Chung tay giúp đỡ nạn nhân, đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chất độc da cam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Đến nay, hợp tác nhân đạo giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trao quà cho những NNCĐDC tỉnh Sóc Trăng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trao quà cho những NNCĐDC tỉnh Sóc Trăng.

Khắc phục hậu quả, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1/2004) đến tháng 12/2020, số tiền vận động Quỹ NNCĐDC đạt hơn 2.663 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước là gần 1.745 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân ngoài nước gần 134,6 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền gần 784,2 tỷ đồng.

Từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2020, các cấp hội đã chi giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.536 tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ sở bán trú tại 26 địa phương (hơn 168 tỷ đồng), chi xây dựng gần 6.750 căn nhà tình nghĩa (tổng trị giá hơn 280 tỷ 159 triệu đồng), trợ cấp gần 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ tết, khám chữa bệnh, vốn sản xuất… hơn 3.860.250 suất (tổng trị giá hơn 548 tỷ đồng); hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền 539.095 suất (tổng trị giá hơn 537 tỷ đồng).

Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.

Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường (Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỉ lệ dân thường so với tổng số nạn nhân là 70,7%, 75,4%, 67,9%); 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu.

Đa số hộ NNCĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí.

Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Gia đình chị Phạm Thị Thủy, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có ba con bị di chứng CĐDC.

Gia đình chị Phạm Thị Thủy, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có ba con bị di chứng CĐDC.

Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các NNCĐDC.

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân là trách nhiệm, nghĩa tình của tổ chức hội các cấp. “Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Các hình thức được áp dụng rộng rãi gồm: Thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, học nghề; giúp tìm việc làm; giúp làm nhà, sửa nhà; xây dựng cơ sở bán trú, phục hồi chức năng; các cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe; nuôi dưỡng thường xuyên…”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.

Nhiều cơ sở nuôi dưỡng bán trú cho NNCĐDC được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt người. Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC của Trung ương Hội và của các tỉnh Hội: Thái Bình, Gia Lai… từ khi thành lập đến nay đã tổ chức khám bệnh, nuôi dưỡng, tẩy độc, phục hồi chức năng… cho hàng ngàn lượt người.

Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC thuộc các tỉnh, thành Hội: Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Ngãi… thường xuyên nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 400 nạn nhân; luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt người.

Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ khắc phục hậu quả chất độc hóa học

Cùng với quan hệ song phương, những năm qua, sự phối hợp, hợp tác của Chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam khắc phục hậu quả CĐDC đã có những bước tiến đáng kể. Tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton, hai bên đã thỏa thuận phối hợp với nhau nghiên cứu về ảnh hưởng của CĐDC ở Việt Nam.

Chuyến thăm dẫn đến việc thiết lập Ủy ban Tư vấn hỗn hợp (JAC) để giám sát việc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu về CĐDC ở Việt Nam. JAC có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ hai nước triển khai phối hợp khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam.

Các cuộc gặp cấp cao hai nước tiếp theo đó là những mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tháng 11/2006, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ G.Bush, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.

Sau chuyến thăm của Tổng thống G. Bush, từ năm 2007 Quốc hội Mỹ bắt đầu phê duyệt ngân sách hằng năm cho Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam, trước hết là nghiên cứu tẩy độc dioxin ở 3 “điểm nóng” là các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.

Ngày 9/8/2012, chính thức khởi công thực hiện Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”.

Cuộc gặp cấp cao ngày 23/5/2016 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, sau tẩy độc ở Đà Nẵng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tẩy độc ở Biên Hòa (Đồng Nai). Sau cuộc gặp cấp cao ngày 23/11/2017 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Mỹ tuyên bố sẽ chi 390 triệu USD cho việc tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.

Tính đến tháng 5/2020, tổng kinh phí đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để Chính phủ Mỹ (cụ thể là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) phối hợp với phía Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là 328 triệu USD.

Đến nay đã hoàn thành chương trình tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng (xử lý 90.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 104 triệu USD); bắt đầu triển khai tẩy độc ở sân bay Biên Hòa (dự kiến xử lý 500.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 390 triệu USD, trong 10 năm).

Hoàn thành tẩy độc dioxin và bàn giao 13,7 ha đất sạch đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.

Hoàn thành tẩy độc dioxin và bàn giao 13,7 ha đất sạch đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, về hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), tính đến tháng 4/2020, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có NNCĐDC.

Chính phủ Mỹ đang thực hiện chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và đã thỏa thuận thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐHH (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum).

Phía Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam để thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.

Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.

Đọc thêm