Những ngày đầu năm, xem bói, vận hạn trong năm luôn trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Ngay cả với những kẻ mà “thầy”, “cậu”, “mẹ”... bảo gì cũng cười, không biết làm mặt sợ kính cẩn cũng hăm hở giắt lưng vài số điện thoại các “thầy ruột” xa gần và cả những “thầy” mới nghe nói là...
“Mắt cún buồn, phải hầu cô Bơ”
Đang ngồi trong quán cà phê quen thuộc, bỗng thấy ồn ào. Chúng tôi ngó sang bàn bên, một người phụ nữ nhỏ thó, tóc tém, môi ăn trầu đỏ choẹt đang ngồi lọt thỏm giữa một đám quý bà cùng với tiếng nhạc lên đồng được phát ra từ chiếc điện thọai của cô. Cô có giọng nói líu lo, người đu đưa theo tiếng nhạc và sau mỗi câu phán thường tự thưởng cho mình những tràng cười khanh khách như trẻ nhỏ.
Trước một quý bà có dáng cho vay nặng lãi, ăn chơi khét tiếng, cô phán: “Em mình năm nay có nhiều chuyện buồn, dù tấn tài tấn lộc nhưng tình duyên thì mệt nhọc lắm. Mà em mình mới thế này chứ có tới 70 vẫn cứ mệt nhọc vậy. Đầu năm em mình cần sắm lễ để đặng được nhẹ nhàng...”.
Nói rồi cô bảo ghi lại lễ lạt và những tháng cần tránh trong năm. Một chị sồn sồn cho biết, theo thường lệ, lễ sắm sửa tùy tâm, chi phí bao nhiêu cũng... tùy gia chủ. Tuy nhiên, nếu cứ nghe thầy “phán” thế nào thì làm theo như thế nên lễ giải hạn nếu “có điều kiện” không thể dưới con số 20 triệu.
Nghe cô bạn đồng nghiệp đồn về một thầy xem tử vi khoa học và chính xác lắm. Một ngày giữa trưa, mấy chị em chúng tôi lặn lội tới nhà thầy. Sau tấm rèm khép hờ, ý chừng thầy đang đông khách. Yên tâm đã được hẹn hò trước, một chị bạn lò dò vào thẽ thọt cắt ngang nhời thầy: “Anh ơi, em là bạn H. D, đã có đăng kí trước với anh một giờ chiều nay. Giờ chúng em đợi anh hay thế nào ạ”.
Ý chừng thầy đang phán, bị cắt gữa chừng nên “anh thầy” giận dữ té tát: “ Hẹn hò gì mà hẹn, ai tên là H.D ở đây. Chiều nay có việc đi rồi, không ở nhà, nhé!”. Dù sao cũng mất công lặn lội tìm tới “anh”, sau một hồi ra ngoài ngồi cà phê, rồi “buôn chuyện” với hàng xóm nhà “anh thầy” râm ran, đợi đúng giờ thì lẳng lặng vào ngồi.
Được cái, anh thầy mắng vậy nhưng thấy khách “kiên trì” chờ đợi nên khi vào xem anh thầy cũng “dịu dàng” hơn. Anh thầy đưa lá số lên màn hình, một nàng thì anh thầy phán “phải có bồ” thì mới “cứu” được gia đình khỏi chông chênh (!). Một nàng thì anh thầy phán “có sức hút hấp dẫn với xe cộ” và một nàng nữa thì “tá hỏa” không không hiểu nổi khi anh thầy bảo “số cô dâm”. Mãi hồi sau mới vỡ lẽ anh thầy nói chữ “dâm” đó là lận đận, đa đoan... Bởi thế, muốn “khỏi dâm” thì... “lấy chồng đi cho rồi” ?!
Thầy tiếp theo mà chúng tôi tới ở trên phố Hàng Quạt ( Hà Nội). Thầy tự xưng là “mẹ”, khoảng chừng 50 tuổi, gọi chúng tôi là “cún”. Bạn tôi khen mẹ độ này xinh ra, lúc sau mẹ mừng tuổi mỗi “cún” 10 ngàn. Sau khi hỏi tuổi, mẹ đọc rành rẽ vận hạn từng tháng, nhưng nhìn chung cũng khá tốt, học hành tốt, tình duyên tốt, tài lộc nhiều. Tuy nhiên mẹ chốt lại với tôi rằng “mắt con “cún” này buồn lắm phải hầu cô Bơ”. Nghe đâu mỗi lễ hầu này phải mất vài chục triệu, ai căn cao số nặng phải hầu nhiều lần, số tiền lên tới cả trăm triệu…
Bên ngoài “thầy” lễ, phòng trong “hành sự”
Thông thường, đi xem với những người trẻ, với những bạn gái chưa có người yêu, thầy thúc giục làm lễ “cắt tiền duyên” để mong có anh cao to, nghề nghiệp đàng hoàng để mắt đến. Những chị, em đã yên bề gia thất thì được thầy “xui” làm lễ để sinh con trai, chồng thăng chức...
Mỗi lần nhờ cậy đến thầy, số tiền được gọi là “tùy tâm” nhưng với số tiền “khiêm tốn” thầy chỉ nói rất nhanh, cụt lủn rồi đuổi khéo vì “hết giờ” mà thực chất là hết tiền! Muốn thầy “chỉ giáo” thêm các chị, em phải biết ý “chồng” thêm tiền. Một chiêu móc túi khôn ngoan của các thầy xem nữa là 10 người đến xem thì đến 7, 8 người thầy phán là có hạn cần phải giải.
Thậm chí, trên các diễn đàn mạng, nhiều người còn chia sẻ “khát vọng” tông đường khá lâm li. Có người thì phát hoảng vì thầy phán phải “ hành sự”... đúng giờ thì mới mong có quý tử. Nhưng thông thường vì quá căng thẳng “canh giờ” đẹp nên khổ chủ dù có “phấn đấu” thế nào cũng... bó tay. Có người thì sẵn sàng mời thầy tới nhà, bên ngoài thầy làm lễ, trong nhà gia chủ răm rắp “làm” theo lời thầy chỉ giáo (!).
Tuy nhiên, kết cục bi hài đó lại tiếp tục là một “công chúa” mà không phải quý tử như gia chủ kì vọng... Những lễ riêng tại gia như thế thường ngốn mất của gia chủ từ vài triệu đồng thậm chí vài chục triệu đồng. Tiền “bo” cho thày tỷ lệ thuận theo mức độ “cao tay” và tiếng tăm của thày, trung bình khoảng 1-2 triệu đồng một lần làm lễ.
Một cô bạn của tôi ở Anh về, dù bạn bè đã tay bồng tay bế từ lâu, nhưng nàng thì vẫn chưa thấy duyên tới. Bà dì sốt ruột mang nàng đi cắt tiền duyên. “Mẹ” nói, yên tâm, cuối năm là cưới. Giá chung của “ mẹ” là 900 ngàn đồng, nhưng vì nàng sống ở Tây nên giá phải khác, “ 9 lần 3 là 27. Con phải đặt 2,7 triệu”... Tuy nhiên, tới nay dù đã sang năm thứ hai, nàng vẫn chưa thấy “duyên” đâu...
Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt - Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay các cô đồng, cậu mẫu đang thể hiện sự tham, sân, trong khi đức Phật vẫn răn dạy ngườu đời nên từ bi hỉ xả. Nếu ai cũng cầu lộc, cầu phúc, cầu tài được thì đã giàu hết rồi. Không những thế, mỗi lần cầu mở phủ phải mất tiền tỷ đổi tiền thật lấy tiền giả để đốt bỏ đi. Hơn nữa, theo Thượng tọa, nếu đã coi trần sao âm vậy thì cớ sao chúng ta dùng tiền thật, tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành hẳn hoi, mà với tổ tiên ông bà lại cúng tiền giả, để rồi ông bà mình nhận tiền đó liệu biết xài với ai? |
Uyên Na