Theo nội dung của văn bia chùa Gia Hưng (xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã được Viện Hán Nôm dịch thì chùa gắn liền với triều đại nhà Lê, khởi công năm 1587 và hoàn thành vào 1588. Chùa được xây dựng trên gò đất cao “nơi núi sông hội tụ, vạn thủa anh linh” do tấm lòng thảo thơm của từ tầng lớp quan lại cho tới dân thường cúng tiến.
Qua thời gian, ngôi chùa cổ đổ nát hoang toàn nên Phụng ngự Văn Phúc Trần Tĩnh mới phát động phục dựng. “Phụng ngự Trần Tĩnh cùng mọi người khởi phát từ tâm trùng tu chùa Gia Hưng, đúc tượng mới. Ta biết thiện có thiện báo là đương nhiên, sẽ thấy trời giáng trăm điều tốt lành, càng ngày càng có phúc đức, giàu sang mạnh khỏe lâu dài. Đó là điều mong muốn cho bản thân, cho con, cho cháu. Cái phúc đó mãi mãi được người sau trân trọng như Đường Tướng công, Trần Tư đồ. Công danh sự nghiệp tỏa sáng ở đây” (trích văn bia).
Nhưng rồi hàng trăm năm sau, vùng đất Nghệ Tĩnh bao binh biến, ngôi chùa lại thêm một lần nữa đổ nát. Ông Võ Trí Lương, xóm trưởng Quỳnh Sơn cho biết: “Chùa Gia Hưng bây giờ chỉ còn lại một tấm bia đá đã được con cháu họ Lê đưa ra nhà thờ để bảo tồn. Việc ngôi chùa trở thành phế tích là do chiến tranh tàn phá"
Ông Lương cho biết thêm, theo lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc thì chi bộ Nguyệt ao là một trong bảy Chi bộ cộng sản đầu tiên của đảng bộ Can Lộc được thành lập tháng 3/1930 tại chùa Gia Hưng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi sinh hoạt, hội họp của quân dân du kích xã Lam Kiều (nay là xã Song Lộc) và xã Trường Lộc”.
Thầy Thích Tịnh Quang đang chia sẽ với nhân dân về giá trị của ngôi chùa trên nền đất cũ |
Ông Lê Đình Quang, chủ tịch UBND xã Trường Lộc chia sẻ: “Hiểu được giá trị lớn lao về lịch sử, tâm linh, bà con xã Trường Lộc luôn mong mỏi, tâm niệm phục dựng lại ngôi chùa cổ”,
UBND xã Trường Lộc đã có công văn gửi các cơ quan chức năng xin phục dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ.
Hộ dân thuê 5.764,7m2 nền chùa dù chưa hết hạn hợp đồng cũng vui vẻ trả lại đất.
Ngày 18/6/2018, UBND huyện Can Lộc đã có công văn số 1001/UBND-NV gửi UBND xã Trường Lộc về việc khôi phục chùa Gia Hưng. Công văn chỉ đạo: “UBND xã giải quyết dứt điểm việc thuê đất, vận động nhân dân đã thuê đất trồng cây trả cho chính quyền để triển khai xây dựng chùa Gia Hưng. Hoàn thiện thiết kế, quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND xã và Ban trị sư Phật giáo giám sát thi công đảm bảo đúng quy định”.
Những ngày này bà con xã Trường Lộc cùng nhà chùa đang tích cực phát quang cây cỏ, bụi rậm trên diện tích hơn 5 ngàn m2. “Vùng đất Trường Lộc là đất văn hiến, có người đỗ đạt cao như dòng họ Nguyễn Huy mà đỉnh cao là Nguyễn Huy Tự. Nơi đây phong cảnh hữu tình, trước đây có đình, chùa, thư viện, cây đa bến nước… nhưng bây giờ không còn cảnh cũ là điều đáng tiếc. Việc phục dựng lại ngôi chùa này là sự mở đầu cho con đường tìm lại những di sản của ông cha”, anh Lê Văn Toàn, cán bộ tư pháp xã bày tỏ.