Trịnh Kiểm trộm gà phát nghiệp
Nghiệp chúa của họ Trịnh, chính là từ Trịnh Kiểm mà nên. Trong “Trịnh gia chính phả” và một số tài liệu khác đều đề cập đến việc nhà Trịnh có được nghiệp chúa là do tổ Trịnh Liễu gặp được Tống Thiên Thần Vương mà nên, nhưng trong “Nam Hải dị nhân” lại cho biết một điều đặc biệt có liên quan đến vị chúa mở nghiệp nhà Trịnh: Trịnh Kiểm.
Theo như “Nam Hải dị nhân”, Trịnh Kiểm khi còn hàn vi, sống ở làng Sóc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhà nghèo lắm, nhưng Kiểm đối với mẹ có hiếu rất mực. Khổ nỗi, gia cảnh bần hàn mà mẹ tính hay ăn thịt gà, nhà thì không có. Thương mẹ, Trịnh Kiểm bất đắc dĩ đóng vai “đạo Chích”, ngày nào cũng phải ăn trộm một con gà của láng giềng để mẹ ăn.
Trộm nhiều, láng giềng rồi cũng biết nên ai cũng ghét. Biết nguyên do mất gà là do mẹ của Kiểm, nên một hôm nhân Trịnh Kiểm đi chơi vắng, hàng xóm bắt mẹ ông ném xuống vực Tôm ở cạnh làng để ông khỏi ăn trộm gà nữa. Không ngờ chỗ vực ấy chính là một huyệt to. Đêm hôm đó, trời nổi cơn mưa gió lớn, rồi vực bỗng dưng nổi đất lên thành mộ chôn xác mẹ Kiểm.
Về sau thầy địa lý Tàu xem ngôi đất ấy, nói rằng: “Ngôi đất này phát ra không phải đế, cũng không phải bá, mà có quyền nhất cả thiên hạ, truyền được tám đời, rồi vạ tự trong nhà sinh ra”.
Lại nói về Trịnh Kiểm, kể từ khi mẹ mất, ông không còn làm anh đạo chích trộm gà nữa, mà lang bạt khắp nơi, duyên số làm sao lại đến ở chăn ngựa cho quan Nguyễn Kim. Lúc ấy Nguyễn Kim đã trung hưng lại nhà Lê. Một hôm, đang đêm Nguyễn Kim đứng dậy mở cửa ra sân, trông xuống dưới trại, thấy có hai khối tinh đỏ ối tựa hồ như hai bó đuốc, sai người đánh đuốc xuống xem cái gì, thì hóa ra Trịnh Kiểm đang ngủ ở chỗ ấy, hào quang từ trong mắt ánh ra.
Nguyễn Kim lấy làm kỳ lạ, gọi lên hỏi chuyện, thì ứng đối giỏi giang, tài đảm hơn người. Thấy Kiểm có tướng lạ, biết không phải người tầm thường nên đem lòng yêu mến, cử lên làm tướng bộ hạ và gả con gái Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm. Từ đây, anh chàng trộm gà thuở nào dần gây dựng nên cơ nghiệp cho nhà Trịnh.
Trịnh Giang sợ sấm
Trịnh Giang làm chúa trong thời gian 1729 - 1740. Trong quãng thời gian làm kẻ lấn quyền vua Lê, vị chúa này có một điểm đặc biệt được “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi là:
Bỗng đâu một tiếng thiên lôi,
Thất kinh ngơ ngác như người chứng điên.
Ở hang lại gọi cung tiên,
Để đoàn nội thụ chuyên quyền lộng uy.
Sự kiện ấy diễn ra năm Kỷ Mùi (1739), tức là năm áp chót trong thời gian làm chúa của Trịnh Giang. Thời gian này, Trịnh Giang lười việc chính sự, thích rong chơi, thưởng ngoạn khắp mọi nơi. Để tiện cho việc vi hành bất ý, chúa đóng hành cung ở Quế Trạo thuộc xã Quế Trạo, huyện Quế Dương là làng quan Nội giám Hoàng Công Phụ. Công việc triều đình Giang giao hết cho em là Nhiếp chính công Trịnh Doanh.
Về sau do chơi bời quá độ, lại mắc bệnh hoang dâm, sức khỏe của chúa ngày một giảm sút, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Hoàng Công Phụ đem chúa về kinh, làm cung Thưởng Trì cho ở trong nhà kín. Việc ấy, được “Việt sử cương mục tiết yếu” ghi là: “Giang dâm loạn, hiếp cả người thiếp của cha mình là Kỳ viên phi Đặng thị. Vũ thái phi biết chuyện, bắt Đặng thị tự tử.
Một hôm, Giang tình cờ bị sét đánh suýt chết, nên mắc chứng hay giật mình, nghe tiếng sấm càng hoảng sợ. Hoạn quan nói dối Giang đó là quả báo về tội dâm dật. Chỉ có đào hầm mới tránh được tai họa. Rồi đào cung Thưởng Trì cho Giang ở”.
Cũng từ sau sự kiện này mà về sau Trịnh Giang ẩn luôn trong cung Thưởng Trì không ra ngoài, mọi việc chính sự Hoàng Công Phụ tự tung tự tác. Đến năm sau là Canh Thân (1740), em chúa là Trịnh Doanh lên thay.
Trịnh Doanh được xem tướng
Dạo Trịnh Giang còn làm chúa, nhưng suốt ngày trốn sấm trong cung Thưởng Trì. Bấy giờ, theo “Đại Việt sử ký tục biên” em chúa Nhiếp chính thái uý An quốc công Trịnh Doanh “có văn võ tài lược có thể yên định được nghiệp lớn”… “là người sáng suốt quả quyết” nhưng giữ gìn kín đáo, không để lộ tài trí ra ngoài để tránh bị Công Phụ hãm hại.
Tượng Trịnh Sâm |
Thấy cảnh tình lúc ấy, Đỗ Thế Giai và Hoàng Ngũ Phúc dù có tài lược, nhưng chưa gặp nơi tin tưởng để phò tá, nên làm bạn với một tên quan hoạn. Tên hoạn quan này thấy Trịnh Giang ốm, giặc cướp nổi lên khắp nước, nên xui hai ông tìm một hoàng tử nhà Lê dấy nghĩa để thay nhà Trịnh. Nhưng như “Tang thương ngẫu lục” ghi, họ Đỗ và họ Hoàng lại phán đoán khác. “Hai ông nói: - Không phải, nhà Trịnh có công lớn, trời cũng giúp vì, hoặc giả lại phục hưng không biết chừng. Hãy chờ xem, nếu không sẽ liệu vẫn chưa muộn.
Viên quan hoạn sầm mặt đứng dậy, vung áo đi. Một lúc, ông Đỗ đi ra, qua phủ Lượng quốc, thấy người em thứ tư và cùng một mẹ với Uy vương đương ngồi ở đất xem chọi gà cùng bọn nội giám ở trước cửa phủ. Ông trông thấy kinh ngạc, về nói với ông Hoàng rằng: - Đấy thật là vị chúa của ta”.
Sau lần ấy, Đỗ Thế Giai và Hoàng Ngũ Phúc theo về dưới trướng của Trịnh Doanh. Đến khi Trịnh Giang nhường lại ngôi chúa cho Trịnh Doanh, hai ông được hết lòng trọng dụng.
Chúa Trịnh Sâm sợ vợ
Người vợ được nói tới ở đây của Trịnh Sâm là bà phi Đặng Thị Huệ. Gia thế người đàn bà đẹp mà máu nóng này được “Đại Việt sử ký tục biên” ghi lại: “Đặng Thị là người làng Phù Đổng, có sắc đẹp, làm nữ tỳ cho bà Tiệp thư họ Hoàng. Chúa trông thấy thì yêu, nhân đó tư thông với nàng và rất sủng ái nàng.
Chúa cho nàng ở chung trong chính tẩm, các xe cộ quần áo của nàng đều theo mẫu như của Chúa. Nàng có can dự vào các việc chính sự bên ngoài. Bọn dựa thế phần nhiều hùa theo nàng”. Sơ lược như vậy, đủ thấy uy thế của nữ sắc ghê gớm biết chừng nào.
Chuyện sợ vợ của chúa Sâm, trong “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi tỉ mỉ: “Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa. Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói:
- Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc xây xát!
Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng:
- Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy?
Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa”. Sự lộng quyền của Đặng Thị Huệ không chỉ dừng lại ở đó, về sau ngày một tệ hơn, nên “Đại Nam quốc sử diễn ca” phê phán:
Tuyên phi là gái khuynh thành,
Đem bề ân ái chuyên vành phúc uy.
Trịnh Tông sinh ra từ giấc mơ của mẹ
Vốn thái phi mẹ Trịnh Tông tên là Ngọc Hoan, người ở làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị nàng là cung tần của Ân vương (cha Thịnh vương (Trịnh Sâm), tức là Trịnh Doanh), sinh ra Thuỵ quận công, được Ân vương hết sức yêu quý. Nhờ chị, thái phi được kén vào làm cung tần của Thịnh vương. Nhưng từ sau khi vào cung, nàng vẫn ngày đêm sống cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng nằm mơ thấy vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng không hiểu đó là điềm gì, đem hỏi viên quan hầu là Khê trung hầu. Khê trung hầu biết chắc là điềm sinh thánh.
Hôm sau, chúa cho vời cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê trung hầu cố ý giả làm nghe lầm, đưa ngay thái phi Ngọc Hoan đến. Thấy nàng, chúa có vẻ không thích, nhưng đã chót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau đó chúa đòi Khê trung hầu vào trách mắng. Khê trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện thái phi nằm mơ cho chúa nghe. Chúa cũng nín lặng không nói sao cả. Thái phi trải qua một trận mưa móc, liền có thai ngay. Đến kỳ, nàng sinh ra một trai, nhằm năm Quý Mùi (1763).
Nhà chúa có con trai đáng ra phải lấy làm đại hỷ bởi có người nối dõi. Ấy nhưng theo “Trịnh thị ngọc phả ký”, chúa Trịnh Sâm lại không nghĩ vậy: “Đến khi sinh ra, Vương (Trịnh Tông - người dẫn chú) có khí tượng của người làm chúa, nhưng Thịnh Vương nghĩ, đấy là rồng đất, không phải là rồng thật, vả lại, rồng chỉ có đầu mà không có đuôi, tựu trung, đó không phải là điềm lành, nên trong lòng rất không vui. Khi các quan Văn, Võ lạy mừng, Thịnh Vương cho rằng, Vương không phải do vợ đích sinh ra, nên từ chối không nhận”.
Cũng bởi thế mà khi thế tử Tông đã lớn, dung mạo rất khôi ngô mà chúa cũng chẳng yêu chiều gì mấy. Sau này, phải nhờ đến loạn kiêu binh Trịnh Tông mới lên làm chúa, tức Đoan Nam vương.