Cúng xong, những khúc chuối và gáo dừa họ quăng và bỏ cả trên bãi. Khúc chuối thối nát đi, còn gáo dừa cứ lăn lông lốc các nơi. Vì vậy người ta gọi bãi ấy là bãi Gáo”, câu chuyện của nhà nghiên cứu văn hóa Doãn Kế Thiện kể lại.
Pháp trường mỗi ngày xử tử hàng chục phạm nhân
“Một cấp tiền chục
Mười cấp tiền trăm
Bãi Gáo lão Gằm
Đang chăm lấy vợ
Chị nào nặng nợ
Thì vớ lão đi
Muộn màng dù có quá thì
“Ế chồng em chịu, Gằm thì xin van””.
Đó là mấy ca dao cổ ở Hà thành, đôi khi có người nhắc lại, thoáng nghe cũng nhận ra được cái sắc thái của một thời đại đã qua đáng khiến cho ta nghiên cứu.
Theo lời một vị cố lão thuật lại, lão Gằm là một đao phủ, một hạng người đáng ghê sợ ở bãi Gáo vào khoảng cuối thế kỷ 19.
Bãi Gáo là gì và ở nơi nào.
V sự thay đổi của thời đại, bãi ấy ngày nay không còn dấu vết nữa. Triều đình ngày xưa mỗi năm đến kỳ “Thu quyết” lại đem các tử tù ra đó hành hình. Di chỉ bãi ấy nếu không nhận đúng cũng không sai mấy. Chỉ trong khoảng đất cuối phố Hàng Đẫy, đằng sau ô Cầu Giấy.
Người ta nói bãi ấy nguyên là một bãi tha ma cỏ lác mọc đầy, ngày thường không mấy ai qua lại. Khi nào người ta kéo hàng trăm, hàng nghìn đến đó tất là những buổi hành hình xử tử người phạm tội. Đao phủ phần nhiều là lão Gằm.
Bãi ấy có cái tên là bãi Gáo cũng vì người ta đã theo một cái hiện tượng ở đó mà đặt tên cho nó. Nguyên mỗi khi hành hình xong, xác thì đem chôn, còn thủ cấp thì treo lại ở đó trong vài ba ngày để bêu cho công chúng xem, nhất là những năm có loạn, mỗi khi quan quân đi dẹp giặc về, những tướng giặc và quân giặc bắt được đem về tra hỏi xong, kẻ nào xét ra quả là đáng tha thì được tha, còn những kẻ ngỗ nghịch đều đem xử tử. Vì vậy ở bãi Gáo có ngày xử tử đến hàng chục phạm nhân.
Vì những người làm thuật phù thủy cúng kiếng với gáo dừa, ném gáo lại pháp trường, nên mới có tên bãi Gáo |
Theo tục mê tín, những người làm thuật phù thủy, gặp khi có nhiều tử tù bị hành hình, chờ đêm đến, họ mang những khúc chuối giả làm thân hình, những gáo dừa giả làm thủ cấp, chắp vào nhau, đặt trên bãi, rồi thắp hương khấn vái và dùng phép thu âm hồn của những người bị xử tử về làm âm binh. Cúng xong, những khúc chuối và gáo dừa họ quăng và bỏ cả trên bãi. Khúc chuối thối nát đi, còn gáo dừa cứ lăn lông lốc các nơi. Vì vậy người ta gọi bãi ấy là bãi Gáo.
Đứa con hung hãn bị cha làm đơn xin từ mặt
Còn lão Gằm? Lão cũng đáng gọi là một kỳ nhân của một thời đại.
Thân phụ lão là một tay giàu có và có thế lực ở làng Nam Phố, năm ngoài 60 tuổi vẫn chưa có con giai, kêu cầu hết đền nọ phủ kia, mãi mới sinh được lão. Thai già sinh ngọc, ông cụ xiết bao vui mừng, chắc gia thế sẽ nhờ con thêm rạng vẻ.
Ngờ đâu điều thực hiện trước nhất lại trái hẳn với cái hy vọng nồng nàn. Lớn lên lão chẳng chịu học hành, tính khí lại rất hung hãn, từ cha mẹ đến các người nhà hễ có điều gì trái ý, lão liền vác dao đuổi chém, lúc đầu vì quá thương nên quá chiều, hãy ẩn nhẫn sẽ liệu lời răn dạy. Nhưng tính hung hãn của lão hình như là một tính thiên thành, một hiện tượng quả báo.
Người ta kể chuyện rằng có một lần ông bố nhân ngồi vui mượn chuyện khuyên răn, lão đè sấn ngay xuống, bóp cổ, cầm dao lăm le dọa mổ hầu, nếu không có nhiều người cứu đỡ can ngăn. Sau đó, ông cụ đã thấy rõ cậu “quý tử” quả không phải là cái phúc của gia đình, chẳng thể thương tiếc, làm đơn trình quan nói rõ tội các và xin từ bỏ.
Về việc ông cụ suýt bị con trai bóp cổ mổ hầu, ai cũng phàn nàn là một đại biến trong gia đình, nhưng cũng nhiều kẻ biến sự khéo tò mò kết luận đó là một sự ác giả ác báo. Nguyên cách làm giàu của ông cụ, người ta đều bảo chính là ông đã bóp cổ mổ hầu nhiều người trong bao năm gom góp lại.
Thì ra ông vốn làm chức cai kho, giữ việc kiểm điểm những tiền thóc của dân các xã mỗi khi đăng trường. Ông khéo bớt xén xoay xỏa thế nào, trong mấy năm đã có thóc hàng quây, tiền hàng đống. Đã giàu ông vẫn xoay, những tiền quan, thóc thúng của các xã lúc đem đổ đã đếm đủ hẳn hoi, sau khi ông kiểm đếm rồi, xã nào cũng bị thiếu.
Tiền thóc thuế nào phải chuyện chơi, nếu không lo gấp cho đủ số bù vào, tất bị tù tội. Muốn ổn chuyện, lại phải làm giấy vay của ông, lãi nặng thế nào cũng phải nhắm mắt chịu. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, ngón xoay xỏa của ông đã đến tai quan trên, ông bị bãi chức về nhà nhưng cũng đã giàu có lắm.
Sống trên đống của, đời ông kể đã hả hê nếu tới lúc tuổi già, không gặp phải đứa con ngỗ nghịch. Giữa đời lễ giáo còn thịnh, cương thường là điều phải giữ gìn của mọi người, ông chẳng thể con thương tiếc đứa con kia được, phải đem từ, các nhà cầm cân pháp luật, vì lẽ bảo tồn phong hóa, thấy vậy cũng chẳng thể làm ngơ, liền hạ lệnh bắt giam và phạt tù năm năm.
Cuối đời miệng luôn lẩm bẩm như chăm chú niệm Phật
Hết hạn được tha về, bố mẹ đều quy tiên, nhà đất cũng về tay người khác, lão Gằm từ đó lâm vào cảnh trên không chằng dưới không rễ. Sống cái đời du đãng nay đó mai đây. Chỉ trơ hai bàn tay trắng, không kế mưu sinh, lại có tính hung hãn không mấy ai dám gần, chắc Gằm sẽ chết đói. Trái lại, tính hung hãn ấy lại là cái mồi mà Gằm dùng để kiếm cơm no rượu say suốt đời, có khi lại kiếm được tiền chục tiền trăm nữa.
Sau này khi Pháp đô hộ, các pháp trường mới dùng “gươm máy” thay đao phủ |
Hàng này, bọn du đãng ở các phố vì ghen ghét tranh giành nhau thi nhau đón Gằm làm vây cánh, Gằm vào với bọn nào bọn ấy sẽ có thế lực ngay. Vì vậy, Gằm chẳng làm gì mà lúc nào cũng được no đủ.
Đã vậy mỗi năm đến kỳ thu quyết lại là dịp phát tài của Gằm, mỗi khi có xử quyết tử tù, người ta lại dùng Gằm làm đao phủ. Gằm hình như đã mất hẳn nhân tính, nhất là lại uống hàng chục bát rượu, chém người cứ như chém chuối không chút gớm tay.
Gằm lại làm ra có điệu bộ, quần áo gọn gàng, thắt lưng bó que, mặt đỏ như gấc chín, tay cầm đao đứng nghe hiệu lệnh của quan giám sát. Sau mấy tiếng trống thì thùng của người chấp hiệu như đầy lòng sợ hãi xót thương đánh không lên tiếng, Gằm “dạ” một tiếng dõng dạc rồi giơ dao lên múa một hồi mà Gằm nói đó là bài ở “nhập thủy trúc long”.
Múa hết bài, một tiếng chiêng hi li rầu rĩ điểm theo, Gằm lại đáp bằng một tiếng “dạ” đinh tai, rồi nhảy phắt lại, đúng bên tử tủ. Lúc ấy ai nấy đều nhắm mắt lại không dám trông, giây lâu hé mắt ra thì Gằm đã làm xong công việc, đang cầm ngang thanh đao… Tay đao của Gằm rất đúng và nhanh, mỗi khi hành hình, một tử tù chỉ một nhát là xong, không lần nào phải hai nhát. Vì vậy, các nhà đương cục phải chuyên dùng hắn, đã định giá cứ mỗi thủ cấp được đền công mười quan tiền.
Gặp khi toán giặc nào bị hành hình, có tới hàng chục thủ cấp, cũng chỉ một tay, thế là Gằm được tiền trăm. Ngoài số ấy ra, có khi Gằm được bổng ngoại nữa. Thường có thân nhân các tử tù, muốn cho được chết ngay không bị đau đớn, tới đút lót Gằm, xin làm chóng vánh cho.
Gằm có nhiều tiền, chẳng chịu nổi cái cảnh hiu quạnh một mình, cũng muốn lấy vợ. Nhưng nghĩ đến cái tay Gằm, cô nào dù có tham tài đến đâu cũng phải sợ hết vía mà lảng xa, như đã tỏ ra bằng mấy câu ca dao ngộ nghĩnh nêu ở trên. Thế là Gằm đành sống cô độc suốt đời. Tới năm tuổi ngoài năm mươi, người ta thấy Gằm vào giữ cửa cho một ngôi chùa, miệng lẩm bẩm như chăm chú niệm Phật. Ý hẳn Gằm cũng có lòng sám hối chăng?