Chung sống trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có thể nói, năm mới trong “bình thường mới”, ngoài chữ “hồi sinh” còn là “sứ mệnh” vượt lên dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế xã hội. Chúng ta coi những khó khăn, những thích nghi cuộc sống, công việc, thói quen sinh hoạt là bình thường, sau hai năm kiên cường trong đại dịch…
Năm 2022, mở ra những hy vọng - trong bình thường mới. (Ảnh minh họa)
Năm 2022, mở ra những hy vọng - trong bình thường mới. (Ảnh minh họa)

Năm 2022 có thể sẽ kết thúc của COVID-19?

Không ai có thể ngờ đến một ngày, những cụm từ “giãn cách, cách ly, phong tỏa, hồi hương, đứt gãy, bóc tách, vùng cam, xanh, vàng, mỗi gia đình/địa phương là một pháo đài”, ai ở đâu, ở yên đó, chống dịch như chống giặc… lại trở thành thông dụng. Và hai năm qua, chúng ta đã quen dần với điều đó!

Cuộc sống vẫn tiếp diễn qua những mất mát, đau thương. Nếu như người dân không thể đợi hết COVID-19 để quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ở cấp độ quốc gia, Chính phủ cũng xác định thay đổi tư duy chống dịch. Chính phủ quyết định không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đã đến lúc phải thích ứng an toàn khi diện bao phủ vaccine đã khá rộng trên toàn quốc.

Người dân qua cơn hoạn nạn càng quý những giây phút bình an, khỏe mạnh bên người thân, càng tìm cách đùm bọc giúp nhau hơn. Qua đỉnh dịch, phẩm chất của người Việt Nam ngời sáng. Những ngày cận Tết, nhiều lễ hội đã thu hút dòng người đổ xô vào trung tâm chơi lễ, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch khiến nguy cơ tăng cấp độ dịch là rất lớn. Nhiều người dân ăn mừng khi nỗi đau thổn thức, những giọt nước mắt chưa khô trong lễ tưởng niệm hàng chục nghìn đồng bào chiến sĩ qua đời ở TP.HCM. Và trong cả bài học từ việc thoải mái vui chơi từ dịp Lễ 30/4 và 01/05 dẫn đến bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua…

Cảnh báo về nguy cơ đợt dịch mới, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết mặc dù dịch đã qua giai đoạn đỉnh cao nhưng tình hình trên thế giới đang căng thẳng nên nguy cơ trong nước chưa thể chấm dứt được hoàn toàn dịch bệnh. Chính vì vậy, dù nền tảng tốt nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao là một ưu thế, nhưng tất cả người dân phải có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch, thực hiện đúng khẩu hiệu 5K... Đồng thời, sự sẵn sàng chuyển trạng thái, thích ứng để vượt qua đợt lây nhiễm mới này là thật sự cần thiết.

Và để thành công, ngoài tất cả các biện pháp chống dịch, thứ quan trọng nhất vẫn là thái độ của chúng ta với con virus. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của WHO, cho rằng thế giới có đủ công cụ để đối phó với biến chủng Omicron, và năm 2022 có thể sẽ là năm kết thúc của COVID-19.

Cũng như Tổng Giám đốc WHO đã khẳng định, “Chỉ có cùng nhau hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm tất cả mọi người đều được tiếp cận vaccine, thế giới mới có thể quay trở lại thực hiện những điều “mà chúng ta yêu thích được làm cùng nhau, đó là những bữa ăn, những cái ôm, cùng đi tới trường và tới nơi làm việc trong cuộc sống “bình thường mới”.

COVID -19 buộc tất cả trôi nhanh đến vậy!

Đứng trước năm COVID thứ ba, GS.TS Nguyễn Lân Hiếu - (Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội) chia sẻ, là người bước ra từ các tâm dịch cam go nhất, ông cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách về COVID- 19.

Ban đầu, ông cùng đồng nghiệp dự định chia sẻ kiến thức về hồi sức cấp cứu bệnh nhân mắc Covid - mảng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhưng rồi dịch chuyển biến quá nhanh, “Zero COVID” buộc phải chuyển sang chung sống thích ứng an toàn. Thế rồi họ quyết định mời thêm nhiều người ở chuyên ngành khác cùng viết sách để làm cơ sở ra đời ngành COVID học.

Nhóm tác giả biên soạn cuốn “Chẩn đoán và điều trị COVID-19” thuộc nhiều chuyên ngành, bệnh viện, địa phương. Lứa tuổi, kinh nghiệm cũng như học hàm, học vị cũng rất khác, nhưng cùng chung nhiệt huyết, quyết tâm ra đời một sản phẩm hữu ích cho ngành Y nước nhà. Và họ cùng lập một kỷ lục. Từ khi PGS Hoàng Bùi Hải đề xuất ý tưởng cho đến khi bản thảo gần 900 trang vào nhà in chỉ không đầy bốn tháng. Chỉ có COVID mới buộc tất cả trôi nhanh đến vậy. “Đến tuần cuối cùng của năm cũ, tôi mới nhận ra, năm 2021 của tôi lướt qua nhanh đến nỗi, mọi việc tưởng như bộ phim vừa xem trong giây lát. Một cái Tết con Trâu vui vầy với thành quả chống dịch được thế giới khen ngợi. Những sách lược thành công, những anh hùng chống dịch, chiến thuật đánh đuổi giặc COVID với mục tiêu “zeroCOVID ” ở mọi ngóc ngách Việt Nam được coi là thành công mỹ mãn... Cho đến những ngày cuối tháng tư, sắp bước vào nghỉ lễ, ổ dịch chủng mới Delta phát hiện ở TP HCM.

Với những gì virus gây ra ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, chính bản thân tôi là người ủng hộ “zero COVID” khi chương trình tiêm chủng diện rộng chưa bắt đầu. Chúng tôi đã nhắn tin, gọi điện tới các vị lãnh đạo xin được giãn cách xã hội dù ngắn ngày để gói gọn "con Delta" vô cùng phức tạp này.

Biết bao cố gắng của cả hệ thống và toàn dân đã đổ ra, nhưng hậu quả của cơn bão tràn qua thật khủng khiếp mà một người ở tâm dịch suốt ba tháng như tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Những tổn thất là bài học đắt giá mà chúng ta luôn phải ghi nhớ. Những cường quốc y tế với phương tiện cấp cứu hồi sức hiện đại còn không giảm được tỷ lệ tử vong khi dịch bùng phát, trong khi một hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương còn thiếu và yếu như chúng ta làm sao xoay chuyển được tình hình? Ai cũng thấy sự dũng cảm và ý chí của những người tham gia chống dịch, nhưng với “vũ khí” thô sơ, ta đã không ngăn được cơn đại hồng thủy. Chúng ta đã không giữ lại được nhiều mạng sống cho người dân Nam bộ trong những tháng hè khốc liệt năm qua”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, những tháng cuối năm này, số ca nhiễm vẫn tăng chóng mặt, nhưng tình huống đã hoàn toàn khác. Vaccine đã được phủ diện rộng và tỷ lệ tử vong rơi chủ yếu vào nhóm chưa tiêm, bệnh nền nguy hiểm. Hệ thống y tế cũng đã kinh nghiệm hơn với việc phát hiện và điều trị ca tăng nặng. Việc điều trị cách ly người nhiễm tại nhà đã được xã hội chấp nhận. Tâm lý nghi kỵ người nghi nhiễm đã không còn vì ai trong chúng ta cũng có thể là F0 hay F1.

“Phải làm gì để một năm mới tốt đẹp hơn? Như cuốn sách về COVID sắp xuất bản, tôi tin rằng chiến lược coi COVID như một bệnh, một chuyên khoa là hướng đi tất yếu trong thời kỳ thích ứng an toàn - cụm từ tôi tâm đắc. Có xem COVID như một bệnh lý chuyên khoa, ta mới có thể yên tâm quay lại cuộc sống bình thường. Chỉ khi nắm chắc được sinh bệnh học, diễn biến tự nhiên và các biến chứng... tỷ lệ tăng nặng và tử vong sẽ được khống chế. COVID -19 sẽ như những đại dịch bùng phát dữ dội rồi thoái triển thành một loại cúm mùa mà lịch sử nhân loại từng chứng kiến”, GS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Để được an toàn, GS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chúng ta cần thay đổi cách đối xử với y tế. Củng cố lại hệ thống chữa bệnh từ cấp nhỏ nhất là phường, xã, huyện; xây dựng khoa truyền nhiễm tách khỏi khu điều trị thông thường từ các bệnh viện huyện đến trung ương; trang bị máy móc, thuốc men, phương tiện phòng hộ, kit test... đầy đủ là nhiệm vụ của cả chính quyền chứ không riêng ngành Y. Đầu tư nhiều hơn vào con người với việc đào tạo nhân viên y tế bài bản, bảo đảm thu nhập và tạo hướng đi để phát triển chuyên môn là căn cơ để có một ngành Y thành công trong mắt xã hội.

“Cuối cùng là đầu tư vào khoa học. Việt Nam có thể thúc đẩy chuyên ngành COVID học; nghiên cứu, thử nghiệm và tự sản xuất vaccine một cách bài bản; phối hợp sản xuất các thuốc kháng virus chất lượng và giá thành phù hợp ngay trong năm 2022. Khi các hướng dẫn khoa học và dễ hiểu được cập nhật liên tục, người dân không hoảng loạn bấu víu vào những luận cứ phi khoa học nữa. Những việc quan trọng này chỉ một mình Bộ Y tế không thể thành công. Sự đồng thuận từ trên xuống dưới của mọi cấp chính quyền theo tôi là chìa khoá để mở ra một năm 2022 khác biệt cho đất nước”…

Không ngưng hy vọng!

GS.TS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah, Hoa Kỳ trải lòng: “Với tôi, cuộc đời như dòng sông, không bao giờ thẳng. Bị chặn đầu này, nước sẽ chảy đầu kia. Nhưng tôi cũng biết, với nhiều người, năm 2021 trôi qua trong loay hoay, mọi thứ dừng lại hay chậm hẳn ngoài tầm kiểm soát. Cuộc đời đã nhiều lần dạy tôi rằng: Trong nguy có cơ.

Cuộc sống này có rất nhiều thứ không nằm trong kiểm soát của chúng ta. Một ngày, bạn vào công ty thì nhận tin mất việc trong khi là trụ cột gia đình. Một ngày, biến cố ập đến, thanh danh và sự nghiệp bạn cố công gầy dựng tan biến. Một ngày, người bạn đời nói với bạn rằng không thể sống chung trọn đời và ra ở riêng ngay. Một ngày, cả gia đình bị dương tính với COVID-19. Một ngày, thiên tai ập đến, nhà cửa và tài sản bị cuốn đi. Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà bạn không thể kiểm soát, như trời ngày mai sẽ mưa hay nắng. Dù có tiền, có quyền lực, có tất cả, ta cũng không thể kiểm soát thế giới này. Chúng ta sẽ làm gì?

Hy vọng là một trạng thái tâm lý, cảm xúc mạnh mẽ đi kèm niềm tin rằng hoàn cảnh của mình sẽ tốt hơn, thiết lập ngay các kế hoạch thiết thực và bắt tay hành động. Hy vọng khác với ảo vọng - những ao ước không có thật như “trời cho”, hay hư vọng - tin tưởng những điều xác suất xảy ra rất thấp như “trúng số độc đắc”.

Hy vọng có những mục tiêu thực tế, rõ ràng, đồng thời có lộ trình để đạt mục tiêu. Nhưng hy vọng xuất phát từ trái tim chứ không phải trên đầu. Do đó, ta không thể dùng lý trí để bảo một người “hãy hy vọng” mà phải giúp họ có động lực từ bên trong. Vậy, bạn có bao giờ mất đi niềm hy vọng? Bạn có để ý mình thường nghĩ gì về chính bản thân?”…

Đọc thêm