Hành hương về miền tiên tổ
Là người Hàn Quốc mang trong mình dòng máu Việt, ngay từ khi Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, ông Lý Thừa Vĩnh cùng những người trong dòng tộc họ Lý tại Hàn Quốc đã tìm về cội nguồn.
Năm 1226, sau khi nhà Lý mất ngôi, nhiều người trong dòng họ đã lên thuyền, vượt biển đến xứ Cao Ly (bán đảo Triều Tiên). Trải qua nhiều năm sinh sống, đến nay dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc đã xây dựng cơ nghiệp trên đất khách với những hậu duệ thành đạt. Một trong số đó là ông Lý Thừa Vĩnh, Giám đốc Công ty Văn hóa và Đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam, Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc. Trong hơn hai thập kỷ qua, ông Lý Thừa Vĩnh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần trở về Việt Nam.
Hiện dòng họ Lý tại Hàn Quốc có hơn 200 gia đình với khoảng 1.000 người sinh sống rải rác khắp nơi. Chia sẻ về những đóng góp của dòng họ Lý trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, ông Vĩnh cho biết, từ năm 1995 dòng họ Lý đã thành lập Hội Giao lưu văn hóa dân tộc Hàn Quốc - Việt Nam để hỗ trợ việc trao đổi các đoàn nghệ thuật biểu diễn giữa hai nước, nhằm động viên tinh thần cho bà con người Việt tại Hàn Quốc.
Đồng thời, trước khi có COVID-19, hằng năm hậu duệ dòng họ Lý ở Hàn Quốc vẫn hành hương về dự lễ hội tại đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh để dâng hương tưởng nhớ công đức của 8 vị vua nhà Lý. “Không những vậy, chúng tôi luôn luôn nói với nhau rằng, Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn, dân số đông, nguồn lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nên cơ hội cho những người con như chúng tôi tìm về quê hương đầu tư và phát triển là rất tốt”.
Mỗi lần về bái yết tổ tiên, ông Lý Thừa Vĩnh thật sự xúc động và hạnh phúc. Ông kể, ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã cho biết cội nguồn của ông là ở Việt Nam. Do đó, cứ có dịp ông lại trở về quê hương để thắp hương cho liệt tổ, liệt tông và khẳng định dòng máu “Con Lạc, cháu Hồng”.
Trong một chuyến hành hương về miền tiên tổ, bạn trẻ Lee Bae Kun, hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ, lần đầu tiên về Việt Nam và tham dự ngày hội đền Đô đã xúc động chia sẻ: “Trước khi tôi về Việt Nam, tôi cũng được nghe bố mẹ tôi kể nhiều về lễ hội này. Khi về đây, tôi rất ngạc nhiên về quy mô tổ chức của lễ hội khá lớn. Tôi cảm thấy rất tự hào và cảm ơn vì người Việt Nam quan tâm đến tổ tiên dòng họ Lý và đã tổ chức lễ hội lớn như thế này. Lễ hội này thể hiện lòng thành kính của nhân dân Việt Nam và con cháu trong dòng họ đối với Vua Lý Thái Tổ và các vị vua nhà Lý. Tôi cố gắng hàng năm có thể về dự lễ hội đền Đô”.
Ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ: “Hiện giờ ở Hàn Quốc con cháu trong dòng họ Lý ít người biết tiếng Việt. Chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc này. Làm sao để giáo dục cho con cháu trong dòng họ ý thức về Tổ quốc của mình, từ đó thường xuyên về thăm quê hương, ngoài ra còn biết nói được tiếng Việt. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải dạy cho con cháu trong dòng họ học tiếng Việt. Và chúng tôi muốn cho trẻ nhỏ học từ bé, như vậy các cháu sẽ tiếp thu nhanh hơn”…
Thậm chí, tình cảm thiêng liêng, máu thịt ấy còn được ông Lý Xương Căn, người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” về thăm quê cha, đất tổ, đã mời cha mình (ông Lý Khánh Huân) sang Việt Nam sống tuổi già còn lại ở quê hương. Ông Lý Xương Căn mang cả gia đình sang sinh sống tại Hà Nội từ năm 1999 đến nay.
Đoàn làm phim phỏng vấn ông Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ. |
Tại sao đa số người Việt mang họ Nguyễn?
Việt Nam - một trong những quốc gia đa dân tộc với 88% là dân tộc kinh, 12% là dân tộc thiểu số. Theo một số nghiên cứu, hiện nay Việt Nam gần 300 họ khác nhau.
Trọng đó, họ Nguyễn là dòng họ có số lượng nhiều nhất Việt Nam hiện nay, chiếm 38,4% - khoảng 36,8 triệu người. Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Nguyễn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ), Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Linh,…
Xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng, sau họ Nguyễn là họ Trần. Họ Trần chiếm 12,1% - khoảng 11,6 triệu người, tổ tiên của dòng dõi nhà Trần tại Việt Nam. Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Trần như: Trần Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Phú, Trần Quốc Toản…
Họ xếp thứ ba trong danh sách dòng họ đông “quân số” nhất trên Việt Nam chính là họ Lê. Với hơn 9,12 triệu người, chiếm khoảng 9,5% người mang họ này. Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Lê như: Lê Duẩn, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Lê Hữu Trác, Lê Hoàng…
Vào thế kỷ 19, khi người Pháp biến Việt Nam trở thành thuộc địa của mình. Khi đó, lần đầu tiên người Pháp tiến hành cuộc điều tra về dân số. Có một giai thoại kể rằng, khi diễn ra cuộc điều tra, họ gặp phải một vấn đề phiền phức, đó là: Đa số bộ phận người dân Việt Nam ở tầng lớp thấp bình dân đều không có họ. Họ liền nghĩ ra một cách, chẳng phải trước đây triều Nguyễn là triều đại cuối cùng của người Việt sao? Vậy nên họ đều xếp những người không mang họ đó để họ thành họ Nguyễn. Đây chính là nguyên nhân tại sao đa số người dân Việt Nam đều mang họ Nguyễn.
Nhà nghiên cứu người Pháp Léopol Cadière đã định nghĩa tương đối toàn diện về dòng họ người Việt: “Người Việt cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý của cộng đồng”. Trong môi trường của những mối quan hệ đặc thù này, dòng họ người Việt dần hình thành và xác định bản sắc văn hóa độc đáo.
Các dòng họ như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Nguyễn… là những hoàng tộc thay nhau giữ gìn bờ cõi, quyết chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, thúc đẩy thương giao, mở mang văn hóa để góp phần kiến lập một quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Với truyền thống khai canh lập quốc, trị nước an dân, các hoàng tộc trên đã tạo dựng gam màu chủ đạo trong bức tranh lịch sử Việt Nam.
Nhiều dòng họ đã sản sinh, nuôi dưỡng và dâng hiến cho quốc gia những nhân tài kiệt xuất, vang danh không chỉ trong mà còn ngoài nước. Họ Nguyễn ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội đã sinh ra danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442). Quan điểm của Thân Nhân Trung (1418-1499) - người con của dòng họ Thân ở Yên Ninh, Việt Yên, Bắc Giang: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là sự kết tinh đỉnh cao của văn hóa dân tộc trong việc trọng dụng hiền tài.
Họ Lê Hữu ở Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên nức tiếng trời Nam bởi tiếng tăm của thánh y Lê Hữu Trác (1724-1791). Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820) - danh nhân văn hóa thế giới - đã làm rạng danh họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Còn họ Nguyễn ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đã sinh ra và nuôi dưỡng một nhân tài kiệt xuất, một nhà văn hóa tầm cỡ quốc tế, một người con ưu tú của đất Việt – Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969). Chính những danh nhân xuất sắc của các dòng tộc ấy đã góp phần tạo dựng tinh hoa văn hóa Việt...
Như vậy, từ truyền thống dòng họ người Việt mang đậm chất nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước với ý thức sâu sắc về ngồn cội “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Ở đó là lòng kiêu hãnh, tự hào, truyền thống dòng họ đã góp phần tạo dựng và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt chảy mãi muôn đời…
Người Việt và ý thức cội nguồn, tổ quán
Dù ở đâu và bất cứ khi nào thì ý thức về tổ tiên trước hết là tổ tiên, dòng tộc vẫn là một trong những ý thức sâu sắc, ăn vào tâm trí, ngấm trong máu thịt mỗi người dân Việt, mãnh liệt theo tháng năm. Ý thức này được thể hiện rất rõ trong thờ cúng tổ tiên, dòng tộc. Người tộc trưởng (người được giao hoặc tự nguyện chăm sóc hương khói dòng họ) được ký thác nhiệm vụ thiêng liêng thay mặt con cháu chăm sóc từ đường, sớm tối đỏ đèn, quanh năm nhang khói. Đều đặn vào các ngày sóc vọng, lễ tiết, giỗ chạp… tộc trưởng nhất tâm dâng cúng lễ vật, kính cẩn cầu mong anh linh tiên tổ chứng giám, phù trì cho cháu con dòng tộc.
Ông Lý Thừa Vĩnh (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng. |