'Chuyện anh Nghị': Bi kịch khi đời tư thành vật bán mua

(PLO) -Trong góc nhìn của chúng tôi, anh Nghị trước sau vẫn là người cha bạc phận đáng thương. Chừng ấy thời gian dài nuôi dưỡng chăm sóc hai đứa con bệnh tật đã thể hiện cả tấm lòng, cả tình thương, ý chí của anh.

Không thể trách anh về cách ứng xử để có thể tiếp nhận càng nhiều càng tốt sự giúp đỡ của mọi người vì lòng tham là thuộc tính của con người, ai chẳng muốn có được nhiều và nhiều hơn nữa.

Điều đáng tiếc là giá như khi thông tin về hoàn cảnh của anh, nhà sản xuất chương trình biết kiềm chế hơn, khách quan hơn, đưa sự thật đúng như nó có, người vợ không bị hàm oan; thì chắc hẳn người xem vẫn xót thương, vẫn ủng hộ mà không ai phải bị tổn thương; và không xảy ra phản ứng ngược chiều. 

Sau tập 2 gameshow “Hát mãi ước mơ”, nhiều người xem đã nhỏ giọt nước mắt xót thương cho người đàn ông bạc phận “bị vợ bỏ”, đơn độc bán kẹo nuôi hai con teo não. Hoàn cảnh của anh vốn đã thương tâm được thêm diễn xuất nhấn nhá của các nghệ sĩ như Cẩm Ly, lại càng tăng thêm hiệu ứng. Rất nhiều người gửi tiền bạc giúp đỡ. Giới truyền thông báo chí trước đây từng có nhiều bài viết chia sẻ về tấm lòng, nghị lực của anh, lại có dịp tung hê ca ngợi. 

Đột nhiên, người vợ xuất hiện xin được giải oan là hai người đã thỏa thuận ly dị, chị mang bệnh nan y và phải nuôi đứa con thứ ba của hai người và vẫn thường thăm con chứ không hề bỏ rơi. Dư luận đổi chiều, “gạch đá” anh Nghị vì đã tham lam, lạm dụng lòng tốt mọi người. Câu chuyện thương tâm riêng tư của hai vợ chồng một lần nữa lại được diễn ra dưới ống kính xét nét của giới truyền thông.

Truyền thông lại lên cơn sốt phân tích mọi ngóc ngách sự kiện này... Gameshow thực chất là chương trình giải trí thương mại, sao lại kinh doanh bán mua nỗi đau thân phận và thậm chí là phẩm giá của những người bất hạnh? 

Câu chuyện anh Nghị bán kẹo nuôi hai con bại não không phải là chuyện mới. Trong 4 năm qua, nhiều tờ báo đã đăng bài về hoàn cảnh của anh và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Ngoài ra có hàng ngàn tài khoản facebook cá nhân và các nhóm từ thiện đã có bài kêu gọi giúp đỡ anh Nghị. 

Khán giả thương hoàn cảnh “con đau, vợ bỏ”

Trong tập 2 của chương trình Hát mãi ước mơ phát sóng tối 10/5 trên kênh HTV 7, câu chuyện về anh Đặng Hữu Nghị, người cha gà trống nuôi hai con mắc bệnh teo não đã gây ấn tượng mạnh với toàn bộ khán giả và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nội dung và từng chi tiết của tiết mục được nhấn nhá trong mặc định anh Nghị là người cha bất hạnh có hai con bệnh tật bị vợ bỏ rơi. Sự nhấn nhá này thể hiện từ bài hát dự thi, lời kể của anh, dẫn dắt của MC đến bình luận của giám khảo

Bài hát dự thi đầu tiên, anh Nghị đã chọn được bài “Gà trống nuôi con” của tác giả Phi Bằng thể hiện hoàn cảnh người cha bị vợ bỏ. Câu hát "Đành lòng gà trống nuôi con, sao em nỡ bỏ con cho đành" như thay lời tâm sự của người chồng, người cha khốn khổ. Chất giọng lạ và đầy cảm xúc và hoàn cảnh của anh khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Bản thân anh Nghị cũng nghẹn giọng khi thể hiện ca khúc này.

Ban tổ chức chương trình cũng đã dành thời gian và góc quay nắn nót cho tiết mục. Ngay sau khi chấm dứt bài hát, anh Nghị đã phải dành một khoảng lặng, nén cảm xúc nghẹn ngào để lấy lại bình tĩnh.

Người dẫn chương trình cũng nhấn nhá những câu hỏi xoáy vào bối cảnh con bệnh, vợ bỏ đi, một mình anh phải buôn bán nuôi con suốt năm năm. Anh Nghị nói không dám gửi 2 con vào bất cứ trung tâm bảo trợ nào vì sợ con bị đánh đập. Vì vậy, hàng ngày anh chở con đi khắp đường phố hát, bán kẹo kiếm sống. Lí do tham gia chương trình “Hát mãi ước mơ” cũng vì mong muốn kiếm thêm chút tiền để nuôi con. 

Các giám khảo như Cẩm Ly đã lao lên sân khấu ôm chặt lấy người đàn ông khốn khổ. Cẩm Ly đã vừa khóc vừa nghẹn ngào chia sẻ: "Trước nay chỉ nghe cha bỏ con, mẹ không bao giờ bỏ con hết mà anh lại làm được những điều phi thường".

Có lẽ có thể chỉ là lời nói cảm tính, bột phát bày tỏ sự đồng cảm với anh Nghị, (cũng không loại trừ đây là lời thoại đã được soạn sẵn trong kịch bản gameshow) nghệ sĩ Cẩm Ly không ý thức rằng câu nói của mình là lời tuyên án đối với một người mẹ, người phụ nữ bất hạnh vốn đã bị quá nhiều tổn thương từ dư luận.

Nếu lời tuyên án của quan tòa có sức mạnh bằng sự cưỡng chế của pháp lý thì “lời tuyên án” của Cẩm Ly lại có sức mạnh ghê gớm bằng chất giọng nghẹn ngào, uất ức. Thương 3 cha con anh Nghị bao nhiêu, người ta càng trách móc chị vợ bấy nhiêu vì đành đoạn bỏ đi, để lại chồng với hai đứa con bệnh tật.

Người vợ xin minh oan: Ly hôn, không bỏ con

Sau vòng thi đầu tiên, anh Nghị tiếp tục vượt qua vòng thi thứ hai với ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, và giành chiến thắng chung cuộc trước chàng sinh viên khiếm thị Tài Lộc với bài hát “Tình cha”, giành được 50 triệu đồng.

Trên các phương tiện thông tin, diễn đàn, mạng xã hội, chuyện của cha con anh Nghị được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhiều người đã chủ động liên lạc với anh Nghị và chuyển tiền giúp đỡ với mong muốn giúp đỡ anh vượt qua khó khăn.

Đồng thời ngay lúc này có thông tin anh Nghị lợi dụng lòng thương của xã hội để trục lợi. Có người đã gọi điện cho anh Nghị nhưng chưa nói chuyện được, sau đó nhận được tin nhắn ghi rõ số tài khoản ngân hàng. Một số phóng viên đã liên hệ và tìm gặp người vợ cũ của anh Nghị và thông tin theo góc độ khác: Anh Nghị và vợ là chị Đoàn Thị Huyền (1979) đã tự nguyện ly hôn.

Chị Huyền kể: "Tòa án quyết định anh Nghị nuôi Hữu Toàn còn tôi thì nuôi Hữu Tùng. Toàn bộ tài sản đất nhà đều do anh Nghị đứng tên nên tôi không được chia phần nào. Sau khi ly hôn, tôi mới biết là mình đã mang thai đứa con thứ 3 với anh. Tôi vào Nha Trang bán hàng rong, phát hiện mình bị bệnh nan y, nên liên hệ với anh Nghị để gửi Hữu Tùng 1 thời gian” 

Không chịu nổi áp lực dư luận về việc bị cho rằng đã bỏ con, sáng 18/5, chị Huyền đã từ Nha Trang tìm về nhà anh Nghị ở Sài Gòn để nói chuyện trước sự chứng kiến của một số phóng viên. Nhiều tờ báo gọi đây là cuộc đối chất và tường thuật căn vặn anh Nghị chi ly đan xen với câu chuyện giữa hai vợ chồng.

Đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy nhiều ống kính camera và máy ảnh đã soi chiếu vào cuộc trò chuyện hai vợ chồng. Tóm lại theo báo chí trong cuộc nói chuyện ấy, anh Nghị quả quyết không nói vợ “bỏ đi”, chuyện “bỏ đi” là do báo chí, nhà sản xuất chương trình “Hát mãi ước mơ” đưa thông tin sai. “Lâu nay tôi không nói là vợ bỏ mà chỉ nói là vợ ly dị chồng mà do truyền hình, báo chí nêu sai”, anh Nghị nói.

Qua thông tin cuộc nói chuyện cho thấy anh Nghị phần nào cường điệu hoàn cảnh của mình như phải thuê quần áo lên truyền hình. Số tiền ủng hộ của người hảo tâm với anh khá lớn, anh đã dùng trong đó ít nhất 600 triệu để mua căn nhà mới ở Nha Trang. Quan hệ hai vợ chồng không đến mức “tuyệt tình” hay là “bỏ đi” vì anh Nghị vẫn có ý cho vợ ở thuê giá rẻ trong ngôi nhà mới mua.

Lần này dư luận đổi chiều, thương xót cho người vợ, đay nghiến anh Nghị là tham lam, lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi. 

Trong góc nhìn của chúng tôi, anh Nghị trước sau vẫn là người cha bạc phận đáng thương. Chừng ấy thời gian dài nuôi dưỡng chăm sóc hai đứa con bệnh tật đã thể hiện cả tấm lòng, cả tình thương, ý chí của anh. Không thể trách anh về cách ứng xử để có thể tiếp nhận càng nhiều càng tốt sự giúp đỡ của mọi người vì lòng tham là thuộc tính của con người, ai chẳng muốn có được nhiều và nhiều hơn nữa.

Điều đáng tiếc là giá như khi thông tin về hoàn cảnh của anh, nhà sản xuất chương trình biết kiềm chế hơn, khách quan hơn, đưa sự thật đúng như nó có, người vợ không bị hàm oan; thì chắc hẳn người xem vẫn xót thương, vẫn ủng hộ mà không ai phải bị tổn thương; và không xảy ra phản ứng ngược chiều. 

“Mua bán” bất hạnh riêng tư, phẩm giá con người

Vấn đề pháp lý và đạo lý cần đặt ra ở đây không phải với anh Nghị, chị Huyền, mà chính là với giới truyền thông. Bộ luật Dân sự và Luật Báo chí đều quy định việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân. Tuy nhiên những quy định hướng dẫn cụ thể cho lĩnh vực này vẫn còn quá ít. Ranh giới pháp lý giữa thông tin báo chí hợp pháp với chuyện bí mật đời tư còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên không thể vì thế mà báo chí và các cơ quan truyền thông có thể lạm quyền chĩa ống kính, micro vào mọi ngóc ngách thông tin, bình luận tùy tiện sinh hoạt đời sống của công dân. Việc nhà đài thông tin nhấn nhá sai sự thật về chuyện vợ anh Nghị bỏ đi, lời bình luận như kết án của Cẩm Ly, hay việc báo chí “giám sát” và tường thuật chi tiết cuộc “đối chất” giữa hai vợ chồng (cũ) này, là bất ổn cả pháp lý lẫn đạo lý.

Theo báo chí, gameshow “Hát mãi ước mơ” là một format hoàn toàn mới do chính công ty sản xuất DQ Media sáng tạo nên nội dung. Ông Đỗ Văn Bửu Điền - "cha đẻ" của format này đã chia sẻ: "Lâu nay chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có những ca sĩ chuyên nghiệp mới có thể mang lời ca tiếng hát của mình đi phục vụ, giúp đỡ người khác. Nhưng với foramt này, chúng tôi muốn chứng minh bất cứ ai yêu ca hát cũng có thể dùng tiếng hát, tình cảm của mình để giúp những người xung quanh mình vượt khó".

Dù cũng là một chương trình thuần giải trí nhưng mục tiêu cuối cùng mà người chơi muốn hướng tới lại khá giống “Vượt lên chính mình” hay “Ngôi nhà mơ ước”: Mang đến cho những mảnh đời gian khó một cơ hội để vươn lên.

Những gameshow truyền hình dù là nhân danh sự giúp đỡ, thương xót… thực chất vẫn là những chương trình thương mại, tạo doanh thu cho nhà sản xuất. Dư luận đã phê phán nhiều về việc chạy theo rating để thu quảng cáo dẫn đến các chiêu trò lố bịch giả tạo. Trong trường hợp này, sự khai thác vào nỗi đau của hoàn cảnh riêng tư để thu hút người xem cần phải đặt ra những giới hạn hết sức thận trọng để nỗi đau người này không phải chạm vào người khác. Tôn vinh người này không làm xúc phạm đến phẩm giá người kia. 

Các chương trình gameshow đã có sẵn nguồn tài trợ của các doanh nghiệp dành cho đối tượng được giúp đỡ. Những người tham gia chỉ vô tư thể hiện sự cố gắng trong công việc kèm theo sự may mắn sẽ được nhận quà.

Với chương trình Hát mãi ước mơ, cuộc thi hát lồng ghép với cuộc thi “than nghèo kể khổ” để thu hút lòng từ tâm của khán giả dễ kích thích các đối tượng tham gia và cả ban tổ chức vào cuộc đua cường điệu, thêm mắm muối gia vị cho sản phẩm thương tâm. Lúc ấy, đời tư, nỗi bất hạnh và phẩm giá con người sẽ trở thành vật để bán mua.

Đọc thêm