Chữ VN song song 4.0” không có dấu: Chỉ là “trò đùa” với Tiếng Việt!

(PLVN) - Mới đây, bộ “Chữ VN song song 4.0” kết hợp từ “Chữ Việt nhanh” và “Ký hiệu dấu” không có dấu của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Việc này đã khiến dư luận dậy sóng, đa số cho rằng, “Chữ VN song song 4.0” không nên được ứng dụng.
Hai tác giả của "Chữ VN song song 4.0" Kiều Trường Lâm (trái) và Trần Tư Bình
(ảnh: thanh nien.vn)
Hai tác giả của "Chữ VN song song 4.0" Kiều Trường Lâm (trái) và Trần Tư Bình (ảnh: thanh nien.vn)

 Muốn Tiếng Việt giống tiếng Anh 

Bộ “Chữ VN song song 4.0” kết hợp từ “Chữ Việt nhanh” và “Ký hiệu dấu” của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào ngày 25/3/2020.

Được biết, tác giả Kiều Trường Lâm (34 tuổi) đang làm việc cho một công ty xuất khẩu gỗ trong nước, còn tác giả Trần Tư Bình làm việc và sinh sống tại nước Úc. Việc kết hợp giữa hai tác giả một ở nước ngoài, một ở trong nước thật là kỳ công. Phải làm việc thật ăn ý thì họ mới cho ra đời được một công trình gây xôn xao dư luận như vậy. Hai tác giả đã cải biên Tiếng Việt với phương cách chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ, tức giản lược bớt 3 chữ cái, vì bảng Tiếng Việt hiện tại có 29 chữ cái.

Trong giấy chứng nhận đăng ký nguyên tác, tác phẩm được chứng nhận có tên là “Chữ VN song song 4.0” chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TTDL, như vậy chữ Việt Nam đã được viết tắt thành VN, được tác giả lý giải là chờ ý kiến Quốc hội về tên.

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho công trình "Chữ VN song song 4.0"
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho công trình "Chữ VN song song 4.0"  

Theo tác giả, công trình trên được hoàn thành vào tháng 10/2019.Việc cấp bản quyền được thực hiện sau 3 tháng làm hồ sơ. Bản thân tác giả Lâm tự nhận thấy chữ viết do hai tác giả sáng tạo sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong chữ quốc ngữ khi không sử dụng dấu, lại viết nhanh và nên cài đặt bộ chữ này trong bộ gõ để bung ra chữ quốc ngữ. Việc viết chữ Việt không có dấu lâu nay đã xuất hiện ở các bạn trẻ khi họ trao đổi qua tin nhắn điện thoại, internet, messenger, zalo chat...

Ông Bình đi theo hướng cải tiến con chữ sao cho ngắn nhất, ông Lâm thì đi theo hướng thay đổi dấu thanh và dấu phụ, cho đến khi chữ viết mất luôn dấu. Quả thật đây là một sự “sáng tạo” tinh giản con chữ sẽ làm tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa... Tại sao lại gọi là chữ “Việt Nam song song” thì được các ông lý giải, hiện tại muốn nó tồn tại song song với chữ quốc ngữ, muốn được ứng dụng trên internet. Việc thúc đẩy cho công trình này sẽ rất phù hợp với thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Rồi một khi đã ứng dụng được thì mọi người sẽ thích, bởi nó nhanh và tiện lợi ở cả máy tính và cả trong viết tay.

Tác giả Lâm cho rằng, anh không có ý định cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ đưa về cải tiến dạng không dấu. Nói như tác giả thì chữ quốc ngữ đã không còn là chữ quốc ngữ. Bởi chữ quốc ngữ đang dùng là loại chữ có dấu, nếu bỏ dấu đi thì nó sẽ trở thành một loại chữ ở nước nào đó. Anh Lâm thấy cái bất cập của chữ quốc ngữ nếu để giới trẻ nhắn tin không dấu sẽ gây bị hiểu lầm, nên nếu ứng dụng bộ chữ của anh sẽ khắc phục được trình trạng trên.

Anh Lâm cũng cho rằng, với tiếng Việt không dấu, nó sẽ đưa Tiếng Việt ra thế giới, như là tiếng Anh. Cũng như đã có một vài độc giả đã liên hệ với anh Lâm để bắt đầu thử học bộ chữ này. Cách mà tác giả sáng tạo ra chữ viết mới này có thể hiểu nhằm 3 mục đích, thứ nhất là để giới trẻ nhắn tin khỏi bị hiểu lầm, thứ hai, nếu không có dấu, tiếng Việt sẽ giống tiếng Anh. Và như vậy sẽ đưa tiếng Việt vang xa ở trên thế giới, thứ 3 là để tiện lợi hơn khi sử dụng ở trên các dụng cụ công nghệ trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Nhưng nếu tiếng Việt mà giống tiếng Anh thì còn gọi gì là tiếng Việt.

Chỉ nên coi là một “trò đùa” với Tiếng Việt

 Từ khi báo chí đưa tin về việc chữ Việt Nam song song không có dấu được cấp phép đã làm dư luận dậy sóng. Đặc biệt khi thông tin được đưa lên các trang mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến phản đối. Các ý kiến đều cho rằng, Cục Bản quyền tác giả không nên cấp phép cho công trình này, dù rằng là công nhận sự sáng tạo của họ.

Bởi không phải sáng tạo nào cũng đáng được cấp phép. Độc giả thấy đọc loại chữ mới này “méo xệch” miệng, khó đọc, và phải căn cứ lại chữ quốc ngữ mới đọc được. Ví dụ như một bài thơ quen thuộc, nếu không nhìn cả bản quốc ngữ thì không thể nào đọc lưu loát khi “chuyển ngữ” sang, dù có người đã cố gắng để cố hiểu về công trình của hai tác giả. Cũng như bộ chữ tiếng Việt của ông Bùi Hiền trước đó, hầu như không ai đồng tình để nó được ứng dụng vào thực tế. Có chăng cấp phép công trình này nhằm để xác nhận rằng, công trình đó là của hai tác giả kia, chứ không phải của ai khác.

Có chuyên gia nói, chúng ta chưa phân biệt được tiếng Việt và chữ Việt. Chữ Việt chỉ là ký hiệu của tiếng Việt, nên do đó, loại chữ Việt Nam song song 4.0 nếu đúng là công trình sáng tạo kỳ công thì nếu tác giả muốn dùng, thì là dùng theo dạng ký hiệu cho tiếng Việt. Tiếng Việt lâu nay đã trở thành một phần tâm hồn con người Việt Nam, chính dấu, thanh, đã tạo nên ngữ điệu độc đáo cho ngôn ngữ Việt Nam. Chúng ta nên cố gắng sáng tạo thêm các chữ mới hay cho tiếng Việt, để bổ sung vào bảng chữ cái, hơn là cố gắng tạo ra những bộ chữ Việt bị phản đối vừa qua.

Thế nhưng, tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng, sự phản đối của nhiều người là đương nhiên, vì cái mới ra đời bao giờ cũng vậy, nên anh ghi nhận tất cả các ý kiến, đồng thời anh vẫn hy vọng công trình sẽ được mọi người nhận ra được ứng dụng thực tiễn của nó. Mặc dù vậy, công trình của hai tác giả được coi là làm què quặt tiếng Việt, nên để dùng riêng. Hoặc là để cho các nhà nghiên cứu rảnh rỗi nghiên cứu, chứ không nên làm rùm beng nên như thế này.

Đất nước ta bấy lâu nay đã viết, đã nói với thứ ngôn ngữ đẹp đẽ rồi, nên giờ không cần một loại chữ nào thay thế. Nếu giờ mà thay loại chữ song song 4.0 vào thì cả nước phải học lại, rồi đổi hàng tỷ các loại giấy tờ, sách vở tốn kém nhiều tiền của. Độc giả cảm thấy bực tức, cho rằng hai tác giả đang đi vào bụi rậm và đòi “cách ly” hai tác giả và công trình này.

Dù chữ quốc ngữ chưa phải là hoàn hảo lắm, nhưng cái lỗi nhỏ của nó lại khiến tiếng Việt dễ thương hơn và hóm hỉnh hơn. Như kiểu loại thơ Bút Tre, hay các câu chuyện cười ra nước mắt mà chúng ta đã từng đọc do bị thiếu dấu. Hơn nữa, loại chữ mới không dấu nhìn vào thấy chữ nào cũng như chữ nào, nên khó đọc.

Chính vì thế mà để thấy được sự khác nhau của các từ là rất khó, không thể nào phân biệt được. Kể cả tác giả cho rằng, có thể dùng song song với chữ quốc ngữ, như cho nó sử dụng trên internet, nhưng cũng không nên như vậy, nó sẽ mất đi sự thống nhất ngôn ngữ. Nếu để cho con cái học một loại chữ khác chữ quốc ngữ, thì tiếng Anh và các thứ tiếng khác trên thế giới sẽ hữu ích hơn nhiều khi phải đau đầu học chữ Việt song song của hai tác giả này. Vì vậy, chúng ta chỉ nên coi “Chữ VN song song 4.0” là một “trò đùa” với Tiếng Việt. 

Đọc thêm