Trong quan hệ gia đình, tiếng “mẹ” thiêng liêng luôn đi cùng với tình yêu thương vô bờ bến từ cả hai chiều mẹ-con, con-mẹ. Thế nhưng, cũng lại có tiếng “mẹ” bị gắn với nhiều định kiến, đó là “mẹ ghẻ” và “mẹ chồng”. Vậy, nhân Ngày Gia đình 28/6, hãy thử đặt câu hỏi: Đã gọi tiếng mẹ, thì sao lại không yêu?
Ca sĩ Mỹ Linh và con gái Anna Trương – nhờ tình cảm chân thành mà giữa họ không hề có hố sâu khoảng cách mẹ kế - con chồng |
“Bánh đúc có xương”
Dân gian có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” để thấy rằng tình yêu thương của người mẹ ghẻ với con chồng và ngược lại là vô cùng khó khăn.
Trong kho tàng chuyện dân gian, cổ tích của cả Việt Nam lẫn thế giới đã chẳng “nêu gương” những bà mẹ kế tàn ác chặt cây hại con chồng (Tấm Cám) và sai người giết con chồng để ăn tim (Bạch Tuyết và bảy chú lùn) đấy sao. Và mới đây nhất vụ án mẹ kế thuê người bắt cóc, hạ độc con chồng bằng thuốc độc thạch tín khi nhắc lại vẫn kinh hoàng. Thế nhưng, đã là cuộc sống thì không có cái gì chỉ mãi một chiều.
Đến huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thăng không ai là không biết vì với suy nghĩ và hành động của mình bà đã làm cho “bánh đúc có xương”. Ngày ấy, cách đây mấy chục năm, khi bà Thăng quyết định lấy chồng nhiều người trong họ đã can ngăn vì người đàn ông đó có tới tận 5 đứa con riêng. “Làm gì thì làm chứ đừng làm mẹ ghẻ” – họ đã khuyên bảo bà như thế. Nhưng rồi bà Thăng vẫn quyết định về với ngôi nhà ấy.
Các con của bà tuy nay đều đã thành đạt người làm giám đốc đài viễn thông của huyện, người làm giáo viên trường quân sự quân khu 2, người là hiệu trưởng của một trường THCS… nhưng đều vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày nào về bà Thăng – người mẹ kế.
Anh Trần Thai Mai hiện sống cùng bà là hiệu trưởng của một trường THCS kể: “Thú thật mới đầu chúng tôi cũng sợ, cũng không thích. Về sau thì mẹ là mẹ của chúng tôi thật sự. Ngày đó cuộc sống còn khổ, gia đình lại đông người. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn, bà thường hớt lấy phần cơm cho các con, phần khoai sắn về mình. Tuy không sinh nhưng mẹ đã có công dưỡng dục, nuôi nấng chúng tôi trở thành người”.
Suốt những năm tháng “làm mẹ kế” ấy, bà Thăng đã chung lưng đấu cật với chồng quyết nuôi dưỡng các con nên người. Bà âm thầm làm lụng, đổi công, đổi sức, làm hết việc nhà bà lại đi làm thuê cho nhà khác, để lấy gạo cho gia đình cho các con đang tuổi ăn tuổi lớn đủ no “chứ không thì tội lắm". Giờ đây khi được hỏi bí quyết làm mẹ kế bà cười: “Không khó, đơn giản mình hãy luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì mình là mẹ. Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả”
Ca sĩ Mỹ Linh cũng là một điển hình của một bà mẹ kế xứng đáng được yêu thương. Tâm sự với báo giới, cô thường khẳng định cô không bao giờ cần cố gắng để yêu con chồng vì “tình cảm của tôi đến với một đứa trẻ con rất tự nhiên. Tôi ít khi phân biệt, đó có phải là đứa trẻ do mình đẻ ra hay không. Một đứa trẻ như một bông hoa, tự nó tỏa hương. Làm sao có thể không yêu Anna khi nó đáng yêu như thế?”.
Cảm nhận được tình yêu của mẹ, Anna cũng không bao giờ coi ca sĩ Mỹ Linh là mẹ kế. Khi Mỹ Linh đi diễn, người chăm gọi điện nhất nhà cho cô chính là Anna. Anna luôn kể và xin ý kiến từ mẹ Mỹ Linh cho những khúc mắc tuổi mới lớn.
Có một Câu lạc bộ Mẹ chồng – nàng dâu
Có đầy đủ bằng chứng để nói rằng: mẹ chồng – nỗi lo suốt đời của các nàng dâu tuy rằng thời hiện đại bây giờ mọi mối quan hệ có vẻ “dễ thở” hơn rất nhiều. Vì chung nhau một người đàn ông – bên là con, bên là chồng nên hai người phụ nữ thường va chạm nhau âu cũng là điều dễ hiểu. Mẹ thì tị con trai yêu vợ hơn mình, con dâu lại chịu tiếng đời dư luận lấn át, “cướp ngôi” của mẹ chồng… Tóm lại, phận làm dâu vẫn là làm dâu. Thế nhưng, vẫn luôn có những ngoại lệ…
Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở ấp Bình Thắng, xã An Bình (Phú Giáo) tỉnh Bình Dương, chị Lại Thị Hồng là một đảng viên mẫu mực, là tấm gương cho mọi người học tập, noi theo về cả tấm lòng nhân ái hay giúp đỡ người nghèo lẫn tình cảm hiếu thảo với mẹ chồng.
21 tuổi, chị Hồng theo chồng là anh Triệu Quốc Dũng về làm dâu trong gia đình ở ấp Bình Thắng, xã An Bình. Bà Đỗ Thị Cúc, mẹ chồng chị là người rất nghiêm khắc. Vì vậy, quan điểm sống của chị và mẹ chồng có phần khác biệt. Khi anh chị chưa kịp xin ra ở riêng để giữ hòa khí gia đình thì mẹ chồng chị Hồng phải nhập viện vì bệnh cao huyết áp.
Với tâm niệm mong muốn mẹ khỏi bệnh vui vầy cùng con cháu chị dành hết tình thương yêu chăm sóc cho mẹ từng chén cháo, giấc ngủ. Lần ấy, bà Cúc nằm viện khá lâu. Tất cả mọi việc lớn nhỏ có liên quan đến bà đều một tay chị đảm đang, lo cho mẹ từng cái nhỏ nhặt nhất, từ thói quen sinh hoạt đến sở thích ăn uống.
Ban đầu, bà Cúc cự tuyệt sự chăm sóc của cô con dâu nhưng dần dà sự yêu thương, chăm sóc ân cần của chị Hồng đã chinh phục mẹ chồng. Bà Cúc xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của con cháu và sự phấn khởi trên khuôn mặt rạng ngời của cô con dâu. Năm nay, bà Cúc đã ngoài 72 tuổi, mỗi khi có ai nhắc đến chị Hồng bà rất tự hào và yêu quý người con dâu thứ của mình.
Ở đời tình cảm là thứ không thể cưỡng ép mà phải xuất phát từ cảm xúc thực. Nắm được bí quyết này, rất nhiều bà mẹ chồng đã biết yêu thương con dâu ngay từ thuở “bơ vơ mới về”. Bà Phạm Thị Chín – Chủ tịch Hội LHPN phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội – người sáng lập ra Câu lạc bộ mẹ chồng – nàng dâu vẫn còn nhớ như in nước mắt của những bà mẹ chồng ngày đầu mới thành lập câu lạc bộ.
“Tôi còn nhớ một trong những thành viên đầu tiên của CLB là bà H. Bà này có 2 con dâu sống chung một gia đình. Và tất nhiên trong cư xử hàng ngày tất không thể tránh những va chạm, đánh giá từ phía mẹ chồng với các con dâu.
Mâu thuẫn cũng theo đó mà nảy sinh, con dâu trách mẹ chồng thiên vị, thương người này ghét bỏ người kia. Và đáng buồn hơn là họ không nói điều đó với mẹ chồng mình mà nhờ qua mồm hàng xóm để đến tai bà. Vốn là người phụ nữ kín đáo, bà đã khóc khi thấy láng giềng quá tỏ chuyện nhà mình như vậy, trong khi không ai biết rằng trong lòng bà luôn thương đều hai con dâu như nhau. Khi đến với CLB bà đã khóc vì những tâm sự nặng nề như thế”.
Với vai trò của mình, Câu lạc bộ mẹ chồng – nàng dâu đã “mở cửa” giúp những trái tim mẹ chồng – nàng dâu hiểu và yêu nhau hơn. Những bà mẹ chồng thành viên câu lạc bộ cũng như bà Phạm Thị Chín – người sáng lập và bản thân cũng là mẹ chồng của hai nàng dâu đã nhận ra một điều rằng: Hãy cứ chủ động yêu thương con dâu và rồi sự đền đáp sẽ đến…
Lắng nghe nhà tâm lý * Làm mẹ kế nên biết cư xử đúng mực và thật lòng. Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình, tâm lý chung của những đứa con chồng đối với mẹ kế ban đầu bao giờ cũng là sự nghi ngại, không thoải mái, thậm chí là lo lắng sẽ mất đi hay phải san sẻ quyền lợi với người mẹ kế đó. Nếu con riêng của chồng còn nhỏ thì việc chống lại mẹ kế chủ yếu là vì tình cảm. Đứa trẻ lo sợ bà mẹ kế sẽ lấy hết tình cảm, sự quan tâm chăm sóc mà bố nó dành cho nó. Còn đối với trường hợp con chồng đã trưởng thành thì hầu hết việc chống lại mẹ kế là vì quyền lợi về kinh tế (như nhà cửa, tiền bạc…). Vì thế với con chồng còn nhỏ, người mẹ kế ngay từ đầu nên tỏ rõ rằng mình không muốn và cũng không có ý định giành giật, chiếm hết tình cảm của bố đứa trẻ cố gắng thân thiện, thể hiện tình cảm, sự quan tâm thật lòng, chân thành với con chồng. Trường hợp con chồng đã trưởng thành thì người mẹ kế càng phải khéo léo hơn. Luôn cư xử đúng mực, thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe đối với con chồng, qua đó dần dần thuyết phục họ rằng bạn chân thành, thật lòng đến với bố họ chứ không phải vì mục đích nào khác. * Mẹ chồng – con dâu : Hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau. Lý do chủ yếu làm xấu đi mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là sự không hiểu nhau. Để xoá bỏ mâu thuẫn, theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân thì nếu ai từng rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu điều trước tiên là hãy cố gắng lý giải và tìm ra nguyên nhân sâu xa của những hành động đó. Nếu cả mẹ chồng và con dâu đều cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau thì như thế là họ đã tạo ra cơ hội để hiểu và dễ thông cảm cho nhau hơn. Nếu như người mẹ chồng nào cũng nghĩ rằng: “Dâu là con, nó đã về gia đình mình, cũng như con gái mình đi lấy chồng, mình thương nó rồi nó cũng sẽ thương mình”. Và người con dâu nào cũng nghĩ: “Mặc dù mẹ không trực tiếp sinh ra mình nhưng có công sinh thành nuôi dưỡng chồng mình. Vì vậy việc kính yêu, tôn trọng bố mẹ chồng là điều mà một người con dâu nên làm” thì có lẽ chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu sẽ không còn nhức nhối nữa. |
Hà An