Người phụ nữ đầu tiên chủ tọa lễ Giáng sinh ở Việt Nam
Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già No-el, cây Giáng sinh và cây thông no-el.
Trong nhiều thế kỷ, những nhà ghi chép Ki-tô giáo chấp nhận Giáng sinh là ngày Jesus được sinh ra đời. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày Giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với đông chí ở Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12.
Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày Giáng sinh được xác định ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước người Kitô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ cuối tháng 12…
Được biết lễ Giáng sinh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là do một người phụ nữ chủ toạ, đó là bà Maria Mađêlêna Minh-Đức Vương Thái Phi. Bà Minh-Đức là vợ Chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của Hoàng Tử Nguyễn Phúc Khê, tước hiệu Vương Phi, được đứng đầu hàng Thứ phi. Năm 1625 đã ngoài 50 tuổi, bà gia nhập đạo Công giáo tại Thuận Hóa do giáo sĩ Francisco di Pina rửa tội cho bà với tên Thánh là Maria Mađalêna, có sự chứng kiến của giáo sĩ Đắc Lộ.
Cuộc đời và sự nghiệp rao giảng Tin Mừng của bà Minh-Đức đã được sử gia Phạm Đình Khiêm, một người chuyên nghiên cứu và viết về mảng lịch sử Giáo hội Việt Nam, qua tài liệu tra cứu giá trị rất công phu, trong đó tác giả đã cho ra mắt cuốn “Minh-Đức Vương Thái Phi” do tủ sách Tinh Việt Văn Đoàn xuất bản năm 1957. Qua tập sách này, ta có thể tìm hiểu và biết được dung mạo người phụ nữ đạo đức, đáng kính này.
Bà Minh-Đức Vương Thái Phi qua đời vào năm 1649, hưởng thọ 80 tuổi, thủ tiết 36 năm, trong đó có 24 năm lo giảng đạo, làm việc tông đồ mở mang nước Chúa để lại tấm gương nhân đức chiếu rạng khắp triều đình. Hành động của bà ảnh hưởng lớn đến dân chúng và danh tiếng bà luôn ghi dấu trong sử sách. Bà còn được các giáo sĩ truyền giáo coi như linh hồn của đạo Công giáo thời bấy giờ.
Từ khi được truyền vào Việt Nam đến nay đạo Công giáo, Tin lành đã có ảnh hưởng tới xã hội với sự xã hội hoá các ngày lễ Công giáo như Giáng sinh, Phục sinh. Dù ít hay nhiều, các ngày lễ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người dân.
Một nét Việt hóa riêng có, hài hòa
Lễ Giáng sinh ở Việt Nam hiện nay đã trở thành một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke.
Rất nhiều người nước ngoài đón giáng sinh tại Việt Nam và thực sự thích không khí ấm cúng, yên bình nhưng không kém phần sôi động. Tuy cách đón Giáng sinh của người theo đạo và không theo đạo có những nét khác biệt, nhưng điều đó thực sự không quan trọng.
Có lẽ, hầu hết mọi người đều biết về ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, Noel còn là ngày lễ của gia đình, là dịp đặc biệt để mọi thế hệ trong gia đình cùng quây quần bên nhau. Trong dịp này, những thành viên sẽ tạo dựng kỉ niệm, biểu lộ và duy trì tình cảm với nhau.Noel cũng có thể được coi là một buổi lễ của trẻ em.
Đêm Giáng sinh là một đêm kỳ diệu mà mọi ước nguyện của những đứa trẻ sẽ trở thành sự thật. Ngoài ra, ngày lễ Giáng sinh còn mang theo thông điệp của hòa bình, mọi người cùng sẻ chia với những người cô đơn, già yếu, bệnh tật hay những ai bị bỏ rơi…
Nhìn chung các lễ hội mang tính cộng đồng cao, sinh hoạt đơn giản, không mang quá nhiều màu sắc tâm linh huyền bí đều được đón nhận nhanh chóng và trở nên phổ biến. Tuy nhiên lí do khiến lễ Giáng sinh hay cũng như nhiều sinh hoạt văn hoá khác được chào đón tại Việt Nam là từ phía con người và xã hội Việt.
Việt Nam được biết tới như một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, trong suốt chiều dài lịch sử, trong thời bình hay trong thời kỳ chịu áp bức đô hộ chiến tranh, nền văn hoá Việt Nam luôn vận động luôn chuyển mình thích ứng nhưng “hoà nhập” mà không hoà tan.
Người Việt là vậy, tiếp nhận các sinh hoạt tôn giáo mới một cách nhanh chóng, làm cho nó trở nên “Việt hoá” là một cái hay trong việc hoà hợp các tôn giáo, sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam. Tinh thần đoàn kết tôn giáo của người dân, việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn.
Chính vì thế, dẫu văn hoá của dân tộc Việt là lớn nhất và Phật giáo là phổ biến nhất. Thế nhưng, trong suốt chiều dài lịch sử, dù trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc hay gần 100 năm Pháp thuộc, Việt Nam vẫn bảo tồn và phát triển nền văn hoá của mình, không bị Hán hoá, không bị Tây hoá và không có sự phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Thêm nữa, tính cách chung của người Việt cũng được nhận định là vui vẻ, cởi mở, tạo ra một không gian văn hoá, một thế sinh hoà bình, vui vẻ, ổn định cho người dân.
Cùng với đó là nguyên tắc “không chối từ, không kì thị” là một công cụ hữu hiệu cho sự hoà hợp của văn hoá, tín ngưỡng tại Việt Nam. Trong nửa đầu thế kỷ 20, cùng với văn hoá phương Tây, người Việt đã nhận về những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của nhân loại, như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân chủ.
Những giá trị này đã được chào đón nồng nhiệt bởi tinh thần dung hoà của người Việt. Khi mà qua thời gian, các tôn giáo cũ và mới như tôn giáo dân gian, Phật giáo, Công giáo, đạo Cao đài, Hoà Hảo… đều phát triển, các triết thuyết phương Tây đương đại như triết học Mác, phân tâm học, chủ nghĩa thực chứng, … du nhập vào Việt Nam.
Đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 với nhiều cải cách và đổi mới chính sách kinh tế, tư duy chính trị đã tạo một bước phát triển mới truyền thống dung hoà văn hoá -tôn giáo của dân tộc với những luồng văn hóa mới.
Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hay thông nhân tạo làm bằng nhựa, không phải cây thông như ở các nước phương tây thường là họ Bách tán. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây…
Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những cặp đôi yêu nhau âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của Santa, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc… Có thể nói, cũng giống như ngày Tết, Giáng sinh là mùa tận hưởng những điều đơn giản làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.
Có thể bạn sẽ có những kỷ niệm tuyệt vời, vĩnh viễn chạm vào trái tim của bạn trong những ngày cuối năm này. Không chỉ có những nụ cười mà đôi khi những giọt nước mắt cũng là hạnh phúc, không có tình yêu vĩnh cửu, mà chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu. Bởi Giáng sinh là một điều cần thiết.
Phải có ít nhất một ngày trong năm để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở đây vì một điều gì khác ngoài chính chúng ta, đó chính là sự quan tâm, yêu thương dành cho người khác.
Và như thế, đích đến của tôn giáo nào cũng nhằm hướng con người đến cái thiện, đến chân thiện mỹ, đến những việc làm tốt đẹp cho mọi người. Vậy nên, mỗi người có một tôn giáo, một niềm tin riêng, nhưng tình người luôn ấm áp, an lành, sự hòa hợp vui vẻ giữa những người khác nhau về quê hương, tôn giáo… Ấy là những thời khắc thiêng liêng khi chuông giáo đường vang lên, cho những yêu thương được lan tỏa trong mùa Giáng sinh lạnh giá…