Vinh dự, tự hào 10 năm bảo vệ Bác Hồ
Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Lê Minh Thưởng (SN 1941, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn minh mẫn, biết chúng tôi về tìm hiểu, những năm tháng cụ được sống gần Bác Hồ, cụ rất vui. Bên ly chè xanh đậm tình xứ Nghệ giữa tiết trời tháng 5, cụ Thưởng chỉ tay lên tấm ảnh được phóng lớn treo giữa nhà đọc tên từng người.
Bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được cụ Thưởng lưu giữ cẩn thận. |
Trong ảnh, Bác Hồ ôm cháu bé ngồi hàng trước, cụ Thưởng cũng ôm một cháu bé ngồi cạnh bên trái Bác. Cụ bảo, hôm đó thiếu Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác. Tấm ảnh này chụp vào năm 1967 trong dịp đồng chí Nguyễn Chí Thanh vừa ở miền Nam ra báo cáo tình hình với Bác và Bộ Chính trị. "Chụp hôm trước thì hôm sau đồng chí Thanh mất. Tấm ảnh là vật quí, gia bảo của gia đình chúng tôi", cụ Thưởng chia sẻ.
Nhớ lại chặng đường quá khứ, cụ Thưởng kể, sau khi đi nghĩa vụ Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), rồi tốt nghiệp được phân công về công tác ở Cục Cảnh vệ (Cục Cảnh vệ lúc đó có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ từ tháng 4/1960.
Cất tấm ảnh, cụ bồi hồi xúc động, im lặng một lúc rồi cụ chậm rãi nói: “Bác thương anh em lính chúng tôi lắm. Có lần về mùa đông tôi đang đứng gác, Bác đến gần bảo “Có rét không cháu!”. Dạ! thưa Bác “Rét ạ!”. Bác nói với tôi “Gác xong cháu vào chỗ Bác”. Vâng ạ! Tôi đáp lại! Bác đi rồi tôi rất lo không biết có việc gì mà Bác gọi mình đến gặp. Thay phiên gác tôi vào gặp Bác. Bác ân cần mời tôi ngồi, Bác nói: “Mỗi khi đi gác cháu lấy báo cũ cho vào trong người cho đỡ rét”.
Cụ Lê Minh Thưởng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về những ngày bảo vệ Bác Hồ. |
Bác hướng dẫn cách quấn báo cũ vào người, rồi bảo: “Cháu về nói với anh em cùng làm nhé”. Bác đưa cho tôi một tập báo cũ, cầm về. Quả thật anh em chúng tôi làm theo hướng dẫn của Bác ấm lắm. Ngày đó mùa đông Bác làm gì có áo ấm như ngày nay. Người mặc cũng phong phanh. Mỗi năm cứ đến mùa đông tôi nhớ và thương Bác vô cùng, một vị lãnh tụ giản dị quá.
Cụ kể tiếp, những năm chiến tranh kinh tế của nước ta vô cùng khó khăn. Bác cũng như anh em lính đều ăn cơm độn ngô, có lần thấy anh chị em phục vụ nấu cơm không độn cho Bác. Bác dứt khoát không ăn. Bác phê bình anh chị em phục vụ, “Mọi người phải ăn cơm độn, sao Bác lại ăn cơm không”. Nghe Bác nói vậy chúng tôi đã khóc. Khóc vì Bác quá mẫu mực trong cuộc sống. Cả cuộc đời Bác chỉ lo cho dân, cho nước”, cụ Thưởng kể lại.
Kỷ niệm đi chợ Tết cùng Bác
Theo trí nhớ cụ Thưởng, mỗi buổi chiều Bác hay đi bộ quanh Phủ Chủ tịch. Mỗi lần đi bộ Bác gọi một người trong đơn vị cùng đi cho vui. Người nào đi hay nói chuyện thì Bác gọi nhiều hơn.
“Tôi được Bác hay gọi đi bộ cùng Bác. Một hôm đang đi Bác bảo: “Cháu ở Nghệ An có biết sự tích chuyện cá gỗ thế nào không”. Tôi bảo: “Thưa Bác! Cháu không biết ạ!”. Bác nói: “Đã là người xứ Nghệ phải biết chuyện cá gỗ”. Rồi Bác giảng giải cho tôi nghe chuyện sự tích cá gỗ. Nghe xong tôi càng mến yêu mảnh đất xứ Nghệ.
Hàng năm cứ đến ngày 25 hoặc 26 tháng Chạp, Bác tổ chức ăn Tết Nguyên đán. Ăn Tết cùng Bác mọi người bình đẳng như nhau. Bác bảo cố gắng ăn hết đừng để thừa. Ăn thừa, Bác bảo anh em chúng tôi gói đưa về dùng tiếp, đừng để lãng phí.
Trong những ngày Tết, Bác đi thăm chiến sĩ, đồng bào rồi về Bác ít khi ở Phủ Chủ tịch, để mọi người khỏi phải đến chúc tụng. Mười năm được sống bên Bác ấn tượng sâu sắc nhất đối với cụ Thưởng là chiều 27 Tết năm 1964, đột xuất Bác bảo anh em bảo vệ Phủ Chủ tịch đi chợ Đồng Xuân xem dân sắm Tết ra sao.
Không được chuẩn bị trước, anh em bảo vệ rất lo, nếu dân biết Bác đến chợ thì người tập trung rất đông, không kiểm soát được. Nên quyết định đồng chí Phạm Lệ Ninh, Đội trưởng, đồng chí Vũ Thế Ngọc, Đội phó Đội bảo vệ Phủ Chủ tịch cải trang đóng Bác. Khi đóng xong anh em bảo vệ xem thấy hai người giống Bác”.
“Khoảng 15 giờ chiều xe xuất phát từ Phủ Chủ tịch. Bác đi chợ Bắc Qua rồi vào chợ Đồng Xuân. “Đến hàng thịt Bác hỏi cô bán hàng: “O ơi! Mảnh thịt này răng nấy?”. Nghe nói tiếng Nghệ, cô bán hàng ngờ ngợ. Anh em trong đoàn toát mồ hôi. Đồng chí Phạm Lệ Ninh đẩy Bác lên trước. Tôi nói mảnh thịt này bao nhiêu hở cô. Cô bán thịt nói mười hai nghìn đồng chú ạ! Anh em trong đoàn thở phào nhẹ nhõm”, cụ Thưởng bồi hồi nhớ lại.
Rồi Bác đến hàng Gai, hàng Đào, khi đến hàng Hoa, đồng chí Vũ Kỳ nói với cụ Thưởng mua một bó hoa Huệ, mà hàng ngày Bác rất thích. Sau 2 tiếng đồng hồ đi chợ Đồng Xuân về đến Phủ Chủ tịch Bác rất vui thấy dân đi sắm Tết rất đông, giá cả ổn định. Bác nói với anh em trong đoàn: “Bác cháu ta đi chợ chẳng mua được gì”. Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác: “Thưa Bác có. Mua được hoa”. Tôi trao hoa cho Bác! Bác cảm ơn!”.
Sau khi Bác mất, năm 1970 cụ Thưởng được chuyển về Bộ Công an, năm 1980 chuyển về Công an tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc đó hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhập thành một). Cụ được phân làm Đội trưởng săn bắt cướp. Cụ chỉ huy anh em trong Đội lập được nhiều chiến công. Trong đó bắt nhóm tội phạm cướp khét tiếng do tên Tọng (tên thật Trương Hiền) cầm đầu.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người không mang họ”. Đến tuổi cụ Lê Minh Thưởng về hưu ở quê nhà với hàm Trung tá, ngày ngày cùng con cháu chăm sóc 5 cây cổ thị đến nay đã gần 600 năm tuổi. “Ngũ cổ thị” của gia đình cụ là cây Di sản Việt Nam rất quí và hiếm.