Chuyện đọng lại sau vụ "quét" gần 1.000 nhà không phép ở Bình Chánh

Hiện có gần 1.000 trường hợp vi phạm xây nhà không phép đã được phá hủy. Bốn vị chủ tịch xã của huyện Bình Chánh (TP HCM) đã bị tạm đình chỉ công tác, một số "đầu nậu" đã bị "sờ gáy"… Tuy nhiên, chuyện đọng lại sau “cơn dư chấn” đang là điều được thiên hạ mổ xẻ nhiều nhất.

Hiện có gần 1.000 trường hợp vi phạm xây nhà không phép đã được phá hủy. Bốn vị chủ tịch xã  của huyện Bình Chánh (TP HCM) đã bị tạm đình chỉ công tác, một số "đầu nậu" đã bị "sờ gáy"… Tuy nhiên, chuyện đọng lại sau “cơn dư chấn” đang là điều được thiên hạ mổ xẻ nhiều nhất.

c
Cả cuộc đời tích cóp, gia đình này hiện phải che bạt sống qua ngày.

Tan hoang như "bãi chiến trường"

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, gần 700 trường hợp vi phạm xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh đã được tháo dỡ, cưỡng chế xong. Không người dân nào, cũng như cơ quan chức năng nào thống kê tổng số diện tích nhà cửa phải phá hủy là bao nhiêu mét vuông, thiệt hại của nhân dân là bao nhiêu tiền, cũng như Nhà nước phải tốn bao nhiêu kinh phí để làm cuộc cưỡng chế nhà không phép này.

Không ai bênh vực cho hành vi sai trái, bởi phép nước đã có thì cần phải nghiêm minh thực thi. Tuy nhiên, điều mà không chỉ người dân vi phạm, mà nhiều người có trách nhiệm phân vân là việc thực thi diễn ra quá nhanh, thậm chí là bất ngờ khiến nhiều người dân trở tay không kịp, để cuối cùng phải rơi vào cảnh không còn chỗ ở.

Có mặt tại một số khu vực thuộc xã Vĩnh Lộc A sau những ngày thực hiện việc tháo dỡ, chúng tôi thấy trên gương mặt của những người dân vi phạm vẫn  còn vẻ thẫn thờ, tiếc nuối. Quả thực , đây là bài học xương máu cho  họ.

Lụi cụi trong căn chòi che tạm mấy tấm tôn,  anh Nguyễn Văn Tình ở tổ 17, ấp 3 xã Vĩnh Lộc A  với vẻ mặt vừa lo lắng, vừa uể oải, như mất hết tinh thần: “Quê tôi ở Nam Định, do học hành không tới nơi tới chốn, ở quê lại nghèo nên mới 17 tuổi tôi đã phải lưu lạc vào đây mưu sinh bằng nghề ve chai phế liệu.

Gần 20 năm, vợ chồng tôi tích cóp từng xu, mỗi năm mua được mớ gạch, mấy bao xi măng về đắp dần, đắp dần lên như kiến xây tổ. Đến vừa rồi, chúng tôi có nâng lên chút xíu để ở nhưng đã bị đập hết rồi chú ơi. Giờ không biết đi đâu về đâu, nên đành ở lại đây chống chọi qua ngày… Chúng tôi biết làm nhà không phép là sai, nhưng giá như những người có trách nhiệm lập biên bản vi phạm, buộc dừng công trình, hoặc buộc tháo dỡ ngay từ đầu thì dân ai mà dám xây, đằng này, mấy ổng ém nhẹm" .

Ngồi thẫn thờ trên đống gạch đổ nát, chị H ở tổ 14, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A không muốn nói năng gì. Chị chỉ than thở về cuộc đời ít may mắn của gia đình: “Mấy chục năm bỏ xứ sở quê hương mà  bươn chải ở đất Sài Gòn, vay mượn, tích cóp được gần 700 triệu nên vợ chồng bàn tính mua căn nhà cấp 4 gần 50 mét vuông này đây.

Chúng tôi mua từ đầu tháng 5 vừa qua, ở được hơn một tháng thì mới biết nhà mình bị đập. Nghe tin này tôi ngất xỉu, không dám báo với cha mẹ ở quê vì sợ ông bà tiếc mà bệnh. Giờ không còn chỗ nào tá túc, vợ chồng tui đành che miếng bạt này để bám trụ. Con còn nhỏ thì gửi hàng xóm cho ngủ qua đêm. Tắm rửa, giặt giũ cũng đành xin nương tựa bà con”.

c
Mỗi căn nhà xây hàng trăm triệu, giờ bán ve chai được 3 triệu đồng.

Những trường hợp như anh Tình, chị H không phải là ít, bởi lẽ hầu hết trong số họ là thành phần lao động nghèo từ các địa phương khác tới. Giờ họ không biết đi đâu về đâu sau cú sốc cuộc đời đó.    

Con voi chui lọt được… lỗ kim!

Khi tìm hiểu về tình cảnh của người dân bị ảnh hưởng nơi đây, chúng tôi đều nghe được câu chất vấn của bà con “Con voi có chui lọt được lỗ kim không?”. Những câu hỏi của bà con không phải không có cơ sở, bởi lẽ việc người dân xây nhà không phép là sai, nhưng thử hỏi có vô số lực lượng giám sát cũng như quản lý luôn túc trực trên địa bàn.  Nhiều người dân nơi đây quả quyết:

“Giờ nói ra thì chẳng có bằng chứng gì vì mỗi lần chúng tôi tôn tạo , nâng cấp nhà cửa ,nói thật, cứ mỗi lần đắp lên tấm tôn hay viên gạch là mấy ổng vào săn lùng ráo riết lắm, có người phải chi tiền “biếu” nhiều hơn cả tiền xây nhà. Số tiền đó chúng tôi phải còm cõi, tích cóp cả cuộc đời và  vay mượn khắp nơi mới có được. Giờ nhà chúng tôi bị đập rồi, còn những người có trách nhiệm thì vẫn… sờ sờ ra đó…”.

“Đường vào các ấp có bao nhiêu đâu vì toàn ruộng mà. Các ổng đừng đổ cho việc lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên quản lý không nổi. Nói thật chỉ cần chở một bao xi măng, hay mua một xe ba gác gạch vào là mấy ổng đã nắm tỏng tòng tong rồi. Mua tối nay, là sáng mai mấy ổng xuất hiện để “hỏi thăm”. Tuy nhiên mấy ổng vẫn làm lơ khi đã “làm luật”. Chính vì thế chúng tôi mới dám xây chứ. Vì quá khổ về chỗ ở mà chúng tôi đành nhắm mắt làm liều thôi…”- anh Tình ở tổ 17, ấp 3 xã Vĩnh Lộc A bức xúc.

Còn tại ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp hiện cũng đã thực hiện tháo dỡ trên 100 trường hợp vi phạm. Anh Trần Văn Sơn có nhà bị đập mong muốn: “Căn nhà mới xây hơn gần 200 triệu, nhưng chưa được ở ngày nào. Số tiền đó phải vay khắp nơi, cả những người chuyên cho vay nặng lãi. Giờ bán ve chai chỉ được vài triệu,  chưa biết tính sao bây giờ ”. 

Tương tự, anh Đỗ Ngọc Cảnh cũng cho biết: “Tui mua đất từ 2001, lúc đó có làm nhà tạm để ở, năm 2012 xây căn nhà hơn trăm triệu để các con ở cho đỡ cực. Hai đứa con học đại học, đứa nhỏ đang học cấp 1, giờ bị đập đi không biết sẽ sống ở đâu. Gia đình dự định sau khi bị đập sẽ dựng tấm bạt ở đỡ rồi tính tiếp”.

Bài học “lịch sử” về nhà không phép

Trao đổi với chúng tôi về việc tháo dỡ nhà không phép ở phường, ông Lê Minh Liêm- Chủ tịch phường 15 Q.Gò Vấp cho biết, trước 30/8 này sẽ tiếp tục tháo dỡ khoảng 50 đến 60 trường hợp vi phạm còn lại, nâng tổng số trường hợp phải tháo dỡ lên khoảng 170 trường hợp. Ông cũng cho biết thêm, ở khu vực ấp Doi có nhiều cán bộ địa phương mua đất ở đây, nhưng theo khai báo thì chưa có trường hợp nào vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, đó là khai báo, còn địa phương sẽ kiểm tra lại xem tình hình cụ thể.

anh-bai-xay-nha-3.jpg
Chủ tịch phường 15, Gò Vấp, nói về tình trạng nhà không phép trên địa bàn.

Chia sẻ với PLVN về những bài học ở địa phương mình sau lần này, ông Đoàn Nhật- Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh- nói: “Để xảy ra tình trạng như trên có một phần trách nhiệm của chúng tôi, bởi lẽ đã buông lỏng và chưa kiên quyết xử lý ngay từ đầu. Việc buộc phải cưỡng chế tháo dỡ nhà dân chúng tôi cũng thấy đau lòng, nhưng đó là phép nước nên phải làm thôi.

Biết rằng có thể có tiêu cực nên hậu quả mới như thế, nhưng những hành vi đó đang được điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Sau lần này, địa phương đã đúc rút ra được ba bài học lớn, đó là cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến người dân để họ hiểu rõ hơn về pháp luật. Thứ hai là hệ thống chính trị ở địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, phải thống nhất về mặt nhận thức để xử lý tốt hơn. Thứ ba là cần có quy chế chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn để quy trách nhiệm cụ thể…”.

Đến thời điểm này, đã có 4 vị chủ tịch xã bị tạm đình chỉ công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo thành lập chuyên án để điều tra các đầu nậu… Tuy nhiên, trước mắt thì những người dân vẫn là “nạn nhân” bởi họ quá  biết, làm sai thì phải chịu.

Hậu quả thì ai cũng thấy, hàng chục ngàn mét vuông nhà ở bị tháo dỡ, hàng trăm tỷ đồng giờ đã trở thành đống đổ nát và vô số người dân chịu cảnh không nhà, không cửa. Còn vấn đề mà cả xã hội mong đợi là việc xử lý các "đầu nậu" cũng như các vị quan vô trách nhiệm, thậm chí là tiêu cực sẽ như thế nào?.

Hoàng Ngọc Quý

Đọc thêm