Cặp vợ chồng “đông con nhất Sài Gòn”
Vợ chồng anh Mai Thanh Tú (47 tuổi) và chị Trần Thị Uyên Phương (42 tuổi, ngụ hẻm 89, đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP HCM) nổi tiếng đông con nhất khu vực chợ Phú Nhuận. Căn nhà nằm sâu trong đường Huỳnh Văn Bánh. Trưa nắng, những đứa trẻ “trứng gà trứng vịt” đang đuổi bắt đùa nghịch, tiếng cười râm ran vọng cả con hẻm nhỏ.
Trong nhà, bà Nguyễn Thị Hường (75 tuổi) đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa cho đàn cháu nội. Tay run run nhặt từng cọng rau, bà Hường cho biết: “Bố bọn trẻ đi bốc vác từ sáng đến tối mịt mới về. Ăn vội bữa cơm tối lại đi chạy xe ôm cho người ta. Làm quần quật như thế nhưng cũng chẳng đủ nuôi 11 đứa con nheo nhóc”.
Bà lão kể anh Tú là con thứ năm trong số sáu người con của bà. Nhà nghèo nên anh sớm phải nghỉ học, lao vào con đường mưu sinh. Năm 22 tuổi, Tú phải lòng cô gái nhỏ hơn 5 tuổi, làm nghề buôn bán ở trọ cạnh nhà.
Nghe hàng xóm đánh tiếng con dâu tương lai ăn chơi, đua đòi, bà Hương kịch liệt phản đối, sợ con trai khổ. Nhưng Tú bỏ ngoài tai mọi lời khuyên răn. Thấy con trai kiên quyết, người mẹ chấp nhận để đôi trẻ về sống chung với nhau, không cưới hỏi.
Thời gian đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá êm ấm. Anh Tú làm đủ nghề kiếm tiền, vợ phụ mẹ chồng bán đồ ăn sáng trước nhà. Thu nhập cũng đủ trang trải sinh hoạt. Vợ chồng anh sinh liền 3 con gái, cách nhau 1-2 tuổi. Vài năm sau, cậu con trai thứ tư chào đời.
Đã bốn con, có nếp, có tẻ, nhưng anh chị vẫn không ngừng sinh. Chị Phương cứ thế tiếp tục mang thai. Cứ hết thời gian ở cữ đứa con này lại dưỡng thai đứa con khác, chị bận sinh nở không làm được việc gì. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn.
“Lúc vợ chồng nó sinh đứa con thứ bảy, chính quyền địa phương có xuống yêu cầu lên phương án triệt sản. Hai đứa nó cứ ậm ừ cho qua chuyện, rồi đâu lại vào đấy. Những năm sau đó thì sinh thêm một lèo bốn đứa nữa. Đứa trước chưa kịp dứt sữa, đứa sau lại ra đời. Tôi chỉ biết phụ chúng nó chăm con, còn không dám can thiệp chuyện vợ chồng chúng nó”, bà Hường cho biết.
Nhìn căn nhà cao tầng nhưng lòng nhà chỉ rộng 15m2, bà Hường ngậm ngùi kể, lúc đầu cả gia đình còn chen chúc trong căn nhà nhỏ, lợp tôn thủng lỗ chỗ. Những ngày mưa gió, căn nhà không đủ che chắn cho mười mấy con người, đứng đâu cũng ướt.
Vài năm gần đây, bà Hường quyết định cắt một nửa đất phía trước để bán lấy tiền chữa chạy cho người chị tai biến nằm liệt giường và cất được căn nhà hiện tại. Bà Hường gọi ngôi nhà là nhà “3 trong 1” vì ngoài bà, gia đình anh Tú còn có cả vợ chồng người anh của Tú sinh sống.
“Gà trống” nuôi cả đàn con
Gia đình anh Tú được mẹ ưu tiên cho ở tầng trệt. Phía bên phải căn phòng từ cửa đi vào kê một chiếc giường nhỏ. Xung quanh bốn phía đồ đạc lỉnh kỉnh, quần áo, giày dép chất thành đống. Sâu trong căn phòng là nơi nấu ăn. Phần giữa nhà để sinh hoạt ngủ nghỉ.
Đêm đến, cả nhà trải chiếu nằm chen chúc kín cả căn phòng. Thấy hoàn cảnh éo le của người con, bà Hường ái ngại thở dài: “Giá như chúng nó đẻ ít hơn thì cuộc sống đâu đến nỗi”.
Theo lời bà Hường, mặc dù đẻ nhiều nhưng chị Phương lại ít quan tâm đến các con. Làm mẹ của bầy con nheo nhóc nhưng chị này vẫn ham mê đề đóm, cờ bạc. Đàn con nhỏ dại suốt ngày quấy khóc, đứa lớn đói ăn, đứa nhỏ đòi sữa. Dù bà Hường hết lời khuyên ngăn nhưng người con dâu vẫn chứng nào tật nấy.
“Dù tôi thương con, nhiệt tình chỉ bảo nhưng nó không nghe, luôn cãi lại. Quan hệ mẹ chồng con dâu cũng vì thế căng thẳng. Sau này, tôi thường chịu đựng cho êm cửa, êm nhà, mặc nó thích làm gì thì làm”, bà Hường giãi bày.
Theo bà, gần hai năm trước, sau khi sinh đứa con thứ 11 được vài tháng, chị Phương bỏ đi biệt tích. Bà cho rằng do con dâu cờ bạc, đề đóm đến vỡ nợ nên phải bỏ trốn. Dù con dâu đã bỏ đi nhưng chủ nợ vẫn đến tìm, nhà bà Hường ít khi được yên ổn.
Anh Tú ngoài việc còng lưng kiếm tiền nuôi đàn con còn phải gánh thêm số nợ người vợ để lại. Bà Hường với vẻ bức xúc: “Nó bỏ đi nhưng bọn giang hồ vẫn thường xuyên đến đây đòi nợ. Nhiều khi đập phá, ném những thứ xú uế vào nhà giữa đêm khuya. Cả gia đình chẳng thể nào yên giấc. Con trai tôi thấy thế lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để trả lại cho chúng nó”.
Trong số 11 người con của vợ chồng anh Tú, hai người con gái đầu đã có gia đình riêng, hai người kế tiếp có việc làm tự nuôi sống bản thân. Anh Tú “chỉ” phải nuôi bảy người con đang tuổi ăn tuổi học.
Mỗi ngày, trước khi đi làm, người đàn ông gửi lại cho mẹ 120 ngàn đồng để mua gạo, sữa, thức ăn cho bảy đứa con nhỏ. Nhưng công việc bốc vác, chạy xe ôm không ổn định, những ngày không có thu nhập, người cha phải vay mượn bạn bè để các con không phải nhịn đói.
Thương con trai, bà Hương giúp trông đàn cháu và quán xuyến mọi việc. Nhưng bà cũng tuổi cao sức yếu, thường xuyên ốm đau nên không làm được gì nhiều. Bà trách con dâu: “Từ ngày nó đi chẳng một lần liên lạc về nhà. Tôi chỉ thương cho mấy đứa cháu, vì đói khổ mà học hành không được đến nơi đến chốn”.