Chuyện của những “làng OCOP ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngôi làng truyền thống, những khu du lịch làng nghề nông thôn giờ đây đang ngày một phát huy sức mạnh của mình, trở thành một trong những chiếc “xương sống” cho ngành du lịch nội địa.
Một điểm du lịch canh nông Đà Lạt.
Một điểm du lịch canh nông Đà Lạt.

Khi sản phẩm OCOP chung sức cùng du lịch

Những năm gần đây, ngành du lịch nhắc nhiều đến thuật ngữ OCOP. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Quả thật, những năm gần đây, đã có không ít sản phẩm OCOP đã góp phần tạo sức bật cho du lịch cả một vùng đất. Giới du lịch gần đây thường kháo nhau về địa điểm làng Gò Cỏ, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa trung tâm di sản, văn hóa cổ Sa Huỳnh (rộng 1.700ha). Làng Gò Cỏ (Đức Phổ - Quảng Ngãi) với 83 hộ dân khá biệt lập, được biết đến như là một điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, kỳ bí - nơi du khách được trải nghiệm một không gian sống cổ xưa, dưới trầm tích văn hóa, lịch sử có niên đại 2.500-3.000 năm.

Được biết, trước kia, khu vực này gần như bị lãng quên. Sau đó, nhờ một số người tiên phong, tâm huyết trong ngành du lịch, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều cư dân trẻ trong làng đã hăng hái tham gia tạo nên những sản phẩm du lịch có dấu ấn riêng của địa phương.

Tháng 12/2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ chính thức được tỉnh Quảng Ngãi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trên cơ sở đó, công viên di sản làng Gò Cỏ ra đời với bản đồ du lịch rất chi tiết về 105ha lõi di sản Sa Huỳnh. Hiện, làng Gò Cỏ có 9 tổ du lịch cộng đồng, gồm: homestay, ăn uống, giao lưu, bài chòi, hát múa; 3 tổ trải nghiệm nấu ăn, đan lưới, làm nông dân; và 9 tổ trải nghiệm (mỗi tổ 5-7 thành viên) thuyền chèo bằng tre ven biển…

Nói đến du lịch nông thôn gắn với sản phẩm địa phương, khó mà không kể đến Đà Lạt - Lâm Đồng, được coi là “thủ phủ” của du lịch canh nông. Những năm gần đây, các khu vực ngoại ô thành phố Đà Lạt phát triển nhanh, thu hút lượng du khách lớn chính là nhờ vào loại hình du lịch canh nông nói trên. Du lịch canh nông là loại hình du lịch kết hợp hoạt động trồng trọt, khai thác nông sản, vốn diễn ra tự phát ở Đà Lạt hàng chục năm nay. Thông thường du khách đến tham quan những vườn hoa, trang trại rau, củ, quả và muốn mua sản phẩm tại vườn. Có thể kể đến hàng loạt điểm du lịch canh nông nổi tiếng Đà Lạt những năm gần đây như đồi chè Cầu Đất kinh doanh du lịch canh nông với tên Cầu Đất Farm, trang trại hoa Đà Lạt Milk, làng hoa Vạn Thành, làng hoa Thái Phiên, các vườn dâu hái tại vườn...

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu đưa du lịch canh nông vào khuôn khổ. Năm 2020, Sở VH,TT&DL Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, các mô hình du lịch canh nông thu hút và giải quyết việc làm gần 1.000 lao động của địa phương, trong đó có 48 hướng dẫn viên du lịch tại điểm được tập huấn và cấp thẻ. Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 (đầu năm 2018 thẩm định và công nhận điểm du lịch canh nông) đến nay đạt gần 6 triệu lượt khách. Hiện nay, có 9/33 mô hình du lịch canh nông bán vé cho khách tham quan với giá vé từ 10 - 100 nghìn đồng. Tổng doanh thu từ các mô hình du lịch canh nông gần 250 tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước khoảng 25 tỉ đồng.

Ninh Thuận cũng là một vùng đất dẫu không được thiên nhiên trao nhiều ưu đãi về khí hậu, nhưng lại rất biết tận dụng những lợi thế sẵn có để làm du lịch nông thôn. Ngoài những làng nghề cổ như làng gốm, làng dệt, du lịch Ninh Thuận những năm qua cũng khá thành công với mô hình canh nông, đặc biệt là sự phát triển của trang trại nho và du lịch tham quan trang trại, trong đó có thể kể đến địa danh làng nho Thái An. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, khu vực làng nho Thái An đón nhận một lượng khách tham quan khổng lồ, khiến người làm du lịch phấn chấn sau một thời gian dài ngủ đông vì Covid -19.

Chị Trần Thị Hiền, chủ vườn nho Hiền Hòa ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Qua 3 ngày Tết, vườn nho của gia đình tôi thu hút khoảng 400 lượt khách đến tham quan và mua nho chín tại vườn, hiện tại nho đỏ tại vườn là 50.000 đồng/kg, nho xanh 80.000 đồng/kg, nho NH01-152 là 130.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao hơn năm ngoái do khan hiếm nho nhưng du khách rất hài lòng.

Phát huy lợi thế

Ngoài những vùng sản phẩm OCOP kết hợp du lịch dựa trên lợi thế của địa phương, thì việc đưa những ngôi làng nghề cổ vào chương trình OCOP để tạo sức bật cho những vùng đất cũng rất cần thiết. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam còn có gần 2.000 làng nghề thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, làm bánh kẹo...

Hầu như tỉnh thành nào trên cả nước cũng có một đến nhiều làng nghề như thế. Có những địa phương, làng nghề chính là một điểm sáng trong du lịch, thu hút khách gần xa.

Làng gốm Bàu Trúc.

Làng gốm Bàu Trúc.

Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp và kỹ thuật nung nấu đặc biệt, đỉnh cao, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc cùng nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm trở thành điểm du lịch Ninh Thuận nổi tiếng.

Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Du khách đến tham quan làng gốm Bàu Trúc ngoài việc tìm hiểu những nét đẹp văn hoá, lịch sử của một làng nghề cổ, du khách còn được theo dõi các nghệ nhân nắn, tạo hình gốm với những đôi bàn tay tài hoa, điêu luyện cùng những thao tác kỹ thuật vô cùng đẹp mắt. Ngoài ra, du khách cũng có thể được trải nghiệm tự tay làm cho mình những chiếc bình hay cốc gốm, vẽ hoa văn và nung lửa như một nghệ nhân gốm thực sự. Đây chính là điểm thú vị khiến làng gốm Bàu Trúc dành được nhiều thiện cảm trong mắt du khách.

Hay như chuyện của làng nghề làm thủ công mỹ nghệ, làm kẹo dừa, nuôi ong... trên cồn Thới Sơn, tỉnh Bến Tre. Từ gần 20 năm về trước, khi du lịch cả nước chưa phát triển, cồn Thới Sơn đã nổi danh trong du khách phía Nam và khách quốc tế bởi tour du lịch sông nước, tham quan hòn đảo nhỏ xinh đẹp với quần thể các làng nghề, được xem nghệ nhân làm kẹo dừa thơm nức, nghe ca cổ uống trà mật ong phấn hoa...

Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân, tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống… Hiện nay tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

Tận dụng ưu thế sông nước và làng nghề, các tỉnh miền Tây thời gian qua cũng bắt đầu gia nhập xu thế lấy OCOP tạo sức bật cho du lịch. Như Đồng Tháp có 80 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển. Đồng Tháp còn được Bộ NN&PTNT chọn là điểm “Làng văn hóa du lịch”. Trong đó, Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc sẽ được quy hoạch thành nhiều khu vực đặc trưng riêng rất hấp dẫn.

Hiện nay, du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỉ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỉ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỉ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%. Điều này cho thấy sức hút và thế mạnh không thể chối cãi của du lịch nông thôn, đặc biệt gắn với sản phẩm OCOP.

Tất nhiên, đó đây vẫn còn những câu chuyện chưa hay trong triển khai. Như Đà Lạt - Lâm Đồng, “bài toán” kiểm soát du lịch canh nông không bị biến tấu, mượn danh, phá vỡ quy hoạch nông thôn đang được đặt ra ráo riết.

Tại một số địa phương khác, du lịch kết hợp OCOP khi triển khai không tốt, có sự biến tướng thành “bẫy” khách hàng đi mua sắm sản phẩm, ăn chia hoa hồng, chèo kéo khách hàng...

Làm sao để sản phẩm OCOP chung sức tạo sức bật cho ngành du lịch, làm sao để phát triển “2 trong 1” là “bài toán” không đơn giản, cần những người quản lý có tâm, có tầm, cần sự nỗ lực và nhiệt huyết với ngành du lịch Việt.

Đọc thêm