Chút tình "cho người xưa khỏi phân vân" của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân

(PLVN) - Khổ đau với mối tình tâm giao khiến nhạc sĩ đa tình Mặc Thế Nhân cho ra đời các tuyệt phẩm “Em về với người”, “Cho vừa lòng em”. Dù vậy, trong thâm tâm, nhạc sĩ rất cảm ơn người con gái ấy. Cảm ơn nàng đã đi qua đời ông, cho ông những cảm xúc quý giá và những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân

Những phút xao lòng 

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, SN 1939 tại xã Thạnh Lộc, huyện Hóc Môn, TP HCM. Hiện nay, ông vui thú điền viên bên con cháu ở quận 12, TP HCM. Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ lấy bút danh Mặc Thế Nhân với hàm ý mặc kệ thế gian, bàng quan với sự đời. Nhưng ông cho biết, thực chất bút danh Mặc Thế Nhân là “góp chút mực cho đời” chứ không phải nghĩa đen như nhiều người lầm tưởng. Ngoài ra, ông còn có bút hiệu khác là Nhã Uyên.

Việc “góp chút mực cho đời” của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân bắt đầu từ khá sớm. Năm 13 tuổi, ông đã tham gia văn nghệ học đường. 16 tuổi, ông thọ giáo nhạc lý các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân… Tác phẩm đầu tay của của Mặc Thế Nhâm là “Xích lại gần anh tý nữa” được phỏng theo bài thơ “Xa cách” của nhà thơ Xuân Diệu. Thời đó, bài hát này đã “làm mưa làm gió” trong các phòng trà.

Tuy nhiên, giới hạn phòng trà chưa đủ làm cho cái tên Mặc Thế Nhân vang xa. Phải mất một thời gian dài nữa, ông mới trở thành nhạc sĩ được nhiều người săn đón. Đến nay, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân đã có trên 200 ca khúc. Trong số đó, “Em về với người”, “Cho vừa lòng em”, Mùa xuân cưới em”, “Xin trả tôi về”… là những nhạc phẩm được nhiều thế hệ nghe nhạc yêu thích cho đến hôm nay.

Bìa băng catset album "Em về với người" - bài hát có tuổi đời gần nửa thế kỷ vẫn tiếp tục "làm mưa làm gió" trên sóng nhạc bolero
Bìa băng catset album "Em về với người" - bài hát có tuổi đời gần nửa thế kỷ vẫn tiếp tục "làm mưa làm gió" trên sóng nhạc bolero 

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân kết hôn sớm. Người phụ nữ kết nghĩa từ thuở đôi mươi cũng là người vợ theo ông đến tận hôm nay. Nhưng nhạc sĩ cũng thừa nhận rằng, ông đã từng có rất nhiều những phút xao lòng ngay cả khi đã có gia đình êm ấm. Theo nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, rung động là bản năng cũng là điều cần thiết ở những người làm nghệ thuật. Chẳng thế mà ai cũng lo sợ khi yêu và lấy phải nghệ sĩ. Nhưng ông cho rằng đó là điều không thể thiếu nếu muốn sáng tác.

“Chúng ta không thể rung động trước một cái cũ, một cái đã quen thuộc. Chỉ có cái mới mới có thể tạo ra nhiều cảm xúc, tình yêu cũng vậy. Nói như thế không có nghĩa là nghệ sĩ thì được quyền sống buông thả, phụ nghĩa phụ tình, làm khổ vợ con. Vợ tôi là một người vị tha và biết cảm thông, nhưng cá nhân tôi cũng luôn tự ý thức về điểm dừng của mình để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình”, nhạc sĩ chia sẻ.

Và theo nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, các nhạc phẩm “Em về với người”, “Cho vừa lòng em” cũng ra đời từ một lần xao lòng của ông. Người con gái ấy tên Võ Thị Lan Anh, người gốc Huế nhưng sống tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân kể, vào khoảng năm 1970, ông là thầy dạy hát cho nữ ca sĩ Hương Lan. Trong nhà Hương Lan lúc đó có Lan Anh ở ké, nhưng không phải là bà con ruột rà gì với gia đình Hương Lan. Sở dĩ Lan Anh xuất hiện trong nhà Hương Lan là vì cô ái mộ giọng hát của “thần đồng” Hương Lan nên từ Nha Trang tìm đến nhà Hương Lan tại Sài Gòn xin kết bạn, rồi ở lại luôn.

Theo trí nhớ của nhạc sĩ, Lan Anh là một cô gái có vẻ đẹp vô cùng thanh thoát, kiều diễm. Mái tóc dài, đôi môi đỏ, làn da trắng và đặc biệt là giọng nói mượt mà của cô đã đánh gục trái tim ông ngay từ lần đầu gặp gỡ. Cô gái cũng không giấu được niềm ái mộ chàng nhạc sĩ tài hoa mà đáp trả bằng nụ cười bẽn lẽn, thẹn thùng. Nhưng hoàn cảnh trai đã có vợ của Mặc Thế Nhân khiến sự thể hiện tình cảm giữa hai người chỉ dừng lại ở đó.

Để rồi, suốt nhiều tháng về sau, nhớ thương cứ nhân lên. Và, điều gì đến cũng sẽ đến, Lan Anh quay về Nha Trang, hai người kịp trao nhau địa chỉ để trao đổi thư từ. Nhạc sĩ tâm sự, với ông, mối tình ngoài luồng này nên gọi là bạn tâm giao thì đúng hơn, bởi giữa hai người chỉ thể hiện tình yêu qua nét bút.

“Tuy nhiên không hiểu sao, tình cảm của tôi dành cho nàng vẫn rất sâu đậm. Tôi và nàng đã trao đổi với nhau không biết bao nhiêu là thư. Chúng tôi kể chuyện trên trời dưới biển, dành cho nhau những lời nhớ thương, yêu mến và cũng hứa hẹn một ngày gặp mặt”, nhạc sĩ nhớ lại.

Đến những tuyệt phẩm bất hủ

Rồi một hôm, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân nhận được lá thư đặc biệt từ Nha Trang gửi vào. Vội vàng bóc thư với niềm phấn khởi khi chuẩn bị được nghe những lời nhớ thương từ người trong mộng, ông chợt sững sờ khi rút ra là một tấm thiệp hồng. Trên tấm thiệp ấy là tên người con gái ông yêu và tên một chàng trai xa lạ. Tấm thiệp hồng như nhát dao sắc cứa vào trái tim đa sầu đa cảm của người nhạc sĩ. Ông cảm thấy như mình bị phản bội, bị lừa dối bởi suốt thời gian qua thư tình vẫn đều đặn qua lại mà người trong mộng lại chuẩn bị đám cưới lúc nào không hay.

Quá buồn, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trải lòng viết ca khúc “Em về với người”. Bài hát mang âm hưởng giọng Huế, bởi Lan Anh là người Huế. “Bây chừ hết rồi, em về vui bên nớ…”, ông muốn nhắn gửi với người ấy rằng: “Anh không trách gì đâu, có chăng anh trách đời riêng anh/ Không giữ em dài lâu, để em lỡ duyên tình đầu…”. Nói là không trách nhưng vẫn đau đớn. Và dù trái tim “cha đẻ” nhạc phẩm đau đớn nhưng “Em về với người” lại được công chúng rất yêu thích.

 

“Một lần, trong cơn tức giận, tôi đem hết thư nàng ra đốt. Nhưng đốt xong rồi cũng chẳng thấy lòng nhẹ nhàng hơn, càng buồn đau. Đó cũng chính là lúc cảm xúc dâng trào khiến tôi nảy sinh những lời ca cho bài hát “Cho vừa lòng em”, nhạc sĩ nhớ lại. “Anh về gom lại thư em, cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu/ Gom cả áo lạnh ngày xưa, anh đem ra đốt thành tro tàn/ Cho người xưa khỏi phân vân, khi ngồi đan áo cho người mới/ Khi mùa đông lạnh lùng sang, em khỏi nhớ chuyện ngày xưa…” trích lời nhạc phẩm “Cho vừa lòng em”.

Thực ra, thất vọng chán chường, hờn giận, thậm chí cả thề nguyền cũng chỉ là bề nổi. Sau hành động “đốt thành tro tàn” tưởng chừng như chứa đầy oán hận là mục đích khác. Đó là để em không phải phân vân về tình cũ, khỏi “nhớ chuyện ngày xưa” để toàn tâm toàn ý với duyên mới. Mặc Thế Nhân thú thực, kết cục của cuộc tình ấy như vậy có thể nói là đã rất tốt đẹp.

“Nếu nàng không đi lấy chồng, hai chúng tôi không biết sẽ dây dưa tới lúc nào. Người đau khổ cuối cùng cũng sẽ là nàng. Bản thân tôi nếu dấn sâu hơn nữa lại trở thành kẻ tội đồ khiến vợ con đau khổ. Người nghe nhạc có lẽ sẽ cảm thấy sự sầu hận trong “Cho vừa lòng em”, nhưng từ trong thâm tâm thực lòng tôi rất cảm ơn người con gái ấy. Cảm ơn nàng đã đi qua đời tôi, cho tôi những cảm xúc quý giá và nhạc phẩm được nhiều người yêu thích”, nhạc sĩ chia sẻ.

Đã gần 50 năm, “Em về với người”, “Cho vừa lòng em” xuất hiện trên bầu trời âm nhạc, vậy mà một chiều nào đó khi lác đác những chiếc lá me bay, hay một khuya khi những âm thanh đường phố đã lắng dịu, chợt nghe điệp khúc: “Em ơi, hết rồi, hết rồi chẳng còn chi nữa đâu em/ Yêu thương như nước trôi qua cầu, như đàn trở cung sầu/ Còn gì nữa đâu?”. Người nghe lại như thấy bâng khuâng trong từng bước chân, thấy cảm xúc nhớ thương trào dâng trong từng hơi thở. Có lẽ, mỗi con phố ta qua, mỗi gốc cây ta ngồi, thậm chí mỗi giọt mưa, mỗi ngọn gió đều khiến ai đó nhớ về nhau. 

Đọc thêm