Sau một thời gian tranh cãi, người mua nhà cho hay: “Vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi, muốn có mặt bằng để kinh doanh. Thế nhưng bà Niệm chiếm đất, không cho gia đình tôi kinh doanh là sai. Nhiều lần tôi vào đòi, bà ấy không chấp nhận, còn lớn tiếng thách thức.
Nghĩ hai bên cũng là xóm giềng, tôi không muốn làm căng. Do bà Niệm chây ì, thách thức nên tôi mới kiện ra tòa. Giờ tôi muốn làm rõ trắng đen, xử công bằng theo pháp luật chứ không cả nể chuyện tình cảm nữa”.
Người mua thua người thuê
Trong đơn phản ánh gửi tới báo, bà Bùi Thị Êm (SN 1972, ngụ tổ dân phố 2, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) trình bày vụ việc như sau:
Vào tháng 9/2015, vợ chồng bà Êm mua của vợ chồng ông Trần Nho Từ (nay đã chết) một căn nhà cấp bốn tại thôn Trung Hòa (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BT 095423.
Tuy nhiên, đến nay vợ chồng bà Êm vẫn không được sử dụng tài sản nói trên vì bị người khác chiếm dụng bất hợp pháp.
Theo đơn, trước đó, ngày 15/10/2013, ông Từ đã làm hợp đồng dân sự cho một cán bộ nông trường cao su Dliê Ya thuê lại căn nhà trên. Hợp đồng nêu rõ, thời gian cho thuê tổng cộng 4 năm, bắt đầu từ ngày 1/11/2013, kết kết thúc vào ngày 30/10/2017, giá 1,2 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu ông Từ thay đổi ý kiến, không cho thuê thì phải hoàn trả cho người thuê gấp đôi số tiền đặt cọc, tức gần 20 triệu đồng. Nếu người thuê không thuê nữa thì phải mất toàn bộ tiền đặt cọc. Trong một năm đầu tiên, ông Từ cam kết sẽ không đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Về sau, người thuê đã ủy quyền lại lô đất trên cho anh rể là Cao Xuân Trung (Hiệu trưởng trường Tiểu học Dliê Ya) cùng một khác mở ki-ốt kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Tới năm 2015, tức sau hai năm thực hiện hợp đồng, do khó khăn về kinh tế nên chủ nhà đã thông báo với người thuê sẽ bán căn nhà, chấp nhận phá vỡ hợp đồng. Chủ nhà nói, nếu người thuê có đủ tiền sẽ ưu tiên bán trước. Do người thuê không có điều kiện mua lại nên chủ nhà đã bán cho vợ chồng bà Êm.
Theo đó, khi biết chủ nhà cần bán nhà, ông Trung (người thuê) đã tìm người khác cho thuê lại căn nhà nói trên. Dù trong hợp đồng đã nêu rõ: Không được quyền chuyển nhượng hay cho thuê lại với bên thứ ba mà không có sự đồng ý của chủ nhà.
Nếu bên thuê vi phạm, chủ nhà được quyền chấm dứt hợp đồng. Ông Trung không biết vô tình hay cố ý vẫn vi phạm, cho bà Cao Thị Niệm thuê lại để kinh doanh. Ngay sau khi thuê nhà, người thuê mới đã dọn vào bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Đơn khiếu nại của vợ chồng bà Êm. |
Bà Êm mua được nhà, có sổ đỏ nên nhiều lần đến đòi lại tài sản, nhưng bà Niệm không chịu trả. Người mua đất, người thuê nhà tranh cãi kịch liệt, không ai chịu nhường ai.
Kết quả, dù phải bỏ ra một khoản tiền lớn, cầm sổ đỏ trong tay nhưng vợ chồng bà Êm vẫn không được sử dụng tài sản mang tên mình. Trong khi đó, người thuê vẫn bám trụ tại ngôi nhà trên.
Ai đúng ai sai?
Sau nhiều lần đòi tài sản không được, bà Êm đã có đơn khởi kiện dân sự gửi TAND huyện Krông Năng. Ngày 15/7/2016, TAND huyện này đã cử cán bộ về đo đạc, xác minh lại diện tích tranh chấp và làm việc với các bên liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Trung cho biết, do kinh doanh thua lỗ nên sang lại cho người khác thuê để gỡ gạc vốn liếng. Ông cũng cho rằng không biết trong hợp đồng ghi rõ “không được sang nhượng cho bên thứ ba” nên đã vô tình vi phạm.
Ông khuyên người mới thuê nên bàn giao mặt bằng cho vợ chồng bà Êm, vì bản thân ông đã sai sót. Dù vậy, người mới thuê một mực phản đối.
Cán bộ tòa đề nghị hai bên tự thương lượng cho hợp tình hợp lý. Bà Niệm nhận thấy mình yếu thế, xin chủ nhà được kinh doanh thêm 3 tháng. Nhưng bà Êm không đồng ý, yêu cầu người thuê phải dọn ngay trong vòng 3 ngày.
Bà Êm lý giải: “Vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi, muốn có mặt bằng để kinh doanh. Thế nhưng bà Niệm chiếm đất, không cho gia đình tôi kinh doanh là sai. Nhiều lần tôi vào đòi, bà ấy không chấp nhận, còn lớn tiếng thách thức.
Nghĩ hai bên cũng là xóm giềng, tôi không muốn làm căng. Do bà Niệm chây ì, thách thức nên tôi mới kiện ra tòa. Giờ tôi muốn làm rõ trắng đen, xử công bằng theo pháp luật chứ không cả nể chuyện tình cảm nữa”.
Theo ý kiến của luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, trước khi bán nhà, ông Từ đã ưu tiên cho người thuê là ông Trung được mua trước. Như vậy ông Từ đã làm đúng theo hợp đồng thuê nhà ở giữa hai bên.
Trong khi đó, ông Trung đã vi phạm hợp đồng khi cho người thứ ba thuê lại mà không có văn bản hay được sự đồng ý của chủ nhà. Như vậy, ông Trung đã sai và người thuê nhà từ ông Trung cũng sai.
Trở lại với gia đình bà Êm, bà cho biết muốn lấy lại tài sản của mình càng sớm càng tốt để được kinh doanh, cư trú trên mảnh đất hợp pháp của mình.
“Tôi mong sao các cấp chính quyền giải quyết nhanh để đòi lại tài sản chính đáng của mình. Cứ dây dưa mãi như thế này, tôi phải thiệt đơn thiệt kép vì vừa còng lưng trả nợ vừa không được kinh doanh”, bà Êm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng, Phòng vừa tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí về trường hợp tranh chấp dân sự của ông Trung.
Tới đây, Phòng sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh lại vấn đề. Nếu quá trình xác minh, phát hiện ông Trung có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, vi phạm chuẩn mực đạo đức giáo viên, Phòng sẽ xử lí nghiêm.