Chương trình giảm nghèo ở TP.Hồ Chí Minh: Kỳ công con số 1%

(PLO) - Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, hộ nghèo theo tiêu chí của địa phương này chỉ còn khoảng 1%. Đặc biệt, có 12 quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo… Những con số trên là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác suốt 23 năm qua.
Mô hình trồng hoa lan của người dân quận 9, TP.HCM
Mô hình trồng hoa lan của người dân quận 9, TP.HCM
Chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố được tổ chức, thực hiện liên tục từ năm 1992 đến nay. Theo đó, trong mỗi giai đoạn, TP.HCM đều có cách điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo cho phù hợp với thực tế và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Chẳng hạn đến năm 2015, mức chuẩn hộ nghèo được xác định là thu nhập bình quân dưới 16 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2,7 lần so với mức chuẩn của quốc gia).
Hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo có vốn
Trong 23 năm (1992 - 2015), Chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá) của TP.HCM được chia  làm 4 giai đoạn với 7 lần nâng chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số giá sinh hoạt và mức sống của người dân. 
Theo đó, mức thu nhập để xác định hộ nghèo hiện nay là dưới 16 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo là dưới 21 triệu đồng/người/năm, thống nhất cả nội thành và ngoại thành; cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là 2,7 lần; tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế (2USD/người/ngày). 
Với tổng nguồn vốn huy động trong 23 năm đạt 7.136.218 tỷ đồng, Chương trình đã giúp hàng triệu lượt người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để sản suất; 33.323 lao động được miễn giảm học phí đào tạo nghề; giải quyết cho hơn 510.000 lao động nghèo có việc làm ổn định có thu nhập, tích lũy vượt được chuẩn nghèo, cận nghèo; đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm, dịch vụ và sản phẩm cho xã hội, đóng góp một phần không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. 
Chị Phan Thị Thu Nguyệt, một hộ nghèo ở 19D Bà Lài, quận 6 nhờ nguồn vốn nói trên đã khởi sự làm ăn và xây được căn nhà tường gạch, mái tôn thay cho căn nhà liêu xiêu, dột nát trước đây. “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà hơn 20m2, cứ mưa là ngập trước, dột sau. Cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định nên thường xuyên thiếu ăn. Từ khi vay được vốn xóa đói giảm nghèo, tôi buôn bán rau củ tại chợ, còn chồng mua được chiếc xe máy vừa để đi làm vừa chạy xe ôm. Cuộc sống gia đình dần dần ổn định”, chị Nguyệt nói.
Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, để thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo, thành phố đã tập trung huy động nhiều giải pháp hay, nhiều cách làm hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo vay vốn làm ăn. 
Tính đến tháng 6/2015, khi kết thúc Chương trình xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2014-2015, toàn thành phố chỉ còn 1,03% hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân từ dưới 16 triệu đồng/người/năm và 2,64% hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm. Đến nay đã có 8/24 quận huyện không còn hộ nghèo giai đoạn 2014-2015. 
Hiện nay trên địa bàn thành phố, hộ nghèo theo tiêu chí thành phố còn khoảng 1%, đặc biệt có 12 quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn hộ nghèo thành phố thoát được chuẩn nghèo theo từng giai đoạn mà chính là mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo đã được cải thiện đáng kể trên các mặt. 
“Qua 23 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo của thành phố đã trải qua 4 giai đoạn. Từ giai đoạn 2, Chương trình được vận hành theo cơ chế xã hội hóa. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững và phát huy phong trào quần chúng, chăm lo cho người nghèo, là phương pháp khơi dậy sức dân chăm lo cho người dân. Thực tế ở hầu hết các quận, huyện đều có hàng loạt doanh nghiệp nhận giúp đỡ học bổng, hỗ trợ dạy học nghề tạo việc làm, tặng bảo hiểm xã hội và y tế … cho các hộ nghèo”, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét. 
Việc làm – giải pháp  thoát nghèo bền vững
Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở… đồng thời sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo theo hướng giảm nghèo bền vững. 
Theo đó, để chuyển sang giai đoạn mới giảm nghèo bền vững, thành phố đề ra một số nhiệm vụ, chủ yếu là tập trung phát triển kinh tế, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản. 
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cho rằng, muốn xóa nghèo bền vững thì cả xã hội và toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Nếu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển thì sẽ giải quyết rất lớn nguồn lao động. 
Hiện nay, thành phố có khoảng 250.000 doanh nghiệp, vì thế nếu bố trí việc làm được cho vài trăm ngàn lao động thì sẽ giải quyết được phần lớn nguồn lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân. “Do vậy, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục có sự hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, từ đó góp phần thiết thực cho xã hội, tham gia chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững”, ông Minh đề xuất.
Xã hội hóa công tác giảm nghèo 
“Chương trình giảm nghèo của thành phố đã trải qua 4 giai đoạn. Từ giai đoạn 2, Chương trình được vận hành theo cơ chế xã hội hóa. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững và phát huy phong trào quần chúng chăm lo cho người nghèo, là phương pháp khơi dậy sức dân chăm lo cho người dân. Thực tế ở hầu hết các quận, huyện đều có hàng loạt doanh nghiệp nhận giúp đỡ học bổng, hỗ trợ dạy học nghề tạo việc làm, tặng bảo hiểm xã hội và y tế … cho các hộ nghèo”. Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Đọc thêm