Chuyện đời của chiến binh già bán kem làm giàu

Gần 60 tuổi rồi nhưng bệnh binh Lê Hữu Tình (sinh năm 1955), thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội vẫn phải lặn lội khắp nơi để giải quyết những hậu  quả do chiến tranh để lại. Nhưng trong sâu thẳm trái tim của người chiến binh già này, bản lĩnh kiên cường của anh Bộ đội cụ Hồ vẫn còn rất mãnh liệ

Gần 60 tuổi rồi nhưng bệnh binh Lê Hữu Tình (sinh năm 1955), thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội vẫn phải lặn lội khắp nơi để giải quyết những hậu  quả do chiến tranh để lại. Nhưng trong sâu thẳm trái tim của người chiến binh già này, bản lĩnh kiên cường của anh Bộ đội cụ Hồ vẫn còn rất mãnh liệt. 
ông
ông Lê Hữu Tình 
Sức cùng, lực kiệt….
Năm 1973, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng sinh viên y khoa Trường Trung cấp Y Hà Tây Lê Hữu Tình đã xung phong nhập ngũ, rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 2/1975). Với những kiến thức đã học, anh được bổ sung vào Đội Điều trị, Sư đoàn 341, phục vụ tại Chiến trường Thừa Thiên Huế. Học ngành y nên Tình cũng hiểu biết chút ít về những tác hại của chất độc hóa học mang tên da cam. Anh và đồng đội của mình cũng cảm nhận rất rõ những khu vực nào vừa bị rải thứ chất độc giết người này. Nhưng, không ai nghĩ hậu quả của chúng lại khủng khiếp đến thế!
Số phận thật đen đủi, chỉ mới đầu quân vào sư đoàn chưa đầy năm, Tình đã bị phát bệnh. Biểu hiện rõ nét nhất của hậu quả này là thận của Tình bị phù rất to khiến cơ thể của anh phình lên rất nhanh. Không chỉ tăng cân chóng mặt (từ 42 kg lên hơn 50 kg), thân hình anh còn lở loét, chảy dịch nên rất đau đớn. Không còn khả năng phục vụ trong quân ngũ, anh được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện 559, rồi 68 trên địa bàn TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhưng cũng không khỏi. Đầu năm 1976, bệnh tình ngày càng nặng nên Tình được chuyển ra Bắc trị bệnh.
Đến giờ, Tình không thể nhớ nổi bao nhiêu bệnh viện mình đã trải qua, chỉ biết rằng lúc bấy giờ, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với anh là rất mong manh. Thấy tình hình sức khỏe của anh có vẻ nguy kịch, cấp trên quyết định đưa anh về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Tân Yên, Bắc Giang, rồi Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang. Với tổng số 81% tổn hại sức khỏe, bản thân Tình cũng như gia đình xác định là anh khó qua nổi (thời điểm năm 1979-1980) khi cơ thể anh này càng trương phù lên (có lúc lên tới 70 kg), “người thì mệt mỏi, suy kiệt, da xanh tái, không ăn uống được gì, cứ 2 ngày lại bị quật một cơn sốt…”.
“Nhìn mọi người rủ nhau đi xem đấu vật. Trong khi mình thì nằm bẹp một chỗ, thân thể lở loét, đau đớn, tôi thấy vừa thèm vừa tủi thân vô cùng, vì nghĩ rằng không bao giờ đời mình còn được như thế nữa. Chuyện lấy vợ, sinh con đẻ cái lại càng quá xa với…” – Tình tâm sự. Nhưng, trong cơn bĩ cực ấy, khát vọng sống trong anh lại trỗi dậy. Vẫn biết rằng hy vọng sống chỉ là không tưởng, nhưng Tình vẫn hy vọng và anh nằng nặc đòi bố đưa lên Trung tâm truyền thuốc giải độc. Thương con, bố anh lại lại tất tả thu xếp công việc, mua vé xe khách để thỏa mãn ước nguyện cuối đời của con. Cũng vì điều này, nhiều lần, suốt chặng đường từ quê lên Bắc Giang, ông phải đứng để nhường chỗ cho con. Và điều kỳ diệu, tưởng chỉ là mơ ước đã đến…
… Nhưng con tim và khối óc không phế
Như có phép lạ, năm 1981, bỗng nhiên khối phù trên cơ thể anh rút dần và sức khỏe bắt đầu hồi phục. Tưởng như mình được sinh ra lần thứ hai, Tình phấn khởi và vui sướng vô cùng. Anh hát hò, nhảy múa suốt cả ngày rồi đi chơi, thăm thú hết người này đến người kia. Đầu năm khỏi bệnh, thì cuối năm Tình cưới vợ. Gần chục năm sau, hai vợ chồng sinh hạ 3 đứa con, cả nếp, cả tẻ…
Gia thất yên bề, nhưng kinh tế còn chưa đâu vào đâu. Bản thân đã không khỏe mạnh, đã thế cô vợ cũng thường xuyên bị căn bệnh thấp khớp hành hạ (mỗi khi thời tiết thay đổi lại không đi lại được), nên mọi việc đều đến tay Tình. Với bản lĩnh anh Bộ đội cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, Tình xoay sở đủ nghề để kiếm sống, từ buôn muối, thuốc tây đến làm bánh mỳ, đậu phụ, chăn nuôi lợn gà mà cũng không đủ nuôi 5 miệng ăn. Nhưng không chấp nhận đầu hàng số phận.
Anh quyết chí làm giàu bằng việc làm kem. Không có vốn thì anh đi vay lãi. Vốn ít thì anh mua máy làm chung với một anh bạn thân trong làng. Cũng may, thời điểm anh vay vàng để kinh doanh kem (năm 1986) vàng có giá 34.000 đồng/chỉ, nhưng cuối năm trả lãi, giá vàng rớt xuống chỉ còn 18.000 đồng/chỉ. Có vốn, anh đầu tư luôn 4 máy, rồi  tách ra sản xuất riêng.
Anh cho hay, công nghệ tốt, chất lượng đảm bảo nên kem của vợ chồng anh sản xuất nhanh chóng lấy được lòng thượng đế. Nổi tiếng đến nỗi, hồi bấy giờ muốn bán được các loại kem khác, những người bán kem phải mua kem của nhà máy anh để trộn lẫn vào thùng kem thì mới bán được. Cũng chính vì thơm ngon có tiếng, 4 máy làm kem của anh công suất luôn 24/24 mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con, Tình tậu đất, làm nhà, mua thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng… 
Năm 1988, mọi người đua nhau làm kem nên thị trường bắt đầu thu hẹp lại. Lúc này Tình nghĩ đến việc sản xuất thêm bia. Được một đồng đội cũ chuyển giao cho công nghệ, cộng với sự nghiên cứu, mày mò của bản thân, cùng với hai người anh họ, anh Tình quyết định mở thêm xưởng sản xuất bia trên cơ sở 2000 m2 đất mình mới mua được. Tinh thần khảng khái, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm của anh đã được đền đáp bằng một xưởng sản xuất bia với sản lượng gần 10.000 lít/ngày và 60-70 nhân công cho cả hai xưởng sản xuất bia và kem (thời điểm năm 1995). Chỉ đến khi đã ngấp nghé tuổi 60, với đủ thứ bệnh của tuổi già (cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ nhiễm máu…), Tình “kem” mới quyết định về “hưu” để truyền nghề cho con trai. Nhưng, gì thì gì, ông vẫn phải đích thân ra tận Thủ đô, đến các cơ sở nổi tiếng để mua men về nấu bia, nhập nguyên liệu tốt nhất về sản xuất kem. Và trong lần ra Hà Nội điều trị bệnh này, ông tiết lộ sẽ tranh thủ gặp đối tác (là Nhà máy kem Tràng Tiền) để thương thảo mua công nghệ làm kem của công ty này.
Vốn liếng sản xuất bia, nhà cửa, hàng nghìn mét vuông đất cũng từ kem mà ra nên kem vẫn là lựa chọn số 1 của bệnh binh Lê Hữu Tình. Tới đây ông dự định sẽ đi sâu vào một, hai loại kem thôi nhưng sản xuất với số lượng lớn. Nếu tiến triển tốt, ông sẽ mở rộng một cơ sở nữa ở trong Nghệ An. “Với kinh nghiệm của hơn 20 năm làm kem, tôi tin rằng mình không thể thất bại” – ông khẳng định. “Dám nghĩ, dám làm, khôn khéo, tỷ mỷ, sống chết với nghề…” chính là bí quyết thành công của ông. Và, “Gây dựng cơ ngơi cho con cái, tạo công ăn việc làm cho con em các gia đình nghèo, thương binh liệt sỹ…” là tâm nguyện suốt đời của người cựu chiến binh già đầy chí khí, tốt bụng này./.
Lâm Quỳnh

Đọc thêm