Chuyện cười ra nước mắt khi TP HCM giãn cách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyện dở khóc dở cười do ý thức kém của một số người dân, các chàng độc thân "khóc ròng" vì không biết nấu ăn... trong những ngày đầu TP HCM giãn cách xã hội khiến cư dân mạng xôn xao.

Nam thanh niên thản nhiên tập thể dục bất chấp công an nhắc nhở

Theo đó, chiều 9/7, tổ liên ngành UBND phường An Phú (TP Thủ Đức) phát hiện một nam thanh niên (khoảng 30 tuổi) không đeo khẩu trang, một mình đứng tập thể dục tại Công viên Cao Đức Lân.

Lực lượng chức năng đến nhắc nhở nam thanh niên đeo khẩu trang và về nhà nhưng người này "phớt lờ", thản nhiên tập thể dục.

Sau các bài tập thể dục, anh này mới theo tổ công tác về phường làm việc. UBND phường An Phú đã ra quyết định xử phạt người này tổng cộng 4 triệu đồng với 2 lỗi không đeo khẩu trang và ra đường khi không thật sự cần thiết theo nghị định 117/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực y tế.

Nhiều người chứng kiến không khỏi bất bình, yêu cầu phạt kịch khung đối với nam thanh niên về hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cô gái ngồi thêu trong công viên "cãi cùn" lực lượng chống dịch

Một cô gái ngồi thêu trong công viên, không đeo khẩu trang cũng được lực lượng chống dịch nhắc nhở. Thế nhưng thay vì chấp hành, cô gái này liên tục "cãi cùn", chống đối và khẳng định mình không tiếp xúc với ai nên không cần đeo khẩu trang.

Người này còn hỏi vặn lại lực lượng chức năng: "Tại sao tôi phải đeo khẩu trang? Tôi đi một mình mà? Tiếp xúc mới đeo khẩu trang, không tiếp xúc với ai không cần đeo khẩu trang.

Tôi nói anh bịa ra những điều đó được hay không? Không có cái luật gì như vậy hết. Tôi là công dân tôi không biết gì hết thì làm sao tôi thực hiện?

Cô gái ngồi thêu bất chấp lực lượng phòng dịch nhắc nhở.

Cô gái ngồi thêu bất chấp lực lượng phòng dịch nhắc nhở.

Tại sao tôi phải tìm hiểu? Các anh là những người đứng ở trên, các anh đưa ra nội quy, quy định thì các anh phải là người đi đến từng hộ gia đình, từng công dân phải nắm được nội quy đó thì người ta mới thực hiện".

Một thành viên trong tổ công tác vẫn cố gắng giải thích: "Chị nghĩ vậy là sai rồi. Người ta quy định là bước ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và không được vào công viên. Người ta quy định rõ như vậy đó".

Khi được hỏi địa chỉ nhà, yêu cầu cung cấp nhân thân thì người phụ nữ lớn tiếng: "Tôi ở Việt Nam, tôi ở trái đất chứ ở đâu".

Đoạn clip sau khi được đăng tải lên mạng khiến người xem bức xúc. Nhiều ý kiến đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp trên để làm gương cho người khác và giảm áp lực cho lực lượng chống dịch trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Nhiều người loay hoay vì không biết nấu ăn

Anh Phạm Thiên Đăng (30 tuổi, trọ trên đường Phan Chu Trinh, phường 14, quận Bình Thạnh) bối rối trước thông tin tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đăng đau đầu với bài toán xoay xở ăn uống cho qua hết mùa giãn cách này.

“Trong ngày giãn cách đầu tiên, không biết tìm đồ ăn ở đâu nên phải khai trương mì gói sớm. Mà không lẽ ăn mì gói suốt 15 ngày và mỗi ngày 3 cữ mì gói. Như vậy ăn sao nổi đây?”, Thiên than thở.

Có sẵn dụng cụ nấu ăn nhưng Thái Sơn (TP Thủ Đức) thậm chí không phân biệt được các loại chảo. Món trứng ốp la cháy khét khi rán bằng nồi.

"Mình không biết rằng chiếc nồi nhà mình không chống dính. Sau khi nấu canh, mình đổ dầu ăn vào nồi để rán trứng khiến dầu bắn tung toé. Sau đó trứng còn bị cháy và dính vào đáy nồi", Thái Sơn kể lại.

Món trứng cháy của Thái Sơn.

Món trứng cháy của Thái Sơn.

Rút kinh nghiệm từ món trứng ốp la, Sơn sau đó chỉ chủ yếu chế biến món xào hoặc luộc. Thịt heo luộc, rau cải luộc, trứng luộc là những món ăn quen thuộc với Sơn những ngày vừa qua.

Còn Nguyễn Hoàng Danh (24 tuổi, đường Lạc Long Quân, Quận 11) cho biết trước toàn ăn cơm tiệm, giờ tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về nên an tức tốc chạy đi mua nồi niêu xoong chảo để tự phục vụ.

“Nhận được thông tin là mình lo đi mua liền, mình mua 1 nồi, 1 chảo, 1 đôi đũa, 1 cái muỗng và 2 cái chén. Sau đó về gọi điện hỏi mẹ cách kho thịt với trứng để ăn được nhiều ngày như ngày tết. Nhưng vì lần đầu nấu, dù mẹ đã chỉ dẫn cách, nhưng thấy công thức hơi phức tạp và để an toàn thì mình mua gói thịt kho sẵn về kho thịt thôi chứ chưa dám bỏ trứng vào”, Danh kể.

Mỳ gói là món được nhiều nam thanh niên dùng trong thời gian này.

Mỳ gói là món được nhiều nam thanh niên dùng trong thời gian này.

Trong khi đó, Đỗ Thành Nhơn (25 tuổi, trọ trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.9, Quận 3) thì “dở khóc dở cười” chia sẻ: “Chiều 8/7, khi hay tin thành phố sẽ dừng các dịch vụ ăn uống mang về, đang trong giờ làm nên mình phải nhắn tin xin sếp được nghỉ làm chiều hôm đó để chạy đi mua nồi cơm điện về ứng biến trong 15 ngày tới. Do cũng không biết nấu nướng gì nhiều nên chỉ biết thủ sẵn nồi cơm điện để còn có cơm ăn”.

Đọc thêm