Chửi khách để… “nâng tầm” thương hiệu?!

(PLO) - Ngay sau khi quán “bún chửi” trên phố Ngô Sĩ Liên được kênh truyền hình CNN của Mỹ đưa tin, bỗng dưng nổi tiếng, khách khứa nườm nợp ra vào. Dường như hiệu ứng, không ít cửa hàng, quán ăn đã dùng chiêu thức chửi rủa vào mặt khách để “nâng tầm” thương hiệu của mình. Kiểu kinh doanh vô văn hóa này đang “đổ bộ” vào mảnh đất ngàn năm văn hiến! 
Chủ quán bún chửi sẵn sàng tuyên chiến với khách.

“Bún chửi, cháo mắng, ốc lườm nguýt” lên ngôi?

Thực khách quán bún tại một phố nhỏ (quận Đống Đa) đã quá quen hình ảnh bà chủ quán tay vừa thoăn thoắt chế biến bát bún lưỡi, mồm xoen xoét chửi rủa khách hàng. Khi khách giục món ăn ngay lập tức bà chửi với giọng the thé: “Cảm thấy lâu thì cút về nhà, ở đây không ai hầu đâu”. Nếu khách chê canh nhạt, bà chủ tấp luôn vào mặt: “Chạy ra chợ mà mua gia vị, trông mặt mày đã thấy hãm tài. Biến!”. Còn vô số câu từ khó nghe, bậy bạ mà bà chủ quán này ném vào mặt khách khiến thực khách không kịp vuốt mặt. Hầu hết, các thực khách nhịn nhục, cho qua. Nhưng có thực khách không chịu nổi sự nhục mạ này đã “bật” lại: “Sao cô lại chửi mắng các thượng đế của mình như thế…”. Chưa để khách nói dứt câu, bà chủ quán bật dậy cầm chiếc ghế mình đang ngồi giơ lên tuyên chiến với gương mặt đỏ phừng phừng: “Dám đụng vào bà à, mày thích ăn bún hay thích ăn ghế hả thằng kia” khiến khách sợ hãi chạy thẳng ra ngoài lấy xe đi về.

Chuyện chửi bới, sẵn sàng lao vào “cuộc chiến” của các chủ quán ăn, cửa hàng với khách không phải là hiếm ở Hà Nội. Dân Hà thành biết tới quán “cháo chửi” ở quận Hoàn Kiếm, “ốc lườm nguýt” (quận Đống Đa) hay “quần áo nặng mùi” ở quận Gia Lâm. Tại cửa hàng “quần áo nặng mùi”, khách vào xem hàng, trả giá hoặc không mua, chưa kịp quay gót, chủ cửa hàng xồ ra chửi với những lời lẽ chua ngoa, bậy bạ, “nặng mùi” khiến khách bức xúc, bực mình. Chính vì vậy, các khách đồn nhau và  đặt “thương hiệu” “quần áo nặng mùi” cho cửa hàng thời trang này.

 “Bún mắng, cháo chửi, ốc lườm nguýt, quần áo nặng mùi” đang trở thành điểm xấu trong văn hóa ứng xử, kinh doanh. Một điều lạ là, bị chửi như vậy mà khách hàng vẫn tới đông. Nhiều người dân ở xa thắc mắc: “Mất tiền ăn để nghe chửi. Người Hà Nội thật là lạ, đây là đất ngàn năm văn hiến mà sao lại thế?”. Có người còn bày tỏ sự bức xúc: “Đúng là miếng ăn là miếng nhục. Chẳng lẽ các thực khách không biết nhục hay sao mà đâm đầu vào để ăn! Những thực khách không có lòng tự trọng sao?”.

Cẩn thận, pháp luật sẽ “sờ gáy”!

Lý giải việc khách rồng rắn xếp hàng đi ăn để nghe chửi, nhiều người cho rằng: đó là khách tò mò đến xem bà chủ chửi thế nào, cũng có khách nghe chửi thành quen, lại có khách áp dụng “công thức AQ”: “Bà ấy chắc chửi ai chứ không chửi mình”, “Tai bà ấy gần miệng bà ấy, bà ấy chửi bà ấy nghe”, Có khách khi nghe bà chủ quán chửi bàn bên cạnh lại cười và tỏ ra thích thú… Dù với lý do nào đi chăng nữa, chính những người khách ấy đã tiếp tay, cổ vũ cho thói ứng xử vô văn hóa của các chủ quán, chủ cửa hàng lộng hành, bôi bẩn hình ảnh mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội cho hay, “bún chửi” không phải là điển hình văn hóa và không phải là tiêu biểu của văn hóa của người Hà Nội. Chửi tục mà được lên truyền hình thì đương nhiên là không thể tự hào được rồi. Người bán hàng mà chửi bới, có lời nói dung tục, miệt thị khách hàng là hành vi phi văn hóa nếu không muốn nói là vô văn hóa. Các quán chửi nó không phải là thương hiệu, không phải là số đông, không phải đại trà ở Hà Nội. 

Ông Nam cũng cho hay, hiện chưa có chế tài xử phạt những trường hợp chửi bậy mà chỉ chế tài xử lý người gây rối trật tự công cộng. Sở Văn hóa Hà Nội đang chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng. Bộ quy tắc ứng xử có rất nhiều nội dung, trong đó có định hướng các hành vi ở nơi công cộng, kể cả về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì đây chỉ là bộ quy tắc nên chỉ có tính định hướng nhằm đến cả hai đối tượng là người bán và thực khách. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng phải có những thái độ kiên quyết phản bác vấn đề này, có thái độ lên án về hành vi phi văn hóa, phê phán những người đến ăn là những người đang cổ vũ cho thói phi văn hóa.

Theo các luật sư, hành vi chửi, miệt thị khách hàng của các chủ quán trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Ngoài ra, hành vi của bà chủ quán cũng có dấu hiệu của tội làm nhục người khác khi có lời nói xúc phạm danh dự của khách hàng, mặc dù họ không có lỗi gì. Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự đến mức độ nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong lúc chờ bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng ban hành, trong lúc chờ pháp luật “tuýt còi” các chủ cửa hàng, quán ăn vô văn hóa, hơn ai hết, những khách hàng cần tẩy chay mạnh mẽ, nói không với những quán ăn, cửa hàng này. Có vậy, mới hy vọng dẹp bỏ những “điểm đen” ẩm thực là thảm họa ứng xử văn hóa kinh doanh trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đọc thêm