Chuyển biến nhận thức về bạo lực gia đình – đời thay đổi khi ta thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Phía sau sự đau đớn của đòn roi luôn là những ký ức không đáng nhớ. Ngày bé bị đòn roi khi lớn lên bên trong mỗi con người luôn có một đứa trẻ từng bị tổn thương.
Sự uốn nắn con trẻ phải xuất phát từ yêu thương chứ không phải bằng BLGĐ, dù là hành vi hay ngôn từ - ảnh minh họa
Sự uốn nắn con trẻ phải xuất phát từ yêu thương chứ không phải bằng BLGĐ, dù là hành vi hay ngôn từ - ảnh minh họa

H.T là một cậu bé 10 tuổi. Khi tham gia chương trình “Điều con muốn nói” – một talkshow phát sóng trên VTV9 để trẻ em thoải mái bộc bạch hết những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, ước mơ với người lớn, H.T đã thổ lộ với MC chương trình rằng mẹ em rất nóng tính: “Lúc con làm sai việc gì, mẹ sẽ đánh. Con làm bể chén, mẹ sẽ mắng, đánh con rất nhiều. Con rất sợ hãi”.

Cậu bé kể lại những lần phụ giúp mẹ rửa chén và vô tình làm rơi, mẹ sẽ mắng em ngay: “Mẹ bực tức, đánh con bằng tay. Nhiều lúc mẹ tát vào mặt những lần con làm sai. Cách mẹ nói rất lớn tiếng, những khi đó con khóc, sợ hãi. Con sợ mẹ la con thêm nữa, điều này khiến con rất áp lực”.

Chị M.N mẹ của H.T thổ lộ, chị nóng nảy và không biết kiềm chế cảm xúc. Sau mỗi cơn tức giận với các con, chị cảm thấy có lỗi, hối hận nhưng mọi việc đã diễn ra.

“Tôi làm mẹ đơn thân đã 17 năm nay. Tôi tất bật lo cho cuộc sống ba mẹ con, đôi lúc bị stress, cáu gắt, thể hiện cảm xúc lúc các con làm sai. Cơn nóng giận thỉnh thoảng ập đến nhưng cường độ dữ dội. Tôi hối hận, xin lỗi con nhưng thỉnh thoảng vẫn lặp lại hành động sai đó. Điều này để lại trong đầu con ấn tượng xấu, khó quên.

Có lúc, tôi tát con. Nhìn con ngủ với gương mặt ngây thơ, non nớt in hằn 5 dấu tay trên mặt, tôi âm thầm lấy đá chườm cho con. Tôi bật khóc, hối hận, thấy bản thân là một người mẹ ác độc. Tôi nhận ra bản thân bị ảnh hưởng từ tuổi thơ. Mẹ tôi nóng tính, cũng là một người mẹ đơn thân với 6 người con. Tôi là con út, là nạn nhân trong bạo lực gia đình (BLGĐ)” – chị bày tỏ.

Qua câu chuyện của mẹ con cậu bé H.T có thể thấy phía sau sự đau đớn của đòn roi luôn là những ký ức không đáng nhớ. Nếu ngày bé, bị đòn roi nhiều thì khi lớn lên bên trong mỗi con người luôn có một đứa trẻ từng bị tổn thương.

Sự uốn nắn con trẻ phải xuất phát từ yêu thương chứ không phải bằng BLGĐ, dù là hành vi hay ngôn từ. Do đó, sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống BLGĐ là rất quan trọng.

Để đạt tới sự chuyển biến về nhận thức này, ngày 13/1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/1/2022 phê duyệt Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025.

Một trong những mục tiêu của Chương trình là trên 80% người có hành vi BLGĐ khi phát hiện sẽ được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để kiểm soát hành vi bạo lực của mình.

Đây cũng chính là mong muốn của chị M.N mẹ của H.T. Nhận thức được cư xử sai lầm với các con, chị đặt quyết tâm thay đổi, cải thiện tâm tính. Chị tìm hiểu qua sách vở, tìm đến các chuyên gia tâm lý để tư vấn, rèn luyện, giúp kiềm lại những cảm xúc tiêu cực. Mỗi ngày, chị tiếp nhận những cảm xúc tích cực để cùng hai con sống hòa thuận:

“Tôi muốn làm bạn cùng con, không muốn con nhìn mẹ mà sợ hãi. Thời của mẹ tôi việc tiếp cận thông tin, kiến thức, sách vở hạn chế mới dẫn đến những hệ lụy, tôi lớn lên có những hành vi như mẹ ngày trước”, chị tâm sự.

Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân chia sẻ, dù ảnh hưởng từ gia đình nhưng chị M.N đã ý thức, thức tỉnh bản thân nên có những biện pháp như đọc sách, tự điều chỉnh hành vi để thay đổi. Khi bản thân chúng ta muốn thì sẽ có cách để giải quyết.

“Bên trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ từng bị tổn thương, chúng ta cũng cần phải tha thứ, trò chuyện, đối thoại, xoa dịu đứa trẻ đó thì lúc đó những hành vi, lời nói không lặp lại” - tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Đọc thêm