Chuyện đời của "sát thủ" dưới đáy sông

Với đồ nghề thô sơ, Trần Minh Long (xóm bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có thể lặn hàng giờ dưới dòng nước sâu hàng chục mét để chỉa (đâm) tôm cá tại các hốc đá, chân cầu. Nghề thợ lặn như một cái nghiệp của nhiều người như Long.

Với đồ nghề thô sơ, Trần Minh Long (xóm bè Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có thể lặn hàng giờ dưới dòng nước sâu hàng chục mét để chỉa (đâm) tôm cá tại các hốc đá, chân cầu. Nghề thợ lặn như một cái nghiệp của nhiều người như Long.

Long bộc bạch: “Nếu máy tắt đột ngột, ngưng cấp ô xi hoặc ống thở vướng đá bị tụt thì trong vòng một phút tôi phải nhanh chóng trồi lên mặt nước để thoát thân. Khi nào gặp sự cố và được tôi giật dây báo hiệu thì người ngồi trên xuồng phải nhanh chóng kéo tôi lên”.

Thủy đồ

Trong cái lạnh của tiết xuân, Long mình trần nhảy ùm và mất dạng dưới dòng nước lạnh ngắt. Những luồng bọt liên tục sôi trên mặt nước, thông báo sự an toàn của Long cho những người đang ngồi trên xuồng máy như chúng tôi, Ba Sơn, Út Điền (em trai của Long).

Tiếng xuồng máy vẫn ti tách nổ để tiếp ôxi cho cho Long đang soi đèn pin chỉa tôm cá. Út Điền ngồi trên xuồng có nhiệm vụ thả hoặc thu dây thở. Út Điền cho hay, sinh mạng của anh trai phụ thuộc đường ống dài 50 mét này. “Nếu máy tắt, dây rối hoặc ghe tàu áp sát thì em giật dây báo hiệu để ảnh trồi lên”- Út Điền vừa thả dây vừa nói.

30 phút…1 giờ... trôi qua. Long vẫn chưa trồi lên mặt nước. Út Điền cầm chèo lái xuồng máy lần theo luồng bọt nước đang sôi ùng ục. Ngồi trên xuồng máy, Ba Sơn tỉ tê với chúng tôi về tấm thủy đồ đánh dấu các bãi đá dưới đáy sông Đồng Nai. “Bãi to có chiều rộng khoảng 40-50 thước, chiều dài hàng trăm thước. Bãi nhỏ rộng vài thước đứt khúc như vạch đường thì nhiều vô số”- Ba Sơn chấm ngón tay dưới dòng nước làm mực và vẽ lên tấm lót xuồng dẫn giải.

Mặc cho Long đang hì hục dưới đáy sông đuổi theo tôm cá. Ba Sơn vẫn say sưa về tấm thủy đồ các bãi đá được ghi vào ký ức của những người thợ lặn, làm nghề chài lưới như anh. Ba Sơn nói: “Người làm nghề chài lưới biết tường tận vị trí các bãi đá để tránh, không được thả lưới thả cào. Riêng cánh thợ lặn thì các bãi đá ngầm chính là địa bàn mưu sinh của họ. Thợ lặn hiểu và nhớ rõ từng hốc đá để rọi đèn tìm tôm cá đang trú ẩn”.

Con nước bắt đầu đứng ròng, Long giật dây báo hiệu cho Út Điền thu ống để anh trồi lên. Long vừa trồi lên mặt nước, Ba Sơn đã hỏi ngay: “Khá không mày”. “Gần một ký tôm, hai ký cá”- Long phì phò đáp và nhảy tót lên xuồng máy.

Cá tôm trong chiếc thùng nhôm được Long cột trước bụng nhảy loạn xạ. Long nhờ Út Điền đốt cho điếu thuốc lá hút để chống lại cái lạnh. Long nói với chúng tôi khi hai hàm răng đánh vào nhau lụp cụp: “13 tuổi, tôi đã theo cha làm nghề chài lưới. 17 tuổi, tôi đã thông thạo các con nước, luồng lạch, đặc tính trú ẩn của từng loài tôm cá. Để trở thành thợ lặn chuyên nghiệp thì phải am hiểu tường tận các bãi đá, bến cảng, chân cầu sông Đồng Nai”.

Cầm con tôm càng xanh nặng gần ba lạng, Long nói tiếp: “Cái hốc này, mỗi lần tôi soi đèn vào thế nào cũng bắt được vài chú tôm hoặc cá. Nó rộng bằng cái thúng và nằm ngay luồng nước xoáy nên cá tôm thường men vào trú ẩn”.

Hỏi về tấm thủy đồ sông Đồng Nai, Long cười hì hì bày tỏ, làm gì có bản thủy đồ và khuyên chúng tôi đừng tin điều Ba Sơn vẽ vời. Chẳng qua cái nghề này phải bám vào các bãi đá, chân cầu để mưu sinh nên các thợ lặn đều thông thuộc chúng. “Tôm cá bị dân cào, thả lưới quần thảo nên sợ quá tìm đến các hốc đá để trú ẩn. Nhưng chúng cũng không thoát khỏi mũi chỉa của chúng tôi”- Long quơ tay lấy chiếc áo mặc vào cho đỡ lạnh và nói.

Tai nạn nghề nghiệp

Cách đây hơn hai tuần, cánh thợ lặn của Long đã tạm gác lại công việc để đưa người đồng nghiệp Tư H. về nơi an nghỉ cuối cùng. Long cho biết, Tư H. tử nạn trong lúc cùng nhóm thợ trục vớt tàu thuê. Tư H. bị nước ép đến ra máu tai, dẫn đến liệt toàn thân và tử vong. “Nghề này hiểm nguy luôn chực chờ. Nhẹ thì bị ù tai, viêm xoang, u đầu. Nặng thì nằm liệt gường hoặc tử vong như Tư H.”- Long bộc bạch.

Hút xong điếu thuốc lá với vẻ đầy cảm khoái, Long cho hay, lẽ ra sáng nay Tây (em trai Long) đi với chúng tôi, nhưng do Tây bị đau tai nên không đi lặn được. Long vừa dứt lời, Ba Sơn hối thúc về, vì theo Ba Sơn, hôm nay lặn chừng ấy cũng được rồi, tranh thủ thời gian đưa chúng tôi đi dạo sông Đồng Nai để tìm hiểu nghề săn tôm cá dưới đáy sông.

“Hôm nay có ai đi lặn vậy Long ?”- Ba Sơn thay lời chúng tôi hỏi. Long đáp: “Hình như anh Thiệp, thằng Qúy đang lặn ở bãi đá phía trước mình đó”. Nói rồi, Long cho xuồng máy hướng về cầu Đồng Nai.

Để tìm tôm cá dưới đáy sông các thợ lặn phải lần dò từng bước chân dưới đáy, ép mình vào các hốc đá, bệ cầu. Người lặn chuyên nghiệp và giỏi nghề như Long thì không cần mang chì: “Mang chì rất nguy hiểm khi gặp sự cố. Người nén hơi giỏi thì đi dưới nước như đi trên bờ vậy”

Chúng tôi vừa đi được một đoạn thì thấy xuồng máy của Qúy chạy ngang. Long lớn tiếng gọi và quay xuồng máy đuổi theo. Khi hai chiếc xuồng máy cặp sát nhau, Qúy nói trong tiếng máy nổ chát chúa: “Con nước rồi, mày lặn được nhiều không mà thong thả vậy. Riêng tao chỉ được vài con tôm bé tí với cá lăng tăng thôi”.

Long hạ thấp ga chiếc xuồng máy của mình và bảo Qúy làm theo để cho chúng tôi tiện trao đổi. Hai chiếc xuồng máy bồng bềnh giữa dòng sông và Qúy mở đầu cộc lốc: “Ngoài lặn bắt tôm cá, ai thuê lặn trục vớt tàu, xác chết tụi này cũng lặn”. Trước thái độ của Qúy, Ba Sơn tỏ rõ là người am tường sông nước nói: “Nghề này, thằng nào cũng điếc tai nên ăn to, nói lớn và rất kiệm lời. Dân sông nước mà, chỉ vui khi xuồng đầy tôm cá, buồn bực khi về tay không”.

Sau vài phút nghỉ ngơi, hút điếu thuốc lá, Qúy từ tốn hơn và nói: “Sau khi Tư H. tử nạn, hiện chỉ còn 10 người làm nghề lặn thôi. Thợ lặn hiện đang bị mấy tay thuốc tôm cá cắt đứt đường sống đó. Chúng đứng đầu nguồn nước thả thuốc.

Cá tôm ngộp thuốc nổi đầu lên và chúng chờ sẵn dưới nguồn vớt. Bãi nào chúng vừa thả thuốc, mình lặn xuống chỉ tốn ôxi và ôm cục tức nổi lên”. Cũng theo Qúy, sông Đồng Nai đã nuôi anh khôn lớn, là nguồn sống của bao thế hệ dân bè phường Long Bình Tân, Tân Mai (TP.Biên Hòa) và các làng chài khác. Thời tôm cá nhiều thì làm chơi ăn thiệt. Lúc tôm cá hiếm thì quần quật mưu sinh nhưng chỉ đủ ngày hai bữa.

Chia tay Qúy, Long tiếp tục chở chúng tôi la cà nơi các bãi đá để tìm các thợ lặn khác. Hơn nữa giờ rong ruổi trên xuồng máy cùng Long, con nước ròng tháng Chạp giờ này vẫn vắng bóng thợ lặn tại các bãi đá, chân cầu. Tuy vậy, số người làm nghề giã cào, thả lưới thỉnh thoảng vẫn phăng phăng xuồng máy chạy qua.

“Bây giờ làm ăn khó quá nên họ không nhiệt tình đi làm như những năm trước các anh à. Trước kia thợ lặn làng bè tôi có vài chục người, nay bỏ nghề gần hết. Hiện chỉ còn vài người chuyên lặn tôm cá, số còn lại thì bắt cá hai tay như: trục vớt tàu thuyền, lên bờ tìm việc khác -Long bày tỏ.

 Đoàn Phú

Đọc thêm