Chuyện chưa kể về những 'thợ mò' trên sông Loan

(PLO) - Trong cái rét như cắt da thịt, đoàn người vẫn liên tục, không ngừng đổ ra giữa dòng sông Loan (Quảng Bình) để lặn, mò các sản vật trời phú. Trong lòng sông ấy dễ thấy chi chít những mái đầu nhấp nhô... Người ta ví họ là những “thợ mò” trên dòng sông Loan…
Không quản thời tiết, những “thợ mò” vẫn ra sông, ngâm mình liên tục hàng giờ.
Không quản thời tiết, những “thợ mò” vẫn ra sông, ngâm mình liên tục hàng giờ.

Buổi tiệc sông “hàu chón… hàu giàn”

Đó là tên của một sản vật trên dòng sông Loan, đơn giản chỉ là một loại hàu đã có từ trước ở dòng sông. Cái tên “hàu chón” “hàu giàn” nghe cứ ngồ ngộ, nhưng cách lý giải thì giản dị lắm.

“Những con hàu ở giữa dòng sông, sống tự thân không bám vào giàn đá nào thì gọi là hàu chón, loại này bỏ nhiều công sức hơn, cần phải lặn ngụp mò ở giữa dòng sông khi con nước triều rút cạn thì mới lấy được, khi về lể ra (bóc/tách vỏ hàu để lấy ruột - PV) hàu được to hơn nhiều. Còn hàu giàn nghĩa là những con hàu sống chung, chi chít ở các giàn đá to gần bờ, loại này không phải mò lặn gì, nhưng cần phải cẩn thận lể thì mới được. Tên gọi vậy, là do người trong vùng gọi với nhau thôi chứ ngoài vùng thì có tên khác” - chị Phan Thị Nhung, 36 tuổi, thôn 2, xã Quảng Kim lý giải.

“Hàu ở sông Loan rất ngon, thơm và ngọt nước lắm! Nhưng hàu khi chưa lể ra rất bén, nếu không may bị hàu cắt nhằm tay hoặc chân thì nguy hiểm lắm, vết thương rất sâu, đau đớn và rất khó chịu. Có nhiều người phải chịu tật vì bị hàu cắt. Nhưng tụi tui ở đây quen rồi, nên ít khi bị hàu cắt lắm” - chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú đứng kế bên góp lời.

Công cụ bóc/tách hàu do người dân tự chế từ trước kia.
Công cụ bóc/tách hàu do người dân tự chế từ trước kia. 

Theo lý giải của dân bản địa, gọi những người lặn ngụp giữa con nước sông Loan là “thợ mò” cũng phải, bởi không ai biết, xác định họ đang mò gì ở dưới lòng sông cả. Người thì bóc/tách hàu, người thì mò để lấy ngao, người thì bắt con cá, con ốc… tóm lại, là đụng gì bắt nấy. 

Sông Loan bắt nguồn từ lũy Hoành Sơn, là một trong 5 hệ thống sông lớn của tỉnh Quảng Bình. Do thủy triều lên xuống đều đặn cộng thêm sự hợp lưu của 2 con nước mặn từ cửa biển, ngọt từ cửa núi đã hun đúc cho dòng sông nhiều sản vật dân dã nuôi sống bao nhiêu thế hệ con người từ ngàn năm qua. 

Chị Lên Thị Mận, 26 tuổi ở thôn Phú Lộc 1, một “thợ mò” đang rẽ ngang con nước lại gần chúng tôi, chị hồ hởi tâm sự: “Công việc thấy vậy mà đem lại thu nhập khá lắm mấy chú à! Có những người kiếm được 5 đến 6 trăm nghìn đồng, chỉ vào buổi sáng, thấy họ mò mò thế đó, nhưng chắc ăn lắm! Chỉ khổ là phải ngâm mình suốt dưới lòng sông rứa đó”.

Quả thực, do phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ nên bàn tay của “thợ mò” đều buốt cứng, trắng và chi chít những vết cứa nham nhở do đụng phải hàu. 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết, để công việc được thuận lợi những người dân nơi đây họ phải nắm rõ được quy luật lên xuống của thủy triều trong tháng. Nghĩa là những hôm nào, giờ nào nước bắt đầu rút cạn và lúc nào thì nước dâng lên cao. Chẳng hạn, những khi nước rút cạn vào buổi đêm, từ 1 đến 2 giờ sáng thì “thợ mò” nơi đây vẫn đội đèn ra giữa sông để hành nghề. 

Nghe người dân trong vùng kể, cánh thợ ở hai xã Quảng Châu và Quảng Tùng là những người được mệnh danh “thợ mò” giỏi nhất. Chị Phan Thị Nhung cho biết, “họ chịu rét giỏi lắm! Hôm nay còn ấm hơn chứ mấy hôm trước trời rét run người mà họ vẫn lặn lội ngoài nớ suốt vậy. Bên kia có những người kiếm được năm đến sáu trăm đồng chỉ làm việc có năm giờ đồng hồ trong mỗi ngày chứ mấy”. 

Chỉ tay ra giữa dòng sông, chị Nhung tiếp lời: “Ngoài kia là hàu chón, con to hơn nên mỗi ngày có người lặn mò được bốn đến năm cân. Mỗi cân với loại hàu chón có giá lên đến một trăm năm mươi nghìn đồng đó. Tuy vậy nhưng công việc của họ cực nhọc hơn nhiều, khổ lắm mấy chú à!”. Quả thực, tuy thu nhập từ cái nghề mò mẫm này rất cao nhưng cũng tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm. Chẳng hạn, cách đây 1 năm, tại xã Quảng Châu có trường hợp khi đang hành nghề trên sông do không nắm rõ con nước nên bị đuối nước chết. Nạn nhân chết 2 bàn tay còn ôm khư khư những tảng hàu. 

“Si si, sáo sáo” nuôi người

Ở các phụ lưu của sông Loan vào độ tháng 4 đến tháng 6, những hôm trăng mọc thì triều xuống nước sông khô cạn, có chỗ tới mấp mé gót chân. Trái lại, những hôm trăng lặn thì triều lại lên, nước tràn về đầy sông. Thế triều lên mang theo những hải sản từ biển, những con “sáo sáo”, “si si”, hàu, ốc, ngao… cũng từ đó mà được sinh ra hàng ngày. Lợi dụng thế triều và nắm rõ quy luật thủy triều, cư dân sinh sống bên dòng sông mưu sinh bằng đủ thứ nghề như “mò ngao”, “khẻ hàu”, đào/đãi để lấy con “si si”, “sáo sáo”…

Cái tên “si si” “sáo sáo” nghe cứ ngồ ngộ, hỏi ra thì mới biết chỉ có dân ở vùng này mới gọi thế. Đó là tên của một sản vật rất nhỏ dưới lòng sông Loan với thân nhỏ và dài, màu nâu sẫm, lốm đốm trắng.

“Nhất là vào mùa nắng, con “si si” được người mua chuộng lắm, người dăm, ba chục về nấu canh, nấu cháo ăn rất mát và khỏe người lắm! Cũng lạ, ở Bến Mít (tên của một nhánh sông Loan - PV) này, những ngày cao điểm nhất có hơn 60 người đào, xát “si si” nhưng ngày nào cũng có vậy, quanh năm, suốt tháng cứ đào đi đãi lại, sao rồi cũng có hết. Hình như nó sinh ra liên tục mỗi ngày hay sao ấy!”- anh Đàm Vinh, 55 tuổi, thôn Hùng Sơn, xã Quảng Kim bộc bạch.

Khi đã lặn được những sản vật từ lòng sông lên, công đoạn tiếp theo là bóc/tách hàu ra lấy ruột, nuôi sống bằng nước sông đợi hôm sau đem ra chợ bán.
Khi đã lặn được những sản vật từ lòng sông lên, công đoạn tiếp theo là bóc/tách hàu ra lấy ruột, nuôi sống bằng nước sông đợi hôm sau đem ra chợ bán.

Trong số những người hành nghề đãi “si si” “sáo sáo” ở đây, có mẹ con chị Nguyễn Thị Cung, 50 tuổi cũng ở thôn Hùng Sơn. Chị Cung được người trong làng mệnh danh là “vua đãi si si”. Nói vậy cũng phải lắm, bởi khi tiếp xúc với chị chúng tôi thấy được chị là một con người nhanh nhẹn và rất tháo vác, quanh năm tần tảo làm đủ nghề để nuôi 2 con trai ăn học.

Chị kể, có hôm con nước bạc, đầu mùa đổ về, chị Cung vẫn phải ra sông để đãi “si si” để kiếm tiền, thu nhập của mẹ con chị mỗi ngày từ việc đãi “si si” cũng khá lắm, cứ đều đặn hơn 200 nghìn đồng mỗi ngày. “Vậy là khá lắm rồi, chứ sức lực như mẹ con tui thì làm gì ra, để kiếm ngần ấy tiền mỗi ngày chứ!” -  chị Cung cho biết.

Cũng như nghề lặn hàu, đãi “si si, sáo sáo” cũng đem thu nhập khá cao cho những người dân nơi đây. Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó của người thợ mới mong kiếm được nhiều sản vật. Với lại thủy triều ở dòng sông Loan rất thất thường, nên phải canh chừng con nước để hành nghề thì mới trọn công. Cứ như thế, khi nước sông rút cạn đoàn người chuẩn bị sang, sải xuống dòng sông để hành nghề, cho đến khi triều lên, nước tràn về đầy sông đoàn người mới chịu ra về. 

Công việc còn lại, đó chính là tách “si si, sáo sáo” ra để lấy ruột của nó, rồi đem ra chợ bán lấy tiền. Nhìn đoàn người ra về sau một buổi đào, đãi trên khuôn mặt ai cũng mệt lả và đói, nhưng nhìn vào giỏ đầy “si si, sáo sáo” trên tay thì trông như ai cũng mãn nguyện lắm.

…Chiều muộn, trên triền sông Loan khi triều lên, nước ở biển tràn ngập các nhánh sông, con sông oằn mình lững lờ trôi. Đám dân vạn ở bến đò cũ xã Quảng Châu (nay là cầu Quảng Châu) bắt đầu hạ giàn rớ, những ánh đèn măng xông, đèn điện được thắp lên, ủ một màu vàng đậm, in vệt sóng sánh trong con nước dập dềnh.

Đọc thêm