Chương trình sách giáo khoa: rối và thiếu

Vừa qua, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố dự thảo mới nhất kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại hội nghị lấy ý kiến các nhà giáo dục, chuyên gia về vấn đề này…

Vừa qua, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố dự thảo mới nhất kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại hội nghị lấy ý kiến các nhà giáo dục, chuyên gia về vấn đề này…

Chồng chéo, rối

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH chỉ ra hàng loạt bất cập như, SGK vẫn còn một số sự trùng lặp, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học.

Dung luợng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Kiến thức  ở một số cuốn sách tái bản nhưng chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi. Một số nội dung bài tập cao hơn so với yêu cầu của chương trình.

Cần có một bộ sách giáo khoa chuẩn, mới mong chất lượng giáo dục đi lên

SGK một số môn kiến thức còn bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng, thiếu liên thông, việc lựa chọn khối lượng và tính chất các đơn vị kiến thức đưa vào CT-SGK còn thiếu tính sư phạm, quá tải về nội dung và chưa gắn với thực tiễn.

Còn có sai sót về kiến thức chưa chính xác về khái niệm, thuật ngữ khoa học, chưa có sự thống nhất về chính tả, nội dung SGK chưa tính đến điều kiện vùng miền, do đó chưa phù hợp với trình độ nhận thức đa dạng của học sinh, đặc biệt là HS ở vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số.

Bà Lê Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đồng quan điểm: Nội dung CT-  SGK hiện hành mới chú trọng đến kiến thức cơ bản, chưa chú trọng việc tích hợp một cách hợp lý vào môn học có kỹ năng sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp…

Để giải quyết tình thế, trường Hà Nội Ams đã đưa ra giải pháp biên soạn lại CT, bổ sung thêm nội dung và đầu sách tham khảo trên cơ sở kế thừa các ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế của các chương trình; khích lệ GV tự học, đổi mới phương pháp giảng dạy…

Lệch lạc- học để thi

Về mục tiêu phân luồng thể hiện rõ nét sự phá sản của chương trình phân ban THPT. Trên thực tế, tổ chức dạy học theo mô hình phân ban gần như không còn ý nghĩa mà thực chất vẫn là phân hoá theo khối thi đại học.

Theo tổng kết của Bộ GD- ĐT, sau 3 năm triển khai đại trà phân ban, năm học 2008-2009 cả nước có gần 84% HS lớp 10 học ban cơ bản, hơn 14% học ban KHTN, xấp xỉ 2%  học ban KHXH và NV. Qua giám sát tại các cơ sở giáo dục cho thấy, hiện nay học sinh ở các truờng PT đều theo học ban cơ bản. Như vậy, việc phân ban để thực hiện mục tiêu học phân hoá đã không thành công.

Phân tích các nguyên nhân của yếu kém, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên - TS Phạm Hồng Quang chỉ ra thói quen xã hội của giáo viên và gia đình học sinh cho rằng đi học gắn liền với thi cử và bằng cấp, ít quan tâm đến học kỹ năng hoạt động, kỹ năng sống.

Theo ông Quang, hiện các môn học được hiểu lệch lạc chỉ như một điều kiện để thi đỗ các cấp và đại học nhiều hơn là xác định lĩnh vực cần học tập với tri thức nền tảng để tham gia vào đời sống xã hội.

GS.TS Nguyên Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Có một thực tế là ở các tỉnh, hầu hết các trường CĐSP đã chuyển sang mô hình trường đa ngành của địa phương. Hiện không có một đánh giá chính thức nào về chất lượng đào tạo GV trình độ CĐSP ở các trường này được duy trì hay là đi xuống? Còn chất lượng lên cao là điều khó tin được, khi mà nhiệm vụ đào tạo GV không còn là nhiệm vụ trọng tâm của trường,

Về CT GD- PT thì có thể nói đã bị biến dạng trong nhiều quá trình triển khai, đặc biệt với việc tích hợp, lồng ghép thô cứng nhiều nội dung. Cùng với đó là sự cắt xén CT nhằm giảm tải.

Nhiều ý kiến nhà giáo dục cũng cho rằng, ở không ít môn, chương trình bộ môn thấp so với các nước trong khu vực, nhưng vẫn quá tải.

Uyên Na

Đọc thêm