1. Vào một buổi sáng lạnh mùa đông năm 2007, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet… trong vòng 45 phút. Trong khoảng thời gian ấy có khoảng chừng hai ngàn người đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ. Dường như không một ai có vẻ chú ý đến sự có mặt của anh.
Sau khoảng ba phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sỹ đang đứng đó chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.
Bốn phút sau:
Người nhạc sỹ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: Một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh và không hề dừng lại, tiếp tục bước đi.
Sáu phút:
Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại tiếp tục bước đi.
Mười phút:
Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp. Ðứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sỹ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại. Và điều này đã cũng xảy ra với nhiều đứa bé khác. Cha mẹ nào cũng đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên.
Bốn lăm phút:
Người nhạc sỹ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng.
Chỉ có sáu người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi. Khoảng chừng hai mươi người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường và không hề dừng lại. Chàng nhạc sỹ ấy thu được tổng cộng là 32 đô la.
Một giờ sau:
Anh ta ngừng chơi, không gian im lặng trở lại. Không ai chú ý đến anh. Không một tiếng vỗ tay và cũng không một lời tán thưởng.
Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sỹ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới. Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3,5 triệu đô la.
Joshua Bell- nghệ sỹ vĩ cầm lừng danh, người ta có thể trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh! |
Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la. Ban tổ chức sẵn sàng trả 1.000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!
Ðây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, chơi đàn trong giờ cao điểm.
Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.
Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.
Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: Chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình và trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không?
2. Trang Trịnh, nghệ sỹ đàn Piano từ nhiều năm trước đã khẳng định mình ở những sân chơi quốc tế, trong thời gian giãn cách vừa qua, cô đã có ý tưởng mà theo cô có phần “điên rồ” về 24 tiếng liên tục của âm nhạc như một cái ôm, ôm lấy trái đất, ôm lấy nhau, trong lúc chúng ta đang phải cách ly, giãn cách xã hội, đã thành sự thật. “Thực sự 24 giờ ấy là 24 giờ không thể nào quên được đối với Trang. Không thể đưa được hết những người góp phần làm nên thành công của 24 hours “music marathon” vào video này, nhưng mong bạn sẽ tìm thấy một chút hạnh phúc và bình an khi xem video này”...
Nghệ sĩ vẫn hay đùa nhau, một cách chua chát, về chuyện người ta cứ bắt họ chơi nhạc miễn phí và sống bằng đam mê. Như thể họ thực sự có thể ăn dây đàn, uống phím trắng. Nhưng sâu trong thâm tâm họ, cả khi họ ghét cay ghét đắng những yêu cầu theo kiểu “chơi cho một bài nào, tiếc gì” hay “kèm cho cháu nó mấy buổi xem thế nào”, hay “em diễn đi, buổi này có thể mở rộng quan hệ và lăng xê tên tuổi nên chỉ có phí tượng trưng thôi” - họ vẫn cứ miệt mài, thậm chí là thích thú, khi được làm nghệ thuật.
Họ gạt phăng sự cầu toàn vẫn cấm khán giả livestream và quay lại các bài biểu diễn. Giờ họ tự livestream. Họ lại ăn dây đàn và uống phím trắng, sống bằng đam mê, mặc cho việc họ đã tiên đoán rằng cha mẹ sẽ cắt phăng ngay đầu tiên giờ học “ngoại khoá” cảm thụ âm nhạc sau khi dịch tan và khán giả sẽ còn lâu mới lại bỏ tiền đi xem hoà nhạc. Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và nền công nghiệp “phụ trợ” của họ chắc cũng sẽ còn lâu mới được hưởng bất kỳ sự giải cứu nào.
Không biết kết cục của họ sẽ ra sao, bao nhiêu người sẽ phải “tái cơ cấu ngành”, vì ngành của họ thậm chí còn không xuất hiện trong các bản phân tích dự báo, mà có thể có, trong ngạch công nghiệp phụ trợ chăng?
Không sao, tàu Titanic có chìm cũng phải chìm trong tiếng nhạc. Họ đã biết nghĩa vụ ấy của mình từ những ngày theo thầy học nghề mấy chục năm nay. Việc của hoa là nở, của chim là bay, của đàn là phải cất lên những giai điệu hay và cần nhất là lúc này. Điều tuyệt vời là chúng ta đang nhận ra mình giàu có…
Và như thế, cái đẹp, trong mọi hoàn cảnh, luôn là tia nắng ấm áp và thương yêu. Như những cái ôm, những món quà vô giá được trao đi… Nhưng chỉ rất ít người nhận ra, người nghệ sỹ dành cả cuộc đời để mang những thanh âm của một thế giới trong ngần, tinh khôi đến với mỗi chúng ta. Cũng như hàng ngàn người bước qua, chỉ có một người duy nhất, nhận ra Joshua Bell, một trong những nhạc sỹ vĩ cầm nổi danh nhất thế giới, đang chơi nhạc ở bến tàu điện ngầm trong một ngày thường vội vã… Cũng như, nếu không có những ngày sống chậm, chúng ta không dễ để gặp các nghệ sỹ danh tiếng một cách đời thường trong nước và thế giới, cùng hòa ca thanh âm suốt 24 giờ, như một vòng tay lớn, một cái ôm…