Vẻ đẹp núi lửa Chư Đăng Ya
Núi Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào Jrai nghĩa là núi củ gừng dại, nằm cách TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) khoảng 30km về phía nam. Ngọn núi lửa này nằm ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp và đã ngưng hoạt động hàng triệu năm.
Các bậc cao niên sống dưới chân núi kể về tên gọi Chư Đăng Ya rằng, xưa kia có một bà cụ sống dưới chân núi. Ngày nọ, bà bị đau bụng và được thầy lang trong vùng chữa trị mà bệnh không khỏi. Trong cơn đau tuyệt vọng, bà gắng sức leo lên ngọn núi gần nhà mong tìm được thứ gì đó có thể giúp mình.
Lên đỉnh núi, bà thấy đám gừng mọc tự nhiên xanh tốt và nghĩ đó là thứ Yàng (trời) cho nên liền đào lên ăn. Ngay sau đó, bà cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Bà bèn lấy thêm ít củ nữa mang về nhà ăn thì bệnh tình hết hẳn. Câu chuyện của bà lan rộng quanh vùng và từ đó người Jrai ở đây gọi ngọn núi ấy là Chư Đăng Ya.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, Chư Đăng Ya là dấu tích của một miệng núi lửa điển hình còn sót lại trên cao nguyên Gia Lai. Ngọn núi được tạo thành bởi dòng nham thạch phun trào từ lòng đất cách đây hàng triệu năm. Nhìn từ xa, núi Chư Đăng Ya giống như một chiếc bát úp hay như hình cái nón cụt. Nhưng khi lên đến đỉnh, núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn, có 3 miệng nối tiếp nhau.
|
Người dân trồng khoai lang dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. |
So với những nơi khác ở tỉnh Gia Lai, nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1 - 2 độ do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Và điều đặc biệt là vào mùa khô, ngay trên miệng ngọn núi này sự sống vẫn sinh sôi, nảy nở.
Đến Tây Nguyên mùa này, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi sắc vàng rực của hoa dã quỳ, mọc nhiều nhất ở ven đường, trên khắp những ngọn đồi và triền núi. Tại Chư Đăng Ya, hoa dã quỳ nở vào cuối tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm. Dã quỳ nở nhuộm vàng óng ả 2 bên đường dẫn tới chân đồi và trải dài miên man tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya thêm ấn tượng hơn.
Khi leo lên đến miệng núi lửa, du khách như lạc vào một lòng chảo khổng lồ, một cái sân giác đấu của châu Âu thời Trung cổ với mặt sân phẳng lì và tròn vạnh, bao quanh là thành núi dựng đứng 45 độ nghiêng. Từ vòm núi lửa, du khách thỏa sức dõi mắt nhìn toàn cảnh phố núi Pleiku, về danh thắng Biển Hồ; đồng thời ngắm cảnh và chụp hình những dải hoa dã quỳ hữu tình nở rộ quanh miệng núi, dưới chân núi...
Lang thang qua miền núi lửa Chư Đăng Ya, du khách sẽ bắt gặp những viên nham thạch trên lối đi, trong những luống khoai lang hay rải rác trong đám dã quỳ. Những viên đá nhiều kích cỡ, hình dạng là chỉ dấu của ngọn núi lửa hàng triệu năm trước.
Dòng nham thạch của núi còn tạo ra một vùng đất phì nhiêu. Mùa nào thức nấy, người dân luân phiên canh tác lúa, rau, dong riềng, khoai lang. Quanh năm, tứ phía và ngay trong lòng núi lửa Chư Đăng Ya được chia thành nhiều ô vuông với những mảng màu sống động tạo nên bức tranh kỳ thú níu chân du khách phương xa.
Cuối năm 2018, một tảng nham thạch nặng 2 tấn từ hàng triệu năm trước của núi lửa Chư Đăng Ya được UBND huyện Chư Păh đặt trên đỉnh núi lửa, làm biểu tượng cho thắng cảnh tự nhiên này. Tảng nham thạch được đặt trên một khối đá bazan nặng 2,5 tấn, dưới cùng là bệ đỡ cũng là những tảng nham thạch kích thước nhỏ hơn xếp chồng lên nhau nâng đỡ viên đá lớn trên cùng. Thông tin về tọa độ, độ cao cũng được giới thiệu để du khách chụp ảnh, tìm hiểu khi đến tham quan.
Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch
Nằm ngay dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya huyền thoại là ngôi làng Ia Gri, với gần 100 nóc nhà nằm ẩn mình dưới những gốc cổ thụ quần tụ bên chân núi. Những người già kể rằng, họ lập làng từ năm 1994 với 100% là người Jrai.
Ông Ang Lan - Trưởng làng Ia Gri bảo, năm 1994, do cuộc sống quá đói nghèo, gia đình ông đã đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Nghe nói đất đai dưới chân núi Chư Đăng Ya màu mỡ, tươi tốt nên gia đình ông đã quyết định tới đây định cư. Ngày đó, làng chỉ có gần 30 hộ gia đình, nằm biệt lập giữa núi rừng.
“Ấy vậy mà đất ở đây níu chân người. Nhờ đất đai tươi tốt cùng với sự cần cù chăm chỉ của người dân nên đời sống của dân làng dần được cải thiện. Chúng tôi yêu cuộc sống và mảnh đất này vô cùng. Bây giờ thì con cháu chúng tôi đều tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này”, ông Ang Lan chia sẻ.
Những năm gần đây, làng Ia Gri được biết đến như một địa chỉ du lịch của huyện Chư Păh bởi vẻ đẹp của loài hoa dã quỳ và ngọn núi lửa Chư Đăng Ya. Người làng vui mừng khi được đón du khách gần xa tới tham quan, tìm hiểu về cuộc sống cũng như văn hóa dân tộc Jrai.
Sau khi du khách phát hiện ra vẻ đẹp ngọn núi Chư Đăng Ya vào mùa dã quỳ bung sắc, làng Ia Gri cũng thu hút nhiều người dân đến đây khám phá, chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm… Mỗi người dân của làng trở thành một hướng dẫn viên du lịch khi có du khách tới tham quan, tìm hiểu.
“Tôi là một đoàn viên thanh niên trong làng, khi khách du lịch đến thăm Chư Đăng Ya thì tôi dẫn khách đến thăm giọt nước, nhà mồ, nhà thờ cổ. Tôi giải thích theo vốn hiểu biết của mình những địa điểm đó để họ hiểu lịch sử hình thành, tập quán sinh hoạt của người Jrai tại đỉnh Chư Đăng Ya”, anh Pyưi - Bí thư Chi đoàn làng Ia Gri cho biết.
Bên cạnh đó, người dân trong làng còn giới thiệu thêm nhiều sản vật mình làm ra như: chuối rừng, dong riềng…; hay làm các món ăn của người Jrai như: cơm lam ống nước, gà nướng, rượu ghè…
Cuối năm 2018, huyện Chư Păh tổ chức lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya lần thứ 2, thu hút lượng du khách lên tới 145.000 lượt người. Điều đặc biệt, thành tố chính của lễ hội chính là những người Jrai bản địa. Họ là chủ của các lễ hội, các gian hàng nông sản, đầu bếp của những món ăn đặc trưng Jrai và là hướng dẫn viên du lịch.
Với cộng đồng người Jrai đang sinh sống, quần tụ dưới chân núi, Chư Đăng Ya giống như nóc nhà, như người mẹ che chở, nuôi dưỡng sự sống của họ. Việc huyện Chư Păh chọn hoa dã quỳ - một loài hoa dại mọc tự nhiên ở đây làm điểm nhấn để tổ chức lễ hội ắt hẳn sẽ đem đến những luồng gió mới không chỉ cho du khách yêu thích khám phá, các nhà đầu tư tiềm năng mà còn cho chính người dân nơi đây có một cuộc sống no ấm, trù phú.
Được biết, theo chương trình quy hoạch tổng thể phát triển du lịch năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai đang xây dựng dự án “Làng du lịch Jrai nguyên tác khép kín” nằm ngay trên sườn núi lửa Chư Đăng Ya với diện tích 5ha, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng.
Theo đó, làng du lịch có hàng chục ngôi nhà sàn truyền thống. Bên trong có bếp lửa, nơi ủ rượu ghè tái hiện lại đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người Jrai. Cùng với đó, làng du lịch giữ nguyên các bến nước, nhà mồ, nơi sản xuất, chăn thả gia súc, gia cầm. Mô hình này hướng tới hình thức du lịch cộng đồng, giúp du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng sản xuất để cảm nhận được nét đẹp trong đời sống của dân cư bản địa.