[links()]Một người con gái Việt Nam đi du học, gặp tai nạn làm mất hẳn trí nhớ... Và sự trùng hợp hi hữu đã khiến cô có được cuốn sách ngày xưa bố tặng khi du học, giúp cô tìm được gia đình mình. Đó là câu chuyện trở về ly kỳ của Lâm Thanh Huyền - con gái của cựu tù binh Lâm Văn Bảng ở Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội.
“Tôi tặng bảo tàng cả cuộc đời tôi đấy”
Có một câu chuyện thật về nghĩa tình đồng đội của người sống với người chết, của người chết với người sống được kể lại rằng: Ban đầu, ông Lâm Văn Bảng cùng 18 đồng đội khác muốn đi thu thập những đồ vật của anh em đồng đội đã hi sinh. Nghe đâu có tin tức của anh em khắp các vùng, các ông, những người trẻ cũng hơn 60, già cũng hơn 80, đã khăn gói lên đường để tìm lại những kỷ vật. Nhưng cứ đi năm lần bảy lượt đều tay không.
Phòng truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ trong bảo tàng của các cựu tù Phú Quốc. |
Họ đã già và những vết thương cũ còn tái phát đau đớn. Nhưng ông Bảng vẫn quyết tâm đến từng gia đình đồng đội đã hy sinh ở khắp nơi của Tổ quốc. Có những nơi ông phải đi máy bay, có những nơi ông phải vạ vật tàu xe. Rồi ông đến thắp hương, xin phép anh em trợ giúp. Ông cũng đến những nghĩa trang: Trường Sơn, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Đền thờ Bến Dược..., lấy những chân hương và đất ở đó về, nhờ Thượng tọa Thích Thanh Tứ an tọa cho các liệt sĩ ở mảnh vườn gia đình mình.
Kể từ đó, việc thu thập kỷ vật của ông Bảng và đồng đội dễ dàng hơn. Có những gia đình biết ông Bảng đang làm việc như vậy đã tự động gọi điện đến xin được góp kỷ vật của người thân cho bảo tàng. Thấm thoắt, đến nay bảo tàng của ông đã có hơn 3.000 hiện vật quý hiếm. Những bảo tàng lớn tầm cỡ quốc gia cũng phải thường xuyên đến mượn hiện vật của bảo tàng tư nhân này để trưng bày trong các dịp lễ lớn của đất nước.
Ông Bảng còn kể cho chúng tôi nghe về bữa cơm đạm bạc trong căn nhà vách nứa dột nát của người đồng chí Nguyễn Văn Phong. Bốn người ngồi co ro trên cái sạp tre, bữa cơm dọn ra có rổ rau, đĩa muối trắng và vài con tép con. Sau chiến tranh trở về, ông Phong với vợ và hai đứa con nhiễm chất độc da cam, sống lặng lẽ giữa bản Dò Than (Yên Thế - Bắc Giang). Thứ quý giá nhất trong nhà là cuốn sách ố vàng sờn mép mà người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Phong đã cẩn thận ghi chép từ những bài học Điều lệ Đảng đến thơ ca cách mạng trong nhà tù Phú Quốc.
Lần đầu ông Bảng ghé thăm, hỏi xin cuốn sách đem về trưng bày tại bảo tàng, ông Phong cương quyết không chịu. Ông Bảng phải ba bốn bận trèo đèo lội suối, cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng đến động viên, giải thích, năn nỉ, ông Phong mới chịu. Ông Phong lại bàn thờ, thắp hương rồi lấy cuốn sách chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá xuống, đặt vào tay ông Bảng, giọt nước đục lăn dài từ khoé mắt: “Tôi tặng bảo tàng cả cuộc đời tôi đấy”.
Đồng đội đã “dẫn” con gái tôi về
Nhưng có lẽ cảm động hơn cả là câu chuyện về sự trở về kỳ diệu của cô con gái ông. Giờ Lâm Thanh Huyền đã có gia đình và có con, nhưng ông Bảng cứ ngỡ đó là giấc mơ nhiệm màu vừa mới hôm qua.
Năm 2000, Huyền sang Úc học tập thuộc diện học bổng của Nhà nước, trong hành trang cô mang theo có cuốn sách “Gương Nhân - Quả”, quà ông Bảng tặng cho con gái “để nhắc nhở con rằng, mỗi khi con ý định làm việc gì con hãy đọc, suy ngẫm trước khi hành động”.
Huyền đã kẹp chứng minh thư của mình vào cuốn sách đó và nâng niu kỷ vật của cha như báu vật vô giá mà cô luôn mang theo mình, để cảm nhận được tình cảm ấm áp của người cha thân thương nơi quê nhà.
Trong thời gian học tập ở Úc, Huyền không may mắc một chứng bệnh lạ, người mẹ nuôi quốc tịch Pháp đã đưa cô sang Mỹ chữa trị. Nhưng không may khi đến Mỹ, hai người bị tai nạn. Người mẹ nuôi của Huyền đã tử vong sau đó, còn Huyền mất trí nhớ hoàn toàn. Trong ký ức của Huyền, quá khứ là khoảng trống mênh mông. Sống ở Mỹ, Huyền vừa lao động vất vả để mưu sinh, vừa tìm hiểu gốc gác của bản thân mình.
Một ngày, chị may mắn gặp được một nữ thương gia người Trung Quốc. Nữ thương gia thấu hiểu hoàn cảnh đáng thương và khát vọng của Huyền muốn tìm về với gia đình. Trong một lần về Trung Quốc, bà quyết định mang Huyền theo. Hai người đến Trung Quốc, bà thuê một chiếc xe chở chị tới cửa khẩu Lạng Sơn, Việt Nam để tìm về quê. Từ Lạng Sơn, để có thể về Hà Nội, cô phải cuốc bộ mất một tuần liền. Ngày cô đi bộ, đến tối thì ngủ lại các đình chùa ven đường. Tại Hà Nội, Huyền làm nhiều nghề để kiếm sống. Thời gian đầu, cô rửa chén bát tại các quán ăn, tối về chùa Láng xin một chỗ tá túc.
Một thời gian sau, khi đã có được một ít tiền, cô thuê một phòng trọ nhỏ ở phố Trương Định để ở. Cô học thêm rồi lại thi đỗ đại học. Cô có một đam mê đọc sách và thường xuyên mua sách cũ về đọc. Có lần, cô mua được cuốn sách về luật nhân quả. Cuốn sách được bọc cẩn thận bằng mấy lớp giấy. Như có ai xui khiến, Huyền bỗng tò mò bóc những lớp giấy ra để xem. Bóc hết lớp thứ nhất, cô thấy kẹp giữa hai bìa sách là Giấy chứng minh nhân dân của một cô gái.
Kì lạ thay, gương mặt trong tấm ảnh chứng minh thư nhân dân đó giống Huyền như hai giọt nước. Và cái tên trên chứng minh thư: Lâm Thanh Huyền, nghe như một tiếng vọng xa xôi từ ký ức đã ngủ quên. Huyền giật mình, tự hỏi: “Sao trên đời này lại có người giống mình đến thế?. Hay người trong chứng minh thư lại chính là mình”. Cô định thần nhìn kĩ và phát hiện thấy chữ “Bảng” và số điện thoại đã mờ trên gáy sách.
Sự tò mò xen lẫn chút hy vọng mong manh đã khiến Huyền bấm máy gọi về số điện thoại ấy... Ngày Huyền gọi điện về nhà lại đúng vào ngày khánh thành đền thờ Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày trong bảo tàng ông Bảng. Vừa nghe giọng của Huyền, linh cảm của người cha nhanh chóng giúp ông nhận ra người con gái gọi điện cho mình chính là đứa con thất lạc mấy năm trước mà chưa rõ lý do.
Ngay trong đêm, ông Bảng cùng người con gái đầu của ông đi vào nội thành, tìm đến địa chỉ Huyền cung cấp. Giây phút gặp nhau Huyền không nhận ra ông Bảng là bố mình, cô chào bố đẻ của mình bằng bác. Ông Bảng vỡ òa: “Bác đâu mà bác, bố đây chứ con”...
Kể lại giây phút 7 năm trước, giọng ông Bảng vẫn như nghẹn lại vì xúc động, nhưng nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Năm ấy, nhà ông Bảng đón một cái Tết vui nhất trong đời. Họ hàng, làng xóm lúc nào cũng đến kín nhà mừng cho sự trở về vô cùng kì diệu của con gái ông.
Đến giờ, nhiều người vẫn băn khoăn tại sao cuốn sách “Gương Nhân - Quả” mà ông Bảng tặng con gái đã thất lạc tận bên nước Úc xa xôi lại có thể trở về Việt Nam?. Điều trùng lặp không tưởng nữa là cuốn sách lại tìm đến tay chủ nhân của nó.
Tuy nhiên, ông Bảng cũng có một cách lí giải riêng của mình, không phải là cách lí giải rõ ràng câu chuyện mà như một triết lý về cuộc sống: Các đồng đội ngã xuống đã giúp đưa đường dẫn lối, đưa đứa con gái thất lạc của ông về nhà. Và cho đến bây giờ, ông Bảng vẫn nghĩ Huyền trở về đúng ngày khánh thành đền liệt sỹ hoàn toàn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Sự kỳ diệu ấy thực ra cũng giản dị như chân lý “ở hiền gặp lành” mà những câu chuyện trong cuốn sách “Gương Nhân - Quả” đã kể.
Thu Hồng