Chú trọng nâng cao chất lượng công tác pháp chế tại địa phương

(PLVN) -Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế,nhiều địa phương đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Như tại tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định, góp ý 990 VBQPPL của Trung ương và địa phương; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã trình UBND tỉnh ban hành hoặc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 475 văn bản QPPL.

Cũng trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát 5.228 VBQPPL theo Hiến pháp năm 2013; rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực 3.881 văn bản QPPL. Ngoài ra, toàn tỉnh đã thực hiện tự kiểm tra 349 VBQPPL liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành; các cơ quan chuyên môn đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 100% VBQPPL do UBND tỉnh ban hành. Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và xử lý những văn bản không phù hợp với quy định của văn bản cấp trên.

Ngoài ra, công tác PBGDPL cũng được các tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quan tâm, tham mưu thực hiện. Các cơ quan chuyên môn đã ban hành các kế hoạch lồng ghép nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vào nội dung hoạt động của ngành mình, thông qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh..

Còn tại tỉnh Yên Bái, đến nay, 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã bố trí cán bộ làm công tác pháp chế dưới hình thức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Tại các cơ quan còn lại và các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương cũng đã bố trí đầy đủ cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp, nhờ đó kết quả thực hiện đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Qua đó, kịp thời thống nhất về cơ chế, chính sách, góp phần củng cố hoàn thiện hệ thống hóa pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Thái Nguyên, tỉnh cũng đã quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế, góp phần tích cực trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên do những bất cập về thể chế, tổ chức pháp chế ở các địa phương dần bị giải thể, từ đó đến nay nhiều địa phương vẫn đang tìm giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này.

Cụ thể, quy định về việc thành lập Phòng pháp chế chưa thống nhất, cụ thể giữa Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc xác định căn cứ để thành lập tổ chức pháp chế. Theo Nghị định này, tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế phải có chuyên môn luật, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật, điều này khó khả thi. Nghị định cũng quy định người làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên đến nay chưa có quy định cụ thể về chế độ cho người làm công tác pháp chế, do đó khó thu hút người có trình độ chuyên môn phù hợp làm nhiệm vụ này…

Để kịp thời tháo gỡ những bất cập nêu trên, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ, ngành để nghiên cứu, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 55 cho phù hợp với các quy định hiện hành. Bộ Tài chính cần xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế. Cùng với đó các địa phương cần đề xuất xem xét theo hướng quy định bắt buộc phải bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh biên chế hạn chế mà khối lượng công việc của công tác pháp chế địa phương lại rất lớn.

Đọc thêm