Mõ không xuất hiện ở chỗ lắm tiền nhiều của. Mõ cũng chẳng phải là thứ đồ dùng đắt khách, dễ thay mua. Thế nên, chỉ có thể là yêu tiếng mõ ấy lắm người ta mới gắn cuộc đời mình với việc làm ra những chiếc mõ. Ở ngoại thành Thành phố Huế có một gia đình ba đời làm nghề đẽo mõ. Họ đã âm thầm góp phần duy trì tiếng mõ yên bình, dẫu cho cuộc sống tất bật, xô bồ.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Dư (SN: 1943) ở thôn Hạ II, Thủy Xuân, TP. Huế vào một ngày mưa. Tiếp chúng tôi tại cơ sở mõ, anh Phạm Ngọc Thanh Hải (SN: 1984), cháu đích tôn của ông Phạm Ngọc Dư vui vẻ cho chúng tôi biết, lô hàng mõ vừa mới xuất vào Sài Gòn được giá, cho thu nhập khá, khách hàng rất hài lòng, mối hàng cũng tiếp tục đặt tiếp lô hàng mới.
Mõ do họ Phạm nhà anh làm luôn được mối hàng ưa chuộng, âm thanh vang, kiểu dáng chuẩn, độ bền cao. Nên người ta yên tâm, chỉ cần đặt hàng, thì sẽ nhận được sản phẩm ưng ý. Tiếng mõ từ gia đình này đã vang xa khắp các vùng, ngõ ngách chùa chiền trong tỉnh; lên địa đầu Cao Bằng, xuống cuối mũi Cà Mau, sang tận Đài Loan, Nhật Bản, rồi những đất nước xa xôi như Mỹ, Úc, .
Kỳ công với mõ
Anh Hải bảo, nghề làm mõ kỳ công lắm. Để hoàn thành một cái mõ, mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có tình yêu, sự nhẫn nại thì khó có thể theo đuổi được. Bởi, một chiếc mõ hoàn thiện, trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc chọn gỗ, phác thảo thô, tạo ruột, khắc hoa văn, quét dầu bóng bảo vệ, cho đến phơi khô…
Khi tạo ruột mõ, phải linh hoạt, lát đục phải mềm mại, vì chỉ cần mạnh tay sẽ làm thủng vỏ của mõ, nhưng nhẹ tay thì không đủ lực cho lát đục |
Gỗ chọn làm mõ phải đạt được các tiêu chí như không nứt nẻ, cứng nhưng không giòn, không thấm nước. Đặc biệt độ dai, nạc, nhưng phải có vân xoắn để khi gõ không bị lực làm bể. Ngày xưa có nhiều loại gỗ tốt như trắc, mun. Nhưng rừng ngày càng bị thu hẹp nên những loài gỗ quý dần tuyệt chủng.
Bây giờ khi làm mõ, người ta thường chọn gỗ mít là chính. Gỗ mít vừa đảm bảo được các tiêu chuẩn để làm mõ, hơn nữa không quá hiếm, giá thành lại tương đối rẻ.
Trong cơ sở mõ nhà ông Dư luôn chất la liệt gỗ mít, loại gỗ dễ làm mõ nhất này theo ông cũng không phải đơn giản. “Muốn biết gỗ xịn hay không, chỉ cần dùng đục thật bén “xả” (đẽo gỗ) thử một nhát. Nếu thịt gỗ láng bóng là được, còn thịt gỗ bị xước nên loại ngay, vì nếu làm xong, mõ kêu nhưng gõ một vài lượt thì sẽ nứt ngang dọc.
Gỗ mít làm tốt nhất là lúc còn tươi, còn để khô thì có nghiến răng đục cũng không đặng, mà còn mẻ lưỡi đục. Khó nhất trong các công đoạn làm mõ là tạo tiếng, mà ngôn ngữ chuyên dụng là lấy tiếng cho mõ.
Điều này cực kỳ khó, đòi hỏi sự hiểu biết và độ nhạy bén của nghề. Thực ra đó là cách đục hổng ruột của chiếc mõ. Mõ được cấu tạo theo miệng con cá, hai bên lỗ hổng tròn, và một đường xẻ rãnh cắt ngang. Nguyên lý âm thanh là khi đánh, lực tác dụng sẽ tạo ra âm, va vào thành ruột mõ, thoát ra từ hai bên.
Theo ông Dư, khi tạo ruột mõ, phải linh hoạt, lát đục phải mềm mại, vì chỉ cần mạnh tay sẽ làm thủng vỏ của mõ, nhưng nhẹ tay thì không đủ lực cho lát đục. Hãy tưởng tượng, người lấy ruột mõ là làm sao làm vỏ chiếc mõ mỏng như một quả dừa tự nhiên. Nhưng đó cũng chưa đủ, bởi vì không phải đục được ruột là mõ sẽ kêu ngay mà độ nhạy cảm nghề sẽ quyết định người làm mõ dừng lại ở những nhát đục nào. Có nghĩa, thiếu một nhát đục thì tiếng không kêu, còn thêm một nhát đục thì âm thanh sẽ vỡ (biến âm thanh).
Chúng tôi trực tiếp quan sát ông tỉ mẩn từng đường mõ. Đôi bàn tay gầy guộc, uyển chuyển. Chiếc mõ “một tay rưỡi” to hơn quả dừa, ông kẹp hai bàn chân giữ chặt, lưng cúi ghì, đôi mắt không rời xa từng nhát đục. Ông đang ở công đoạn lấy tiếng, chiếc đục sắc lẻm ăn từng nhát vào thớ gỗ, sau buổi loay hoay, ruột gỗ đã rỗng hoác, ông làm điêu luyện đến mức người ta ngỡ như ông đang dùng muỗng nạo thớ của quả dừa.
Mấy lát đục ông lại ngưng, rồi quay cán đục gõ vào vỏ mõ xem đã đủ âm hay chưa. Điều thú vị nhất là ông biết lấy cả tiếng mõ đực, mõ cái. Việc này chỉ có người trong nghề mới biết mà thôi.
Ông bảo, chỉ cần đi ngang qua chùa nào. Nghe tiếng mõ là biết ngay chùa đó có nữ tu hay nam tu. Vì rằng, tiếng mõ chùa nữ tu nghe vang “cốc cốc cốc”, âm thanh hơn, còn chùa có nam tu sẽ có tiếng mõ nghe trầm hơn “cúng cúng cúng”, âm trầm. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, thì âm thanh tiếng mõ thể hiện triết lý âm dương. Tiếng mõ đực nghe âm trầm nhưng rất vang, ngược lại, tiếng mõ cái thanh nhưng nhanh chìm.
Hầu hết chiếc mõ được hình tượng hóa của con cá theo “sự tích chiếc mõ”. Sự tích ra đời của chiếc mõ kể rằng, xưa kia có con cá kình theo thầy chùa, không chịu tu luyện, nên làm chuyện xằng bậy. Thầy chùa đã quở phạt, làm con cá kình ngộ ra và cúi đầu nhận tội, rồi bảo rằng, ngày ngày thầy cứ cầm dùi gõ vào đầu cá để cá ngộ ra. Từ đó chiếc mõ phỏng theo hình đầu cá. Mõ cũng có đầu và đuôi, khi đánh gõ vào đầu mõ thì tiếng mới kêu. Nên hoa văn chiếc mõ bao giờ cũng đục theo hoa văn vảy cá hoặc vảy rồng.
Tình yêu mõ từ thế hệ thứ ba
Anh Hải cho biết, ở đất Cố Đô, duy chỉ có dòng họ Phạm Ngọc nhà anh làm mõ mà thôi. Cái nghề được xem là “độc” này đã ngấm vào anh từ tuổi thơ. Lúc sinh ra anh đã nghe tiếng mõ lóc cóc bên tai. Khi biết khôn, anh đã thấy ông, cha mình suốt ngày đục đẽo. Tuổi thơ Hải đã tập tành làm ra những chiếc mõ, để chơi cùng chúng bạn, lớn lên biết làm mõ lúc nào không hay.
Hàng chục năm qua không biết bao nhiêu chiếc mõ xuất ra từ thôn Hạ II do chính gia dòng họ này làm. Tính đến nay họ Phạm nhà ông Dư tại Huế đã có 15 người theo nghề này. Từ con ruột đến dâu rể đều rất đam mê.
Anh Hải dẫn tôi vào cơ sở đục đẽo của mình, xếp la liệt nào mõ đại, mõ tiểu. Anh tự hào rằng, giờ đây, mới 29 tuổi nhưng anh đã có thể tự mình làm được mõ đại, loại mõ lớn khoảng 15 gang tay (chu vi) chỉ có người có kinh nghiệm mới làm được. Khi học xong THPT, không tha hương kiếm những công việc hiện đại, mà Hải trở về làm mõ.
Những chiếc mõ này sắp tới sẽ được đăng ký thương hiệu |
Bạn bè thường chọc, bảo rằng “Hải khùng”, vì từ trước đến nay có ai giàu từ nghề mõ bao giờ đâu? Nghe vậy anh chỉ cười, vì với anh nghề mõ vừa là niềm đam mê, vừa là trách nhiệm của thế hệ con cháu. Bỏ nghề đi dường như đó là lỗi, đắc tội với dòng họ, quê hương.
Hiện nay, tất cả nhân công trong cơ sở mõ của Hải đều là người trong dòng họ. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng chàng trai trẻ vẫn muốn bám nghề và phát triển thương hiệu. Khó khăn nhất hiện tại đối với Hải là gia đình không đủ vốn để đầu tư.
Mong ước của Hải là sau này sản phẩm của anh sẽ có bản quyền, có tên tuổi và phát triển thêm cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện, mỗi ngày cơ sở sản xuất của Hải có hàng chục chiếc mõ to nhỏ ở đây tỏa đi khắp nơi. Hải dự định sẽ cho sản xuất mõ với nhiều mẫu mã mới gọn, đẹp hơn, nếu được sẽ bỏ cho các quầy hàng lưu niệm để kiếm thêm, vì không nhất thiết là làm mõ chỉ cho mỗi nhà chùa.
Nhìn những chiếc mõ còn nức mùi gỗ, ánh mắt chàng trai trẻ rực sáng: “Mình sẽ phát triển nghề làm mõ không chỉ để làm giàu mà còn để lưu giữ một nghề truyền thống”. Hải lạc quan rằng, sau này sẽ nâng cơ sở của mình thành một xưởng mõ độc nhất xứ Huế. Hi vọng với niềm đam mê và quyết tâm của mình “chàng trai mõ” Phạm Ngọc Thanh Hải sẽ thành công.
Dương Đông