Chỉ chừng ấy câu chữ đã đủ nói lên niềm tin yêu, khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của những nữ chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc cứu nước.
Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu (Tám Lựu) là một trong những hiện vật khá đặc biệt. Bức chính là chiếc áo gối bà Nguyễn Thị Lựu thêu cho ngày thành hôn của mình, là minh chứng cho một tình yêu son sắt với người yêu là một chiến sĩ cách mạng, gắn liền với tình yêu đất nước quê hương trong thời chiến.
Thế nhưng, khi bức tranh thêu chưa hoàn thành, khi chuyện tình chưa đơm hoa kết trái thì bà nhận được hung tin người chồng hứa hôn vì vượt ngục Côn Đảo không thành mà bị bắn chết. Cũng kể từ đó, bà ở vậy và không lập gia đình.
Bức tranh “Uyên ương thêu dở” được xem là tài sản quý báu nhất bà mang theo suốt cuộc đời. Nỗi đau, niềm nhớ thương đã phải chôn chặt trong tim, cho đến lúc bà đi vào cõi vĩnh hằng. Sau này, những người bạn thân thiết của bà tìm thấy bức tranh và nó trở thành hiện vật kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Cuối tháng 9/2018 triển lãm chuyên đề “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng” trưng bày hơn 100 khăn thêu tay của các nữ chiến sĩ được hoàn thành trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sẽ khép lại, nhưng lượng người đến tham quan kể từ khi khai mạc ngày 23/5/2018 đến nay đã cho thấy sức hấp dẫn của triển lãm đối với thế hệ sau này.
Tại triển lãm, người xem rưng rưng cảm động trước câu chuyện đi cùng hiện vật của chiếc khăn thêu của bà Ngô Thị Huệ nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Tổ chức trung ương khi còn ở trong nhà lao; khăn tay và áo gối của bà Lê Tú Cẩm nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM tại nhà tù Tân Hiệp năm 1969 - 1970; bức tranh thêu “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu dành cho vị hôn phu đã hy sinh; tranh thêu “Mẹ Con” của bà Bảy Cưỡng khi còn ở nhà tù Côn Đảo năm 1972…
Những sợi chỉ tưởng vô tri nhưng qua bàn tay khéo léo của những nữ chiến sĩ cách mạng, chúng “kết nối” lại với nhau định hình thành những bức tranh thêu gần gũi với cuộc sống đời thường, với những ước mơ về cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
“Trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc cứu nước, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng luôn phát huy tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc. Ngay cả khi sa vào tay giặc, bị tra tấn cực hình, các mẹ, các chị vẫn giữ vững khí tiết sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, biến nhà tù thành trường học cách mạng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các chị, các mẹ vẫn một lòng hướng về cách mạng và những người thân yêu. Tất cả tình cảm được gửi gắm qua từng đường kim, mũi chỉ, những dòng tâm sự thể hiện trên những chiếc khăn tay, áo gối… Các hiện vật đã cho thấy rõ tinh thần của người nữ chiến sĩ cách mạng Việt Nam dù trong ngục tù chưa biết ngày về, sống chết ra sao nhưng vẫn luôn tràn đầy niềm tin yêu, khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc” - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm nhấn mạnh.