Ngày 23/7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận Thanh tra: Một số dự án đầu tư xây dựng từ nguốn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 – 2016).
Về công tác quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh, Thông báo khẳng định: Trong giai đoạn 2003 – 2016, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành phù hợp với quy hoạch, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài; đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển kinh tế (văn phòng, nhà ở; khách sạn; trung tâm thương mại, dịch vụ; bãi đỗ xe có thu tiền…)
“Việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; hạ tầng kỹ thuật; phát triển quỹ nhà nâng cao diện tích bình quân nhà ở trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, là động lực phát triển kinh tế - xã hội thủ đô”, Thông báo nêu.
Liên quan đến các vấn đề còn tồn tại, Thanh tra Chính phủ có đề cập đến việc “doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) như tại: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, 365A Minh Khai, 167 Thụy Khê…
Nguyên nhân của vấn đề này theo Thanh tra Chính phủ là do pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.
Riêng đối với dự án 167 Thụy Khê, theo tìm hiểu, ngày 16/5/2004, UBND TP Hà Nội đã đồng ý để Công ty Giầy Thụy Khuê chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 167 Thụy Khuê để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch của Thành phố và liên doanh với Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất (Công ty CIRI) để thực hiện dự án.
Cũng cần nói thêm, Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất cũng có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – Bộ Giao thông Vận tải, được cổ phần hoá năm 2005.
Ngày 5/10/2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của Công ty Giầy Thụy Khuê theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quyết định đưa cơ sở nhà đất tại 167 Thụy Khuê vào danh mục cơ sở nhà, đất bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
“Thực tế, trong suốt quá trình triển khai dự án, từ khâu thu hồi giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến khâu thiết kế, cấp chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng chủ đầu tư chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng...”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Đối với nội dung thông báo của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư cho rằng: tên dự án “167 Thụy Khuê” chỉ được nhắc đến 1 lần (trong nội dung nêu trên), nhưng không có bất kỳ kết luận nào nói rằng Dự án 167 Thụy Khuê có vi phạm các quy định về đấu giá và triển khai thực hiện dự án. Và thực tế, CIRI đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật, trong quá trình triển khai dự án, các cơ quan chức năng của UBND Thành phố Hà Nội thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.