Chuyện của… Trúc Chỉ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tranh Trúc Chỉ được biết đến như những “bức tranh trong giấy”. Hầu hết các bức tranh Trúc Chỉ đều mang nét đẹp hoài cổ Việt Nam, được thể hiện qua hình ảnh bông sen, ánh trăng tròn, khóm trúc, con trâu...
Thưởng trà, ngắm tranh trong không gian triển lãm Trúc chỉ tại Hà Nội. (Ảnh: Trúc chỉ Garden)
Thưởng trà, ngắm tranh trong không gian triển lãm Trúc chỉ tại Hà Nội. (Ảnh: Trúc chỉ Garden)

Từ chiếc nón bài thơ xứ Huế

Trúc Chỉ là sản phẩm được bắt đầu từ một dự án cá nhân của họa sĩ Phan Hải Bằng (Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế). Với nhu cầu tìm kiếm một loại giấy mới, trải qua quá trình dài nghiên cứu về giấy thủ công tại các làng nghề thủ công khắp mọi miền Việt Nam đã kích thích anh tới những ý nghĩ táo bạo: Giấy thủ công có phải chỉ có mỗi giấy dó? Liệu giấy có thể là một tác phẩm tự thân hay không? Có thể tạo ra một môi trường cho nghệ thuật giấy hay không? Từ đó, anh mong muốn mang lại cho giấy thêm khả năng, “thoát” khỏi thân phận làm nền để trở thành tác phẩm tự thân, độc lập. Và bắt đầu từ năm 2000, họa sĩ Phan Hải Bằng đã cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển Trúc Chỉ. Đội ngũ nghệ sĩ đã liên tục nghiên cứu và sáng tạo để mang thêm một lựa chọn thẩm mỹ thông qua nghệ thuật giấy cho Việt Nam và thế giới.

Dựa trên cơ sở giấy truyền thống, nghệ thuật giấy, giấy nghệ thuật Trúc Chỉ mang hàm ý tre trúc là biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt. Không chỉ mang chất liệu từ cây tre, một tác phẩm Trúc Chỉ còn có chất liệu là các xơ sợi từ trúc, giang, chuối, ngô, rơm, lục bình, dừa, bã mía… với độ óng và màu sắc khác nhau. Kết hợp với tính chất bề mặt, độ thấm hút khác nhau của từng loại giấy khác nhau (giấy dó, giấy tái chế…) mà cho ra những tác phẩm tranh Trúc Chỉ khác nhau theo ý đồ của người nghệ sĩ.

Tên gọi Trúc Chỉ được định danh bởi dịch giả Bửu Ý vào năm 2014, với ý nghĩa tương đồng với washi (hòa chỉ) là từ để chỉ giấy thủ công của người Nhật, hanji (hàn chỉ) là từ để chỉ giấy thủ công của người Hàn Quốc, nhưng đặc biệt hơn ở chỗ gợi đến hình tượng cây tre, cây trúc, một biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt, thay vì chỉ một nguyên liệu cụ thể.

Hình ảnh nón bài thơ Huế với yếu tố nghệ thuật thị giác đã gợi cảm hứng cho họa sĩ Phan Hải Bằng bắt đầu với tranh Trúc Chỉ. Họa sĩ chia sẻ: “Nón bài thơ là câu chuyện về chàng trai đã viết bài thơ tình của mình lên chiếc nón (mỏng) đặc biệt, để đến khi đưa chiếc nón lên cao dưới ánh sáng (mặt trời) thì sự hiện diện còn lại duy nhất chính là bài thơ. Còn ở Trúc Chỉ, “bài thơ” ấy chính là một tác phẩm rõ rệt”.

Hơn nữa, toàn bộ tinh thần của nghệ thuật Trúc Chỉ được gói gọn trong biểu tượng “chiếc đòn gánh”, thường được đặt trang trọng trong không gian của Trúc Chỉ. Chiếc đòn gánh - dụng cụ truyền thống, phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Việt xưa, thể hiện sức mạnh nội lực và năng lượng dẻo dai của người mẹ thông qua đặc tính bền vững của chất liệu xơ sợi.

Theo đuổi nghệ thuật giấy, Hải Bằng tự tạo cho mình sân chơi, với công đoạn đầu là của nghề giấy thủ công truyền thống trên chất liệu xơ sợi thân thiện với môi trường. Chất liệu đó có thể là xơ sợi từ tre, trúc, giang, chuối, ngô, rơm, lục bình, dừa, bã mía, cỏ… “Từ năm 2000, tôi đã làm ra tấm giấy đầu tiên từ những miếng giấy tái chế, giấy vệ sinh… Đến năm 2007 - 2008, tôi nhận được học bổng châu Á học và đến Chiang Mai (Thái Lan) để nghiên cứu về giấy trong 7 tháng ròng. Năm 2011, tôi xây dựng xưởng thực nghiệm trong Trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế) trong tình cảnh rất khó khăn. Tôi đã tận dụng đủ thứ, nhặt gạch quanh trường để xây lò, mua thùng làm nồi nấu giấy... Tôi chẻ tre, còn mẹ tôi đi xin bã mía quanh phố, rơm thì học trò lấy từ quê lên, chuối thì tôi chặt trong vườn của trường... để thử nghiệm.

Có được nguyên liệu, tôi ngâm, nấu, rồi seo thành giấy, rồi làm tranh..., vừa làm vừa ghi chép. Tôi phải thử nghiệm nhiều lần và tốn rất nhiều thời gian mới đưa ra được một công thức cho từng loại nguyên liệu. Sau khi hoàn thành, khả năng đầu tiên của giấy là làm nền; khả năng thứ hai là giấy thành tác phẩm tự thân, có thể tạo nên các sắc độ sáng tối; khả năng thứ ba là đối thoại giữa nền trúc chỉ với tín hiệu sẽ được in, vẽ… lên trên đó”.

Hòa vào dòng chảy nghệ thuật thế giới, tại sao không…

Đại diện Trúc Chỉ Hà Nội, CEO Vũ Thị Kim Dung cho biết: Khi trực tiếp ngắm nhìn và dùng tay sờ vào những chất liệu xơ sợi, người xem sẽ cảm nhận được sự cầu kỳ, tinh tế và sự tỉ mỉ của người họa sĩ. Nhiều người chia sẻ, họ thực sự trân quý những sáng tạo được xây dựng dựa trên nền móng của nghề giấy thủ công truyền thống, kết hợp giữa xưa và nay để tạo ra một loại nghệ thuật giấy mới. Ngày xưa giấy dó thường dùng để viết chữ nho hay làm tranh Đông Hồ nhưng giờ những giá trị đó dần dần bị mai một. Một điều trân quý hơn nữa là tất cả những nguyên liệu dùng chủ yếu là từ những nguyên liệu địa phương, rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam như: tre trúc, bã mía, dâu tằm... Trong guồng quay cuộc sống hiện nay, tranh Trúc Chỉ đưa người xem trở về với những giá trị xưa cũ, gần gũi thiên nhiên, giúp giảm bớt áp lực của cuộc sống, mang lại nhiều xúc cảm và sự an nhiên, tự tại.

Bà Vũ Thị Kim Dung cho biết, ban đầu Trúc Chỉ Hà Nội chỉ có tác phẩm tranh Trúc Chỉ nhưng sau để khẳng định vị thế của mình so với các cái dòng tranh nhái trên thị trường, tranh Trúc Chỉ Hà Nội đã đưa nhiều ứng dụng vào trong không gian nội thất khác nhau, từ không gian phòng gia đình, cơ quan làm việc, không gian về thờ thiền đến các không gian chính trị và văn hóa quan trọng của quốc gia như Văn phòng Chính phủ, tác phẩm trong đường hầm Quốc hội... mang những nét văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc. Với bộ tranh “Vọng niệm” được trưng bày ở đường hầm Quốc hội thể hiện như một nỗi nhớ về những vàng son lộng lẫy trên đất cố đô từ thời các chúa Nguyễn cho đến thời nhà Nguyễn, thể hiện những mảnh vụn di sản kiến trúc Huế trên nền giấy truyền thống. Bằng sự kết hợp chất liệu giấy Trúc Chỉ với nghệ thuật ánh sáng, tác phẩm thể hiện tinh thần hào sảng và hùng tráng của người Việt trên Biển Đông. Hình tượng những chiến thuyền được đan cài ẩn hiện với hệ thống sóng nước, vân mây, hoa lá… Thuyền giống như một chuyến du hành vào lịch sử thông qua hệ thống hình ảnh về các phương tiện và các hình thức di chuyển cổ xưa trong đời sống vật chất và tâm linh của người Việt...

Họa sỹ Hải Bằng mong tranh Trúc Chỉ hòa vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. (Ảnh: NVCC)

Họa sỹ Hải Bằng mong tranh Trúc Chỉ hòa vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. (Ảnh: NVCC)

Theo họa sỹ Hải Bằng, để làm một tác phẩm Trúc Chỉ cần trải qua hai giai đoạn: làm giấy, sau đó là Trúc Chỉ. Mỗi tác phẩm đều mang tính sáng tạo cao với những thiết kế riêng biệt, sử dụng trong những không gian khác nhau. Vì thế, việc chọn loại giấy và làm giấy trong quá trình kết hợp với nước và sau đó là Trúc Chỉ cần nhiều công phu - để khi đặt tác phẩm trong không gian nào mới có thể bật lên vẻ đẹp của tác phẩm ấy thông qua các hiệu ứng ánh sáng.

Đầu tiên, họa sĩ ngâm nguyên liệu thô như tre, rơm, mía, bèo…, sau đó nấu với vôi, nghiền, giã thành bột giấy rồi “seo” thành tấm giấy trên khung. Tiếp đó là kỹ thuật Trúc Chỉ, được thực hiện ngay trên tấm giấy ướt. Họa sĩ sẽ sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo nên độ dày mỏng khác nhau, với những hình ảnh đã được cắt trổ theo phác thảo, ứng với hệ thống sắc độ khi tương tác với ánh sáng.

Bà Dung chia sẻ thêm, để phân biệt bức tranh Trúc Chỉ đẹp, người xem có thể dựa vào sự mềm mại của bức tranh, từng lớp lang trên một bức tranh. Ví dụ tranh Trúc Chỉ Huế sẽ 4 - 5 lớp dày mỏng khác nhau, chính độ dày mỏng này sẽ tạo nên chiều sâu, độ xa gần cho bức tranh. Với mỗi tác phẩm, họa sĩ đều phải sắp xếp từng họa tiết bằng tay với tư duy thẩm mỹ nên nét vẽ luôn mềm mại, uyển chuyển và sống động. Điểm đặc biệt của tranh Trúc Chỉ là mỗi sản phẩm là một độc bản các họa tiết in chìm trên đó, có nét nghệ thuật độc đáo riêng. Và chỉ riêng công đoạn về xử lý nguyên vật liệu đã có đến hàng chục các loại tơ sợi khác nhau: từ xơ sợi tre, xơ sợi mía, lá dâu tằm, ngó sen, dâu ngô... trên một tác phẩm. Đó chính là sự luân phiên, sự kết hợp đa dạng của nhiều loại xơ sợi. Đầu tiên là chẻ nhỏ tre ra rồi phân loại ruột, vỏ, sau đó ngâm với nước vôi suốt đêm, rồi nấu 12 giờ liên tục và cho vào máy nghiền thành bột giấy. Tiếp đó, đổ bột lên khuôn rồi cho vào máy ép khô nước. Còn hình ảnh, hoa văn trên giấy được tạo bằng cách sử dụng bút nước rửa ngay trên tấm giấy còn ướt, sau đó đem phơi khô. Sau khi tranh giấy hoàn thành thì bồi lên một lớp vải lụa để bảo đảm độ dai, độ an toàn cho bức tranh giấy, không dễ bị rách.

Có thể thấy, tranh Trúc Chỉ không những mang hơi thở quá khứ mà từ đó là những sáng tạo bất tận trong cuộc sống đương đại. Sau hơn 10 năm, tranh Trúc Chỉ đang dần dần được đón nhận như một giá trị văn hóa mới đậm chất Việt.

Họa sỹ Hải Bằng bày tỏ: “Tôi từng có mong muốn xây dựng Trúc Chỉ thành một môn học (paper art) trong Trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế). Tuy nhiên, đến giờ vẫn còn là ước mong.

Tôi mong ước đến một ngày nào đó, tính phổ quát của Trúc Chỉ sẽ vươn ra trên toàn thế giới. Sẽ có những họa sĩ ở châu Phi, châu Mỹ... sáng tạo nghệ thuật giấy, mà hồ sơ tác phẩm ở mục kỹ thuật chất liệu được sẽ được ghi là trucchigraphy. Với tính phổ quát đó, Trúc Chỉ sẽ là đóng góp của Việt Nam vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Đó là cách trả ơn, như chúng tôi học hỏi từ bạn nhiều thứ để hình thành nên trucchigraphy, Trúc Chỉ và nhiều thứ khác nữa. Đó cũng là cách ứng xử mở rộng ra với truyền thống nhân loại chứ không riêng gì Việt Nam”…

Đọc thêm