Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với Quốc hội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn có sự quan tâm đặc biệt đến Quốc hội, Người từng nói: “Quốc hội ta do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội là đại biểu chân chính của nhân dân thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đều hăng hái tích cực tham gia bầu cử, chọn lựa những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thật sự là ngày hội của toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết trong Quốc hội: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam. Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết... Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới từ Cách mạng tư sản châu Âu, châu Mỹ đến Cách mạng tháng Mười Nga. Vì vậy, Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội.
Người cũng đã nêu rất cô đọng mà đầy đủ các đặc điểm cần và đủ như sau: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”; “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội. Theo Người: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”; “...Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Các đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”.
Đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đứng trước cơ hội và thách thức to lớn, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tâm huyết, trăn trở cho hoạt động của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quochoi.vn) |
Với kinh nghiệm thực tiễn qua hơn một nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện, khách quan, sâu sắc về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trên từng mặt hoạt động, ở từng thời kỳ. Những định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến nay vẫn đang được trao truyền, tiếp nối tại nghị trường Quốc hội.
Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hơn một nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; là đại biểu Quốc hội liên tục 5 khóa, tự mình kinh qua công tác tổ chức và hoạt động Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV ngày 17/10/2016. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Với những kết quả quan trọng Quốc hội đã đạt được trong các nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và có hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động, được cử tri và Nhân dân cả nước ngày càng tin tưởng”, “góp phần tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân” và “làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta” trong mắt bạn bè quốc tế.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đến Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn từng yêu cầu Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”.
Thời gian qua, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ để đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu. Muốn hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu thì chính các đại biểu Quốc hội phải ra sức tích cực, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ tám để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong đó, tập trung nhấn mạnh ba vấn đề: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
“Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao, gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế, phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới, cải cách hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc. Có thể nói, sau 78 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, là 78 năm Quốc hội tận tâm cống hiến vì lợi ích quốc gia và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Đúng như mong muốn lớn nhất của Người và của mỗi một người dân Việt Nam yêu nước là xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, và vì dân; một Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh và hoạt động có hiệu quả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. |