Nếu được thông qua thì Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Theo đó, hành vi chưa sang tên, đổi chủ phương tiện cho “chính chủ” sẽ tiếp tục bị xử phạt, trong khi những thủ tục và điều kiện sang tên vẫn gây khó khăn và phiền phức cho người dân.
|
Theo Dự thảo Nghị định, từ ngày 1/7/2013, phương tiện không sang tên, đổi chủ sẽ bị xử phạt. |
Tiền phạt có giảm
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa hoàn thành Dự thảo lần 2 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế cho các Nghị định liên quan trước đây, trong đó có Nghị định số 71/2012/NĐ-CP. Nội dung của Nghị định mới sẽ bổ sung và nâng mức phạt với nhiều lỗi vi phạm giao thông đường bộ và đưòng sắt.
Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi không sang tên đổi chủ đưa ra trong dự thảo lại thấp hơn nhiều so với mức phạt được quy định tại nghị định 71 hiện hành. Và, điểm mới nhất của Dự thảo này là từ ngày 1/7/2013, phương tiện không sang tên, đổi chủ sẽ bị xử phạt.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức phạt đối với xe máy không “chính chủ” sẽ từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân; từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức. Đối với cá nhân là chủ xe ô tô, bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng (với chủ xe là tổ chức mức phạt là 4 - 8 triệu đồng) nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ và không nộp phí giao thông (theo Nghị định 71, xe ôtô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng, xe máy bị phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).
Giải trình về mức chế tài mới này, Bộ GTVT cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với việc xử phạt xe không chính chủ. “Ý kiến thứ nhất là không quy định xử phạt hành hành vi vi phạm này vì hành vi vi phạm trên thuộc điều chỉnh của pháp luật về phí và lệ phí. Ý kiến 2, quy định về đăng ký phương tiện, phí phương tiện (hiện nay là Quỹ bảo trì đường bộ) được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, vì vậy cần quy định xử phạt các hành vi vi phạm nói trên, đề nghị điều chỉnh mức phạt tiền tương ứng với mức phí tương ứng. Dự thảo Nghị định thể hiện theo ý kiến 2 và giảm mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này xuống tương đương với mức lệ phí trước bạ và phí tham gia giao thông”.
Cũng theo Dự thảo, nếu người điều khiển phương tiện giao thông cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Mức chế tài này cũng áp dụng với các hành vi như: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ôtô sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Với xe máy, phạt từ 60.000 - 80.000 đồng nếu sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ trợ thính). Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sử dụng còi xe, đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn sẽ bị phạt từ 100.000 – 3 triệu đồng.
Đẩy cái khó cho dân
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện sang tên đổi chủ, hạ phí trước bạ đăng ký lần hai xuống 2%, xe đăng ký mới là 10 - 15%. Tuy nhiên, Thông tư hướng dẫn về vấn đề trên (do Bộ Tài chính soạn thảo) chưa ra đời, trong khi đó, đầu tháng 7 đã tiến hành xử phạt, như vậy có quá sớm?.
Bên cạnh đó, quy định xử phạt xe không chính chủ đã có trong Nghị định 71 và được áp dụng từ đầu tháng 11/2012. Nhưng vào thời điểm này, quy định trên khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi và Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt lỗi này trong lúc chờ thông tư hướng dẫn. Nếu dự thảo Nghị định mới được thông qua thì đương nhiên Nghị định số 71/2012/NĐ-CP bị bãi bỏ. Vậy là hiệu lực của Nghị định cũ chưa kịp thực thi thì đã lập tức bị huỷ.
Không những thế, nếu thống kê tại Hà Nội thì hiện nay số lượng xe chưa chính chủ chiếm tới gần nửa tổng lượng xe đang lưu hành, trong vài tháng tới liệu các phương tiện này có kịp hoàn tất việc sang tên trong khi những thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và gây phiền phức cho dân?.
Theo nhiều chuyên gia, để người dân hiểu và nhận thức rõ tác dụng của quy định này cần phải có lộ trình cụ thể, thời gian hướng dẫn trước khi bắt buộc thực hiện có khi phải mất hàng năm. Nhưng dân mới chỉ được “gia hạn” trong 6 tháng. Như vậy, chỉ vì nóng lòng muốn lập lại trật tự giao thông, như cách nói của Bộ GTVT, mà Bộ này đã đẩy cái khó về phía người dân?.
Việt Nga