Gần 15 năm qua, dù bị bệnh lao phổi nhưng ngày nào ông Lưu Hữu Phúc (SN 1959, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) cũng gắng gượng đi bán vé số để kiếm tiền chăm lo cho người vợ bị bệnh đau khớp và cao huyết áp. Chuyện của ông Phúc đáng quan tâm không chỉ bởi sự chung thủy của người đàn ông khốn khổ này thật hiếm có mà còn bởi thông điệp mà cựu tỉ phú này muốn truyền cho những người trẻ đam mê cờ bạc.
Ông Lưu Hữu Phúc |
Đời “lên voi, xuống chó” của người đàn ông nghiện cờ bạc
Trước đây, dù Sài Gòn nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước thì ngày ngày ông Phúc vẫn cầm xấp vé số khập khiễng lê từng bước trên khắp các con hẻm lớn, nhỏ trong nội thành. Vừa đi, ông vừa ho sùng sục như muốn vỡ lồng ngực. Nhưng gần 1 năm nay, do sức khỏe đã quá yếu kém, ông Phúc đành phải cam chịu luẩn quẩn ở ngã tư đường Hai Bà Trưng-Lê Duẩn (quận 1), đứng cầm vé số chào mời khách đi đường. Ngày nào may mắn lắm, ông Phúc cũng chỉ bán được vài chục tờ, do đó cuộc sống gia đình của ông luôn trong cảnh lao đao.
Nói về những khốn khó của đời mình, ông Phúc rưng rưng nước mắt cho biết, ông bị bệnh lao phổi nặng đã nhiều năm. Do mải chạy lo cái ăn, ông không điều trị theo chỉ định của bác sĩ, vì thế mà bệnh ngày càng nặng thêm. Mấy năm trước, vợ ông là bà Khưu Thị Kim Vân (SN 1952) còn khỏe thì còn cầm vé số đi bán phụ giúp ông được. Tuy nhiên mấy năm nay chứng đau khớp khiến bà đi lại rất khó khăn, chỉ có thể ngồi nhà trông chờ vào số tiền lãi từ dăm ba chục tờ vé số của chồng.
Tình trạng lâm bệnh nặng mà phải bươn bả một mình mưu sinh kéo dài khiến hiện nay thân thể ông Phúc càng lúc càng gầy gò, xanh xao, sức khỏe suy giảm trầm trọng. Ông chia sẻ: “Ngày trước, tôi còn đi bán mỗi bữa được hơn 100 vé. Thời gian gần đây, tôi yếu quá nên đi không nổi nữa, chỉ biết đứng đây để vẫy gọi chào khách mua vé số giúp. Giờ tôi chỉ mong kiếm chén cơm qua ngày cho hai vợ chồng sống hết kiếp người này thôi”.
Kể về đời mình trước đây, ông Phúc không kìm được xúc động và cả hối hận. Ngày xưa gia đình ông rất khá giả, vợ con đề huề. Ông từng là một tỉ phú, từng làm chủ nhiều quán ăn, tiệm uốn tóc lớn ở Sài Gòn, hai con của ông đều được học hành đàng hoàng và thành đạt. Nhưng bản thân ông lại sa vào thói cờ bạc đỏ đen, hết đánh bài lại đến số đề khiến gia đình nhanh chóng “tụt dốc không phanh”. Năm 1986, thấy ông Phúc đã “hết thuốc chữa”, vợ và hai con trai của ông đã dẫn nhau bỏ ra nước ngoài định cư.
Từ đó, cuộc sống của ông Phúc thực sự rơi vào bế tắc. Để có cái ăn, ông phải lang thang làm mướn khắp nơi với niềm hối hận muộn màng. Năm 1992, ông Phúc gặp rồi gá nghĩa vợ chồng cùng bà Khưu Thị Kim Vân.
Quyết tâm hối cải để xây dựng hạnh phúc mới, người đàn ông này bắt đầu chí thú làm ăn và lo lắng cho vợ. Hai vợ chồng cùng nhau chọn nghề bán vé số làm kế mưu sinh. Tuy sống với nhau gần 20 năm mà chẳng có được một mụn con để chăm lo tuổi già nhưng ông vẫn chung thủy với bà Vân. Thậm chí sau này dù sức lực bị căn bệnh lao phổi bào mòn, khiến cho tấm thân tàn tạ nhưng ông vẫn không rũ bỏ trách nhiệm của mình với người bạn đời cũng ở trong tình cảnh khốn khó bệnh tật. Ngày qua ngày, ông vẫn cố gắng tảo tần kiếm tiền để lo lắng chu đáo cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ.
“Có những thứ đã mất đi rồi thì không bao giờ tìm lại được. Ngày trước tôi sa chân và cờ bạc nên gia đình ly tán. Giờ tôi muốn làm người chồng tốt để lo lắng chu đáo cho vợ nhưng việc này thật quá khó khăn vì tuổi tôi đã cao, sức tôi đã cạn. Tôi muốn chia sẻ cùng các cháu trẻ: Cờ bạc, số đề chẳng thể giúp ta có cuộc sống tốt đâu. Tôi tan nát gia đình vì cờ bạc, giờ ân hận thì đã quá muộn”, ông Phúc tâm sự.
Vợ chồng già nương tựa nhau vượt khó
Tiếp tục kể về câu chuyện đời đầy bi đát của mình, ông Phúc bảo rằng những năm trước đây, cuộc sống dù nghèo khó vất vả đến mấy thì ông và bà Vân cũng vẫn có thể vượt qua được. Tuy nhiên, đến năm 1999 thì bệnh tật đã trở thành thách thức quá lớn khiến ông phải chịu thua.
Dạo đó, ông đột nhiên thấy mình bị giảm cân rất nhanh, kèm theo đó là những cơn ho liên tục kéo dài mà uống nhiều thuốc vẫn không khỏi. Khi đến bệnh viện, ông chấn động tâm can khi biết mình bệnh lao phổi. Sau này, gánh nặng mưu sinh khiến ông không thể tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt nên bệnh của ông không thể khỏi mà còn nặng hơn.
Thương chồng, ngày đó bà Vân cũng phải cặm cụi đi từ sáng đến tối mong kiếm thêm tiền để ông Phúc yên tâm dưỡng bệnh. Thế nhưng, thấy bà sớm tối long đong, khi sức khỏe tạm ổn, ông Phúc lại trốn viện về đi bán vé số để bà đỡ vất vả. Với “liên khúc” trốn viện-nhập viện này, đương nhiên ông không thể dứt bệnh.
Sau đó, bà Vân bị phát chứng bệnh đau khớp nên không thể đi bán vé số nữa. Từ đây, gánh nặng cơm áo của gia đình đều đổ dồn hết lên đôi vai gầy yếu của ông Phúc và lâu nay ông vẫn phải lê tấm thân tàn tạ đi bán vé số là vì thế. Lâu dài, ông Phúc còn bị suy nhược cơ thể do thiếu chất, thiếu ăn. Lúc này đối với vợ chồng ông mà nói thì một bữa ăn đủ chất cũng đã là một điều quá xa xỉ.
Thế nhưng bất hạnh của đời ông Phúc đâu chỉ có vậy. Dù buôn bán rất vất vả, ngày nhiều nhất cũng chỉ lời khoảng 100.000 đồng nhưng không ít lần ông còn bị kẻ gian lấy hết vé số làm cho nát cả vốn liếng. Từ lúc bước vào nghề bán vé số đến nay, ông nhớ rõ là mình đã 10 lần bị kẻ gian lấy hết vé số, mất vốn gần 20 triệu đồng. Để có vốn đi bán tiếp, ông Phú phải vay mượn khắp họ hàng rồi tiết kiệm ăn uống để dành dụm trả dần nợ.
Trong khi nợ nần vẫn chưa trả xong, bệnh tật vẫn cứ bủa vây đôi vợ chồng này khiến tuổi già càng thêm chật vật. Không thể chịu đựng nổi những cơn ho kéo dài, ông chỉ dám mua ít thuốc uống để cầm cự qua ngày, để tiền lo cái ăn và thuốc cho bà Vân. Nhiều lúc thấy vợ đau đớn, ông chỉ biết khóc ròng bởi “lực bất tòng tâm”.
“Nhìn vợ bệnh tật mà mình không lo chu toàn được, tôi buồn lắm. Tôi chỉ ước cho mình được khỏi bệnh để làm trọn trách nhiệm người chồng, khó khăn vất vả mấy tôi cũng không ngại”, ông Phúc rơm rớm nước mắt tâm sự.
Buồn đau là thế nhưng dù hiện nay phải sống trong nghèo khó, bệnh tật mỗi ngày nhưng đôi vợ chồng già này vẫn luôn vui vẻ, hết lòng chăm sóc động viên nhau vượt qua khó khăn. Ông Phúc vẫn ngày ngày tảo tần để làm tròn trách nhiệm người chồng của mình như một cách trả nợ đời cho những ngày tháng đầy lỗi lầm đã qua của mình...
Hải Đăng