làm việc kế toán được ba năm, chị được đề bạt chức kế toán trưởng với mức lương cao gấp ba lần. Làm kế toán trưởng đồng nghĩa với việc chị phải dành nhiều thời gian hơn vào công việc. Chị mừng vì năng lực của mình đã được đánh giá cao. Hơn nữa, chị cũng rất yêu mến công việc này.

Chị mừng bao nhiêu thì chồng chị tỏ ra hậm hực bấy nhiêu. Chồng chị nghĩ rằng, vợ mình lên chức sẽ không có thời gian chăm sóc gia đình cũng như coi thường người chồng “gà què ăn quẩn cối xay ”. Càng nghĩ, anh càng khó chịu. Dù chị làm hết giờ ở cơ quan rồi về cơm nước chăm sóc chồng con đủ đầy nhưng anh vẫn không hài lòng, tìm cớ sinh chuyện.

Điều mà chị cảm thấy đau lòng nhất là anh đã hạ nhục lòng tự trọng của chị. Chẳng hiểu “chộp” được ở đâu câu nói móc “Đàn ông làm quan mới hư, còn đàn bà hư mới làm quan”, anh liên tưởng ngay với vợ mình. Anh bắt đầu tưởng tượng ra là vợ mình ngoại tình với giám đốc để được thăng chức. “Bán tình- mua chức”- sự tưởng tưởng của anh ngày càng lớn dần theo năm tháng và chẳng hiểu từ lúc nào anh coi đó là… sự thật. Cứ tới đêm, khi chị chìm sâu vào giấc ngủ, anh lục đục bò dậy, mở máy chị tìm… thư tình hoặc những chứng cứ ngoại tình của vợ. Tìm mãi mà không thấy, anh bắt đầu nghĩ tới việc vợ đã “chùi mép” nên cứ tới đêm khuya lại dựng dậy để tra khảo chẳng khác gì hỏi cung.

Chị sợ nhất là những lần đi công tác 2-3 ngày. Vì công việc, chị không thể thoái lui việc đi công tác. Sau khi về nhà, y như rằng, chồng chị sẽ nổ ra chiến tranh lạnh hàng tuần trời. Thỉnh thoảng “xì” ra câu mát mẻ: “Thôi, bây giờ cô là “trểnh (trưởng) phòng” rồi, thích đi đâu thì đi, hú hí với ai thì làm, về cái nhà này làm gì?”

Quá uất ức, chị góp ý anh về cách đối xử không đúng với vợ thì anh tuôn hàng tràng: “Lên “trểnh phòng” rồi nên cô vênh mặt với tôi đấy à? Đau đớn cho thằng đàn ông là tôi chưa, bị vợ cắm sừng, bây giờ lại bị vợ dạy khôn đây. Cô đi làm, lên chức quyền cao, vọng trọng, bây giờ quay ra coi thường chồng à?  Tôi sẽ viết đơn thư tố giác cô bồ bịch với sếp, tung đi khắp nơi, để xem cô còn vênh váo được không?”

Những dọa nạt, đay nghiến của người “đầu gối, tay ấp” khiến chị suy sụp. Tại sao chồng chị lại có thể đối xử với chị như thế. Chị đã cố gắng hoàn tất công việc cơ quan cũng như đảm trách việc nhà không một lời ca thán. Và chị chưa bao giờ hổ thẹn với lương tâm, nghĩa là chị không bao giờ ngoại tình. Lên chức đâu có lỗi gì để anh dày vò chị như vậy?

Càng nghĩ, chị càng cảm thấy mình bị tổn thương ghê gớm. Lên chức, đối với rất nhiều người là sự tự hào, niềm hứng khởi còn chị đó là…nỗi xót xa! Đến bao giờ anh mới hiểu nỗi lòng chị?

Có rất nhiều người phụ nữ khi lên chức đã gặp khó với chồng. Họ luôn ở tình thế tiến thoái lưỡng nạn bởi mắng chồng ngáng chân vợ thì hậu quả khó lường mà từ bỏ chức tước để trở về với vai trò người vợ bình thường thì lại càng không nên, vì chuyện cơ quan đâu phải trò chơi con trẻ. “Cái khó ló cái khôn”, các sếp bà khi trả dư tửu hậu thì rỉ tai nhau một số mẹo vặt  để cân bằng cuộc sống gia đình và lôi kéo chồng ủng hộ mình như: trước khi lên chức nên tỉ tê hỏi ý kiến chồng “anh bảo em có nên nhận chức không?” ; liên tục nói “không có anh thì…”; "anh và con vẫn là quan trọng nhất" …  Nhưng phải nhớ rằng những mẹo vặt phải được “đính kèm” với những việc làm thật lòng lo toan của một người vợ, người mẹ trong gia đình, bởi không có một người đàn ông nào chịu được cảnh phải sống cạnh “một người đàn ông mặc váy” ở trong nhà.

Thanh Tâm

Thùy Dương

Đọc thêm