Thiết nghĩ, để dung hoà hai câu chuyện này, cần có những giải pháp sáng tạo, phù hợp với thời đại. Đơn cử, thu phí chụp ảnh tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Rwanda.
Thưởng lãm nghệ thuật kiểu check-in
“Đi triển lãm ngày nay thấy người xem ít mà người tạo dáng, check-in chụp ảnh thì nhiều. Các bạn vô tư đứng che hết cả tranh, đứng, ngồi, uốn éo trước tranh để có bức hình đẹp. Có bạn chụp hình xong còn vô ý tứ chạm tay trần vào mặt tranh sơn dầu.
Hình ảnh đó mình thấy phản cảm, vô ý thức, thể hiện các bạn có rất hạn chế kiến thức hội hoạ.” – Bạn Thảo (Hà Nội) phản ánh lại sau khi tới triển lãm “Những giấc mơ kéo dài” và “Bên trong Thành phố” vào khoảng giữa tháng 9 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA.
Nhiều bảo tàng cấm hoặc hạn chế chụp ảnh để bảo vệ các quyền sở hữu của mình liên quan tới tác phẩm |
Đáng nói, từ ngày mở cửa vào năm 2017, Trung tâm này đã trở thành một trong những địa điểm check-in, sống ảo của giới trẻ. Cụ thể khoảng tháng 3/2019 diễn ra triển lãm “Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh & tác phẩm” tại VCCA, nhiều người xem tranh đã rất bức xúc khi nhiều bạn trẻ tới triển lãm không để thưởng tranh mà chỉ coi những bức tranh nổi tiếng là background để chụp hình.
Vô hình chung, “chụp hình hay không khi đi triển lãm” lại trở thành là một câu hỏi khuấy động giới dư luận.
Một hành động quen thuộc của giới trẻ là ghi lại trải nghiệm sống cuả mình bị “ném đá”, gắn mác “kém văn hoá”, “không tôn trọng tác giả”. Có thể nói, tình trạng đi thưởng thức nghệ thuật kiểu check-in đến nay vẫn tiếp diễn ở các cuộc triển lãm, nhiều bảo tàng khác nhau. Thậm chí, dù đã có biển quy định không quay chụp, có nhân viên ra nhắc nhở, dù làm phiền người khác, những nhiều bạn trẻ vẫn cố tình làm trái.
Giải thích cho lý do vì sao các bảo tàng trên thế giới hạn chế hoặc cấm chụp ảnh, theo tờ Telegraph (Anh) đã đưa ra 5 lý do như sau. Đầu tiên, đèn flash của máy ảnh, phát ra ánh sáng cực mạnh, có thể gây nên tổn thương tới lớp sơn, màu của các bức tranh đã được vẽ từ lâu. Phí phục hồi cho các bức tranh bị hư tổn rất đắt đỏ.
Thứ hai, loại bỏ máy ảnh sẽ cải thiện trải nghiệm của khách xem tranh. Thật khó để thưởng thức một bức tranh khi mọi người đang đứng trước mặt để chụp ảnh tự sướng bằng gậy selfie, đôi khi va chạm vào người khác để chiếm được vị trí đẹp trước bức tranh. Không những thế, mọi người dừng lại để chụp ảnh cũng tạo ra tắc nghẽn giao thông.
Cảnh đứng chắn trước tác phẩm nghệ thuật ở VCCA |
Thứ ba, ngăn chặn chụp ảnh đảm bảo sự độc quyền về sử dụng và khai thác hình ảnh đối với các bức tranh bảo tàng có quyền sở hữu. Cửa hàng quà tặng, sách, áp phích và bưu thiếp là nguồn hợp pháp duy nhất cho hình ảnh chất lượng cao của một bức tranh, bức tượng hoặc căn phòng nổi tiếng. Thứ tư, liên quan đến vấn đề an ninh, cấm chụp ảnh nhằm ngăn chặn những kẻ trộm hoặc những kẻ khủng bố xác định điểm yếu trong hệ thống báo động và camera giám sát thông qua tia hồng ngoại của máy ảnh trên smartphone.
Lý do cuối cùng được đưa ra là, việc chụp ảnh và chia sẻ tràn lan trên Internet vi phạm bản quyền tác phẩm. Bản quyền được thiết kế để bảo vệ tác giả của các tác phẩm, đảm bảo người sáng tạo được trả tiền bất cứ khi nào ai đó muốn để tái tạo tác phẩm thành bản sao.
Dung hoà lợi ích
Bảo tàng và triển lãm thường có những bộ sưu tập có giá trị, không chỉ về mặt nghệ thuật. Một số tác phẩm nghệ thuật rất khó định giá, thậm chí là vô giá. Việc cấm chụp hình có thể đem đến lợi ích nhất định cho ban quản lý bảo tàng, đơn vị tổ chức triển lãm về bảo tồn các tác phẩm được trưng bày, đồng thời tăng trải nghiệm cho người thực sự quan tâm đến nghệ thuật, là người mua tranh tiềm năng.
Tuy vậy, việc cấm chụp hình khi tham quan triển lãm, bảo tàng trong xã hội hiện đại ngày nay, hầu hết ai cũng có smartphone, dường như đang đi ngược lại mong muốn chung của phần đông mọi người. Không phải ai cũng chụp ảnh để sống ảo. Có nhiều người đơn giản chỉ mong muốn chụp lại những bức ảnh ảnh tượng để lưu lại trải nghiệm sống của mình.
Do vậy, nhiều bảo tàng trên thế giới đã linh hoạt và thích nghi với xu hướng trên để đảm bảo lợi ích của cả hai bên, vừa đảm bảo nguồn thu cho bảo tàng, triển lãm, vừa đảm bảo trải nghiệm và đáp ứng mong muốn của người xem tranh. Ở một số bảo tàng nghệ thuật tiêu biểu ở Hoa Kỳ đá áp dụng quy định hạn chế chụp hình, tức cấm một phần đối với việc chụp ảnh. Họ sẽ phân vùng và đặt biển báo khu vực nào được phép chụp, khu vực nào không.
Một mô hình đơn giản khác, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Rwanda đã tính phí chụp ảnh trong bảo tàng. Theo đó, khách xem tranh được chụp ảnh thoả thích miễn là họ trả trước phí chụp hình.
Hay một ý tưởng thú vị khác được áp dụng tại Newport Mansions (Mỹ): chỉ cho phép máy ảnh điện thoại thông minh, cấm máy ảnh lớn có độ phân giải cao để bảo vệ sự độc quyền khai thác hình ảnh của bảo tàng đối với các tác phẩm.
Ngày nay, công nghệ thông tin có khả năng truy tìm và kiểm tra những hình ảnh phát tán trên mạng Internet có được sử dụng cho mục đích thương mại trái phép hay không, nhằm đảm bảo quyền được thanh toán của chủ sở hữu bản quyền tác phẩm. Dù vậy, ở mặt tích cực hơn, việc cá nhân đăng tải hình ảnh các bức tranh cho bạn bè, người thân biết được có thể tăng thêm nhận thức của công chúng về tác phẩm đó, phần nào tăng thêm giá trị của tác phẩm.
Có thể thấy, một hành động đơn giản – chụp hình để lưu lại trải nghiệm sống, lại tiềm tàng nhiều nguy cơ mà chính người thực hiện cũng không lường trước được. Ở Việt Nam, vấn đề này dường như vẫn chưa được nhận thức đúng đắn, cũng như hầu như chưa có các ý tưởng giải pháp khắc phục sáng tạo, hiệu quả để đảm bảo cả quyền và lợi ích của các bên./.