Chuyện buồn giữa đường

(PLO) - Một phụ nữ dừng xe máy giữa đường và thản nhiên dùng điện thoại, mặc kệ những ùn tắc xảy ra sau lưng chị ta và do chị ta gây ra. Một ông tài xế người nước ngoài không chịu được cảnh đó, ông ta xuống xe đến tận nơi nhắc nhở nhưng chị ta không nghe, ông đẩy xe chị ta vào lề đường thì chị ta chống lại, cuối cùng, ông nhấc bổng xe chị ta lên và giải phóng lưu thông. 

Quả là đối với sự lỳ lợm, không cần biết đến mọi người chung quanh, coi thường những lời nhắc nhở thì cần phải dùng đến sức mạnh cơ bắp mới giải quyết được. Tuy nhiên, để làm việc đó phải có ý thức giao thông của xứ văn minh và sức khỏe của một ông Tây, dân Việt ta chịu, nhưng ai cũng khen ngợi ông Tây và chê trách “ninja” đồng hương của mình.

Cũng chuyện trên đường và cũng dùng đến sức mạnh cơ bắp nhưng lại bị phản đối rần rần. Đó là cảnh hai anh Cảnh sát cơ động “lên gối” với một nam sinh. Cách hành xử bạo lực này khiến nhiều người bất bình và bày tỏ thái độ cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những cảnh sát này. Rất tiếc cho các anh thích “lên gối” giữa đường này, giá mà cách anh gặp “ninja” Hà thành để xử lý thì tốt quá, chứ đánh nam sinh yếu đuối, phỏng có thành người hùng được không!

Cùng thời điểm, trên đường phố lại xuất hiện những anh... khùng. Đó là một thanh niên phi xe máy, tay lăm lăm mã tấu và ra sức chém rụng các gương chiếu hậu của ô tô con đang lưu thông. Hành động rồ dại này khiến nhưng người đi đường kinh hãi mà không hiểu anh ta làm vậy với mục đích gì. Cách giải thích nghe chừng hợp lý nhất là thanh niên này đang trong tình trạng “ngáo đá”. 

Đáng cười và đáng buồn nhất là hình ảnh của một nhóm Cảnh sát giao thông đường phố mà một tờ báo đã dày công theo dõi và ghi lại. Các anh bắt xe dừng lại, tài xế trình giấy tờ, cách anh mở ra, rút lấy một tài liệu kẹp trong đó, không cần xem, trả sổ và lái xe lên đường.

Một cảnh cho thấy thanh niên đi xe máy bị giữ lại, bị kéo vào góc khuất và sau đó đi ra, mặt anh cảnh sát đầy thất vọng, nắn túi quần thanh niên thấy không có gì thì lột lấy cái vòng tay gỗ, đeo vào tay mình. Đạo lý truyền thống dạy rằng “Đói cho sạch, rách cho thơm” mà chúng ta có đói, rách gì đâu, chí ít cũng giữ cho cơ thể đừng bốc mùi để những người chung quanh được hít thở bầu không khí dễ chịu chứ.

Vài chuyện dọc đường, nhặt ra trong vài ngày gần đây cho thấy lối hành xử của người tham gia giao thông và cả những người gìn giữ trật tự giao thông đều có vấn đề, những hành vi không đẹp  trực tiếp xâm hại đến văn hóa giao thông và sự hình thành nên ý thức giao thông văn minh, tuân thủ luật pháp. 

Đọc thêm